Bệnh chậm tiêu chức năng là gì?
Bệnh chậm tiêu chức năng là tình trạng chậm tiêu không do các bệnh lý tổn thương thực thể ở hệ thống tiêu hóa.
Bệnh chậm tiêu chức năng là tình trạng chậm tiêu không do các bệnh lý tổn thương thực thể ở hệ thống tiêu hóa.
Một người bị chậm tiêu chức năng thường có một hay nhiều hơn các triệu chứng sau đây, với thời gian khởi phát bệnh ít nhất là 6 tháng trước đó và rõ hơn trong 3 tháng cuối: đầy bụng, khó chịu trong bụng sau khi ăn; no sớm; đau bụng thượng vị; cồn cào nóng rát thượng vị; không có bằng chứng của các bệnh thực thể, kể cả kỹ thuật nội soi đường tiêu hóa trên. Chậm tiêu cơ năng chia thành 2 hội chứng:
Một là hội chứng khó chịu sau ăn (Postprandial distress syndrome): bệnh nhân có ít nhất một trong các triệu chứng sau với thời gian khởi phát triệu chứng ít nhất là 5 tháng trước đó và rõ hơn trong 3 tháng cuối: đầy bụng, khó chịu trong bụng sau khi ăn, xảy ra sau một bữa ăn trung bình và ít nhất vài lần trong tuần. No sớm: xảy ra ít nhất vài lần trong tuần với những bữa ăn thông thường.
Vi khuẩn Helicobacter Pylori thường hiện diện ở dạ dày trong bệnh chậm tiêu chức năng.
Hai là hội chứng đau bụng thượng vị: bệnh nhân có đau và/hoặc nóng rát với thời gian khởi phát triệu chứng ít nhất là 6 tháng trước đó, rõ hơn trong 3 tháng cuối với các đặc điểm: xảy ra không liên tục ở vùng thượng vị với mức độ trung bình trở lên và ít nhất một lần trong tuần; không xuất hiện ở ngực và các vùng bụng khác; không giảm đi sau khi đại tiện và trung tiện.
Bệnh chậm tiêu chức năng cần phân biệt với các bệnh: nhiễm độc, dị ứng, nội tiết, tim mạch, viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày…
Điều trị bệnh chậm tiêu chức năng gồm các biện pháp: điều chỉnh chế độ ăn uống, bệnh nhân cần tránh dùng các chất kích thích như rượu, café, nước chè, thuốc lá, thuốc lào, hạn chế chất béo trong khẩu phần ăn, tránh sử dụng thuốc chống viêm giảm đau không steroid… Sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng gồm: thuốc giảm tiết, thuốc trung hòa acide; thuốc tiệt trừ vi khuẩn Helicobacter Pylori nếu xét nghiệm có Hp (+); thuốc điều hòa nhu động ống tiêu hóa, điều hòa hệ tiêu hóa; thuốc chống trầm cảm; liệu pháp tâm lý…
Phòng bệnh, cần ăn các thức ăn dễ tiêu, luôn luôn ăn chín uống sôi. Không ăn rau sống, mắm tôm mắm tép, dưa cà muối chua. Tránh thức khuya. Không lao động nặng ngay sau khi ăn.
The SKDS