Phòng bệnh viêm màng não
Anh Bùi Văn Nam (phường 9, TP Tuy Hòa) hỏi: Trong thời gian gần đây tôi nghe nói nhiều về bệnh viêm màng não. Bệnh này do nguyên nhân nào gây nên và cách phòng bệnh như thế nào.
Anh Bùi Văn Nam (phường 9, TP Tuy Hòa) hỏi: Trong thời gian gần đây tôi nghe nói nhiều về bệnh viêm màng não. Bệnh này do nguyên nhân nào gây nên và cách phòng bệnh như thế nào. Viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp, từ người bệnh sang người lành và dễ phát thành dịch. Bệnh thường xuất hiện rải rác trong năm và không theo mùa như những bệnh khác. Những yếu tố dễ làm phát sinh bệnh là môi trường sống chật chội, không đảm bảo vệ sinh, hoặc khi thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa và ngược lại. Vi khuẩn não mô cầu có bốn type A,B,C,D. Hiện nay ở Việt Nam và cả trên thế giới mới có vắcxin phòng bệnh não mô cầu do type A và C gây ra. Ở nước ta lại thường gặp vi khuẩn thuộc type B và D nhiều hơn, trong khi 2 type này chưa có vắcxin. Tuy nhiên vi khuẩn não mô cầu kém chịu đựng được ánh sáng mặt trời và thuốc sát trùng, thường chết nhanh ở môi trường bên ngoài khi được thải qua đường hô hấp (ở ngoài cơ thể chỉ sống được 3-4 giờ, trên quần áo sống không quá 12 giờ, ở trong phòng 2-8 giờ, dưới ánh nắng mặt trời, bị tia cực tím tiêu diệt ngay tức thì, rất nhạy cảm với thuốc khử trùng cloramin và cồn 70oC). Do đó, việc vệ sinh môi trường sống đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng bệnh. Bệnh thường khởi phát bằng những dấu hiệu như viêm mũi hầu, viêm họng… Thời gian ủ bệnh trung bình 2-5 ngày, sau đó toàn phát với các triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng nề và hội chứng màng não như sốt cao đột ngột, co giật, ói mửa, cổ cứng… Nếu là trẻ nhỏ thường lả người nhanh, đôi khi co giật. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh thường tử vong do nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng; hội chứng xuất huyết nhiều nơi ở da, niêm mạc, tiêu hóa; suy thận cấp, suy tim mạch. Để phòng ngừa, cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, làm vệ sinh môi trường, nhất là những nơi chật hẹp, đông người như trường học, nhà trọ, doanh trại để hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và môi trường có bệnh. Trong trường hợp có tiếp xúc với người bệnh (người sống trong một nhà) có thể uống kháng sinh dự phòng sau mỗi lần tiếp xúc (theo chỉ định của bác sĩ). BS CHÂU TRỌNG PHÁT
Trả lời:
(Theo Phú Yên Online)