Mắc thủy đậu, có phải kiêng tắm?
Bệnh thủy đậu do virut Varicella zoster gây ra. Nguồn lây bệnh duy nhất là người bệnh qua tiếp xúc trực tiếp hoặc do virut từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt của người bệnh bắn sang người lành khi nói, ho, hắt hơi.
Bệnh thủy đậu do virut Varicella zoster gây ra. Nguồn lây bệnh duy nhất là người bệnh qua tiếp xúc trực tiếp hoặc do virut từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt của người bệnh bắn sang người lành khi nói, ho, hắt hơi. Virut xâm nhập vào cơ thể qua mũi - họng, rồi theo đường máu đến cư trú ở lớp tế bào thượng bì da và niêm mạc (niêm mạc miệng, kết mạc mắt...) và gây nên những nốt phỏng ở đó.
Ai dễ mắc bệnh?
Tỷ lệ mắc bệnh thường cao ở các đô thị, nơi đông dân, nhất là lúc giao mùa. Tuổi mắc nhiều nhất là từ 2-7 tuổi, phần lớn là trẻ chưa được tiêm phòng thủy đậu; ít khi gặp ở trẻ dưới 6 tháng. Người lớn cũng mắc nếu như khi còn nhỏ chưa mắc do khi đã mắc bệnh thủy đậu, người bệnh có thể thu được miễn dịch bền vững. Phụ nữ có thai bị thủy đậu trong nửa đầu của thai kỳ có thể gây dị dạng ở não bộ, da... của bào thai. Nếu trước sinh một tuần, phụ nữ có thai mắc thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ bị thủy đậu sơ sinh. Với trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, những người bị eczema hoặc có bệnh về máu, bệnh thường nặng, nốt phỏng hay bị loét, hoại tử, có chứa chất nhày màu xám; có khi còn gây viêm thận cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm loét giác mạc, viêm tủy thoáng qua, viêm màng não vô khuẩn.
Khi các phỏng thủy đậu vỡ, không nên bôi thuốc mỡ mà nên bôi thuốc xanh methyle.
Những sai lầm cần tránh
Theo quan niệm của nhiều người, khi mắc bệnh thủy đậu, ở cả trẻ em và người lớn nên kiêng gió, kiêng nước. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo thì đây là quan niệm sai lầm vì trên da có rất nhiều vi khuẩn sống cộng sinh, bình thường chúng chung sống hòa bình với con người nhưng khi mắc thủy đậu, các nốt phổng trên da hay ở niêm mạc có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, trẻ không chịu được sẽ gãi và làm trầy xước da. Khi đó nếu không được chăm sóc vệ sinh hay tắm rửa sạch sẽ, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua nốt phổng bị vỡ gây nhiễm khuẩn tại chỗ, thậm chí viêm da nặng có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc nhiễm khuẩn huyết. Do vậy, người bệnh thủy đậu cần tắm hàng ngày bằng nước sạch, nếu có thể dùng nước đun các loại lá. Theo kinh nghiệm dân gian có thể dùng lá cây chân vịt, hoàng liên để đun nước tắm thì càng tốt. Chú ý khi tắm không kỳ cọ mạnh tránh gây vỡ nốt đậu.
Thủy đậu rất dễ lây nên cần cách ly khi trẻ mắc bệnh
Thủy đậu là bệnh lành tính, do virut gây ra nên có đến 90% bệnh sẽ tự khỏi nhưng bệnh cũng rất dễ lây nên khi trẻ mắc thủy đậu cần cách ly trẻ tại nhà từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vảy. Mục đích là tránh để trẻ lây bệnh cho những trẻ khác tại nhà trẻ hay lớp học. Quần áo, khăn mặt, đồ dùng khác của trẻ phải được giặt bằng xà phòng, nước sạch rồi là trước khi mặc. Chú ý cắt ngắn móng tay, trẻ nhỏ phải cho mang bao tay. Nhỏ mắt, mũi bằng thuốc sát khuẩn như chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1% (2-3lần/ngày) cho trẻ. Các nốt phỏng vỡ không nên bôi các loại thuốc mỡ (tetraxiclin hay mỡ penixilin...) mà chỉ nên bôi thuốc xanh metylen hoặc các loại milian. Người chăm sóc trẻ cần chú ý không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ điều trị. Khi thấy trẻ đột nhiên sốt cao, nốt phỏng mọc dày chi chít hoặc chảy nước mắt tự nhiên, sợ ánh sáng cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.
Theo SKDS