Giao mùa dễ bị viêm da
TS. Trần Văn Tiến, Phó Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia cho biết, thời tiết giao mùa như hiện nay khiến người dân dễ bị mắc các bệnh về da, đặc biệt là chàm.
Nhập viện đúng đêm tân hôn
Viện Da liễu Quốc gia vừa tiếp nhận một bệnh nhân là cô dâu, nhập viện đúng ngày cưới với những mảng da đỏ, phù nề chi chít mụn nước trên lưng, vai, đùi và những vết xước dài do móng tay gãi.
Theo người nhà bệnh nhân, những biểu hiện trên chỉ xuất hiện khi cô dâu trút bỏ bộ váy cưới. Thay vì hưởng hạnh phúc ngày đầu làm chồng vợ, chú rể hùng hục lôi vợ xuống bếp hơ khăn trên chảo cho nóng già rồi chà vào những chỗ mẩn ngứa của vợ, nhưng vẫn không xoa dịu được cơn ngứa cuồn cuộn. Những chấm li ti nhỏ vẫn liên tục xuất hiện trên cơ thể theo vệt gãi của cô dâu. Cuối cùng không chịu được, hai vợ chồng đón taxi đến viện ngay trong đêm. Nguyên nhân được xác định chính là chiếc chăn và ga trải giường được làm từ chất liệu len khiến cô dâu bị mẩn ngứa.
TS. Trần Văn Tiến cho biết, trước đó Viện từng đón nhận nhiều bệnh nhân là cô dâu vào viện khám với khuôn mặt sưng vù, tấy đỏ do sử dụng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng để trang điểm trong ngày cưới.
Theo các bác sĩ, trẻ em dưới 2 tuổi cũng là đối tượng dễ bị mắc chàm trong thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ khi thấy cơ thể con mọc chi chít những mụn nước li ti, mẩn ngứa lại tưởng bị bệnh thuỷ đậu nên kiêng nước, kiêng gió hoặc tắm qua bằng nước ấm. Sau hàng tuần không thấy bay mụn mới đem con đến viện.
Theo TS. Trần Văn Tiến, nếu bị chàm, càng tắm nước nóng càng ngứa vì da bị kích thích. Nếu là chàm thì thường là những chấm đỏ, nhỏ li ti, hơi nổi cao hơn mặt da, sau đó tập trung thành đám trên bề mặt da. Hoặc trên những chấm đỏ xuất hiện những mụn nước nổi cao hơn mặt da, to bằng hạt tấm, chứa dịch trong, nếu châm kim vào những nốt đó sẽ thấy dịch chảy ra. Còn bệnh thuỷ đậu thường mọc mụn nước theo trình tự lần lượt từ mặt xuống cổ, thân mình và tay chân.
Nhận diện “thủ phạm”
Theo BS Đặng Hồng Anh, Viện Da liễu TP HCM, ở trẻ vài tháng tuổi, chàm thường xuất hiện ở mặt và da đầu, nhưng với trẻ đã chập chững biết đi, chàm thường xuất hiện ở các nếp gấp như khuỷu tay, chân. Cũng theo BS Hồng Anh, chàm thể tạng ở trẻ được coi là một biểu hiện dị ứng của cơ thể và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố di truyền trong gia đình. Cũng có nhiều trẻ bị chàm ở chân do đi dép nhựa, dép cao su, ở bụng do mặc quần cạp chun hoặc mẩn ngứa khắp người do thảm trải nhà mất vệ sinh.
TS.Trần Văn Tiến cho biết, không chỉ khói xe, bụi đường, bụi phấn hoa khiến nhiều người bị mắc bệnh viêm da tiếp xúc (một thể của bệnh chàm) mà ngay cả trong gia đình cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bị chàm như: Quần áo nhuộm màu, chăn đệm bằng len, dép cao su, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em nhuộm màu, lông chó, mèo hoặc những côn trùng khác.
Ở nông thôn, đặc biệt là những nơi gần khu công nghiệp hoặc những làng nghề đúc đồng, nhôm cũng dễ khiến người dân bị mắc bệnh. Khi bị viêm da tiếp xúc, người bệnh sẽ có cảm giác rất ngứa ngáy, khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây nên biến chứng nhiễm trùng thận do bội nhiễm. Vì vậy, theo TS.Trần Văn Tiến, khi bị viêm da tiếp xúc, tốt nhất là nên loại bỏ những vật dụng gây bệnh và càng hạn chế gãi càng tránh được nguy cơ lan rộng chỗ ngứa.
Với trẻ em, BS Đặng Hồng Anh khuyên, không nên mặc quần áo hoặc nằm ngủ bằng chăn, đệm từ chất liệu len, mà nên sử dụng các loại vải cotton mềm. Quần áo mới của trẻ nên giặt trước khi mặc và gỡ mác ở cổ áo để tránh kích thích vào làn da non nớt của trẻ. Các bậc cha mẹ nên vệ sinh nhà cửa ít nhất 2 lần trong một năm bằng cách dùng loại thuốc xịt diệt chấy, rận, ve, gián.
(Theo Thegioisuckhoe)