Mày đay
Hỏi: Thường bị nổi mày đay, có khi chỉ vài giờ, có khi kéo dài vài ngày, phải uống thuốc mới khỏi. Đã đi khám bệnh về gan bình thường, cho uống thuốc hết bệnh một thời gian, giờ thỉnh thoảng vẫn nổi lại. Có cách nào điều trị khỏi hẳn được không, vì mỗi lần bị, rất khó chịu, kiêng ăn đủ thứ cũng không khỏi. (Lê Thị Kim Nhung, h. Sơn Hòa)
Hỏi: Thường bị nổi mày đay, có khi chỉ vài giờ, có khi kéo dài vài ngày, phải uống thuốc mới khỏi. Đã đi khám bệnh về gan bình thường, cho uống thuốc hết bệnh một thời gian, giờ thỉnh thoảng vẫn nổi lại. Có cách nào điều trị khỏi hẳn được không, vì mỗi lần bị, rất khó chịu, kiêng ăn đủ thứ cũng không khỏi. (Lê Thị Kim Nhung, h. Sơn Hòa)
Trả lời: Mày đay là một bệnh ngoài da, biểu hiện bằng những mảng tròn, rất ngứa, hơi nổi gờ trên mặt da, màu hồng, chung quanh có viền trắng, ngứa. Những biểu hiện này rất biến đổi, lặn chỗ này, nổi lên chỗ khác trong vòng vài giờ, có khi kéo dài nhiều ngày. Hình thức thể hiện cũng có thể khác ở một số người:
Kiểu da vẽ nổi: nếu lấy một mũi kim cùn gãi lên mặt da, thì tại đấy sẽ xuất hiện một mảng mày đay.
Mày đay dạng sẩn ngứa biểu hiện bằng những sẩn nhỏ như đầu đinh ghim.
Mày đay dạng mảng cố định, đối xứng, ít ngứa, có thể kèm sốt nhẹ, đau khớp.
Bệnh có thể biểu hiện cấp tính, sau khi uống một thuốc (thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kháng sinh,..), sau khi bị côn trùng đốt (ong, rệp,..), hoặc sau khi ăn một số thức ăn (cá ngừ, tôm, cua, trứng,…). Bệnh cũng có thể là biểu hiện ban đầu của một số bệnh nhiễm khuẩn như viêm gan siêu vi, nhiễm giun sán…
Mày đay mạn tính có thể có nhiều nguyên nhân hơn:
Yếu tố vật lý: bị đè ép trên da, do lạnh, do nước, do thay đổi thời tiết, mày đay toàn thân khi ra nắng.
Các dị nguyên: hóa chất, thức ăn, bụi phấn, xi măng,…
30-40% các trường hợp mày đay không rõ nguyên nhân.
Theo cách nghĩ phổ thông, khi bị mày đay thường nghi do bệnh gan, nhưng như đã nói, bệnh có thể là biểu hiện của một số bệnh gan, nhưng đa số không liên quan đến gan. Do đó, điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin, uống hoặc tiêm (prometazin, chlopheniramine, cezil, telfast,…). Khi bệnh nặng, bác sỹ có thể cho dùng thêm các thuốc corticoid (prednisolon, dexamethasone,..).
Việc điều trị dứt hẳn bệnh có khó khăn vì nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Nếu xác định được nguyên nhân, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc, tránh ăn thức ăn, uống thuốc gây dị ứng; xổ giun,.. Tuy nhiên các nguyên nhân như do lạnh, nước là không thể tránh khỏi, chỉ có thể hỗ trợ. Cũng có trường hợp bệnh hết hẳn hoàn toàn sau vài năm, có thể liên quan đến tuổi, sinh lý. Vài trường hợp có yếu tố tâm lý nổi trội sẽ được điều trị hỗ trợ bằng các thuốc giải lo âu, liệu pháp tâm lý.
BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)