Ðau dây thần kinh liên sườn - Chớ coi thường
Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh rất hay gặp ở người trưởng thành.
Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh rất hay gặp ở người trưởng thành.
Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh rất hay gặp ở người trưởng thành. Tính chất đau là đau liên tục suốt ngày đêm, đau tăng lên khi thay đổi tư thế, hít thở sâu hoặc vận động. Ngoài ra còn có dấu hiệu như: sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân... Đặc điểm nổi bật của bệnh đau dây thần kinh liên sườn là hay tái phát, gây nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân đau dây thần kinh liên sườn
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn rất đa dạng, có thể là tiên phát (nguyên nhân trực tiếp gây nên đau thần kinh liên sườn) do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Một số trường hợp đau dây thần kinh liên sườn là do các bệnh khác đưa đến hoặc hậu quả của các bệnh khác, vì vậy được gọi là đau dây thần kinh thứ phát. Một trong các bệnh dễ dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn là bệnh thoái hóa cột sống lưng (D1-D12) hoặc do lao cột sống hoặc ung thư cột sống. Ngoài ra, một số bệnh thuộc tủy sống (u rễ thần kinh, u ngoài tủy), bệnh lý nhiễm trùng (vi khuẩn hoặc virut), trong đó hay gặp nhất là bệnh zona thần kinh mà căn nguyên là do virut Herpes Zoster. Viêm đa rễ thần kinh, sức đề kháng yếu, mắc một số bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường), dùng thuốc kháng viêm corticoide kéo dài hoặc do nhiễm độc một số kim loại (chì) cũng gây nên đau dây thần kinh liên sườn.
Đau dây thần kinh liên sườn do nhiễm trùng, nhất là bệnh Zona thần kinh do virut Herpes Zoster.
Biểu hiện thế nào?
Đau dây thần kinh liên sườn là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn và là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau. Cơn đau xuất hiện ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống - bả vai, có thể đau một hoặc hai bên, đau lan theo khoang liên sườn ra phía trước ngực, thượng vị. Cơn đau thường xảy ra âm ỉ đôi khi kéo dài cả ngày, đêm. Đau tăng lên khi hít thở sâu, thay đổi tư thế (xoay người, vặn mình), ho, hắt hơi. Cơn đau ở vùng lưng, ngực dễ nhầm với bệnh tim hoặc phổi, bởi vì da và các cơ quan vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Nếu do hậu quả của thoái hóa cột sống lưng thì cơn đau thường âm ỉ, ê ẩm, cả khi vận động và ngay cả khi nghỉ ngơi. Nếu dùng ngón tay ấn vào vùng cạnh sống tương ứng với khe gian đốt sống thì người bệnh thấy đau tức và đôi khi đau lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn.
Đáng chú ý nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona. Bệnh nhân thấy đau rát ở vùng tổn thương zona một thời gian, có khi kéo dài hàng tháng và hay tái phát cơn đau. Nếu đau dây thần kinh liên sườn bởi bệnh lý lao cột sống hoặc ung thư cột sống, đau thường khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương, đau nhói cả hai bên sườn, có khi đau như bó chặt lấy ngực hoặc bụng. Trong các trường hợp này rất dễ chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt ngực hoặc bệnh dạ dày - tá tràng. Tính chất đau là đau liên tục suốt ngày đêm, đau tăng lên khi thay đổi tư thế, hít thở sâu hoặc vận động. Ngoài ra còn có dấu hiệu của triệu chứng bệnh lao (sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân...). Đặc điểm nổi bật của bệnh đau dây thần kinh liên sườn là hay tái phát.
Lời khuyên của bác sĩ
Nguyên tắc điều trị đối với bệnh đau dây thần kinh liên sườn, tốt nhất là dựa vào nguyên nhân gây bệnh (zona, lao, thoái hóa cột sống). Trong một số trường hợp không xác định được nguyên nhân thì chủ yếu là giải quyết điều trị triệu chứng. Việc cần làm là giảm đau bằng một số thuốc thông thường (paracetamol, felden, diclofenac...). Bên cạnh đó cần dùng một số thuốc đặc trị đau thần kinh. Ngoài ra, nên dùng thêm các thuốc giãn cơ và các loại thuốc nhóm vitamin B (B1, B6, B12) là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào, trong đó có tế bào thần kinh. Song song với dùng thuốc, cần có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý như ăn uống đầy đủ chất đạm, đường, béo, trái cây, rau...
Không mang vác, làm việc quá sức, vận động sai tư thế làm ảnh hưởng đến cột sống. Mùa lạnh cần mặc ấm, phòng ngủ không có gió lùa. Không để mắc bệnh lao bằng cách khi tiếp xúc với bệnh nhân lao phải có bảo hộ tốt, trong trường hợp cần thiết nên cách ly. Trẻ mới sinh ra cần tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh lao để lớn lên không mắc bệnh lao.
Theo SKDS