Tổng quan: việc công bố kết quả của thử nghiệm chống loạn nhịp tim vào năm 1989-1992 và các nghiên cứu khác cho thấy tỉ lệ tử vong tăng liên quan đến việc dùng thuốc chống loạn nhịp khiến giới y học phải đánh giá lại sự lựa chọn và sử dụng thuốc trong xử trí nhiều trường hợp loạn nhịp nặng. Kết quả là trong một số trường hợp (ví dụ loạn nhịp thất nguy hiểm) thuốc chống loạn nhịp được thay thế bằng cấy thiết bị khử rung. Thuốc chống loạn nhịp vẫn được dùng làm liệu pháp bước đầu cho nhiều trường hợp loạn nhịp trên thất, nhưng việc sử dụng các thuốc này làm liệu pháp chủ yếu cho loạn nhịp thất đã giảm từ khi công bố những thử nghiệm đã được đề cập ở trên.
Hệ thống phân loại Vaughan- Williams (V-W) được sử dụng từ lâu để phân loại thuốc chống loạn nhịp. Hệ thống này xếp những thuốc hiện có vào một trong 4 nhóm I, II, III, IV. Tuy nhiên, hệ thống V-W có hai hạn chế, thứ nhất mặc dù tất cả thuốc trong một nhóm có thể có tác dụng điện sinh lý giống nhau, chúng không nhất thiết có tất cả các tác dụng giống nhau. Hạn chế thứ 2 của hệ phân loại này là một số thuốc có hoạt tính điện sinh lý đa dạng khiến khó xếp thuốc vào một nhóm duy nhất (như amiodaron) hoặc vào bất kỳ nhóm nào (như adenosin).
Thuốc chống loạn nhịp nhóm II theo phân loại V-W gồm các thuốc ức chế beta- adrenalin. Vào năm 1948, Ahlquist giả thuyết rằng các catecholamin phát huy tác dụng sinh lý qua trung gian là hoạt động của các thụ thể đặc hiệu, được đặt tên là alpha và beta. Điều này dẫn tới việc triển khai các thuốc có tác dụng đối kháng tại các thụ thể này, nhờ đó làm giảm hoặc mất tác dụng của các catecholamin. Chất đối kháng thụ thể beta đầu tiên được đưa ra thị trường vào năm 1967 là propranolon. Sau khi tìm ra propranolon, các thuốc chọn lọc beta 1 và beta 2, cũng như nhiều thuốc có tác dụng giả giao cảm nôi tại đã ra đời. Mặc dù ban đầu người ta tin rằng mô cơ tim không có thụ thể beta 2, song hiện nay người ta thừa nhận rằng, bất chấp ưu thế tương đối của thụ thể beta1 là trên cơ tim, thụ thể beta 2 cũng có ở các tế bào cơ tim và là yếu tố quan trọng điều hoà hoạt động tim do đó là mục tiêu tác dụng của thuốc. Vì sự phân tán của thụ thể beta trong cơ thể và sự đa dạng của các chất đối kháng thụ thể beta hiện có, nên vai trò trị liệu của chất đối kháng thụ thể beta vẫn tiếp tục gia tăng.
Cơ chế tác dụng: các chất đối kháng beta-adrenalin cạnh tranh với các chất dẫn truyền thần kinh thuộc hệ adrenalin (ví dụ các catecholamin) trong việc gắn với vị trí thụ thể giao cảm. Nói chung, người ta cho rằng các tác dụng điện sinh học/ dược động học có lợi chủ yếu của các chất chẹn beta là do đối kháng trực tiếp với kích thích adrenalin của hạch SA và AV. Các chất chẹn beta được ưa chuộng trong điều trị loạn nhịp chủ yếu do thiếu hụt tại các vị trí này. Về dược lý học, các thuốc này có thể làm tăng tính trơ của hạch nhĩ thất, gây giảm tính tự động và làm chậm dẫn truyền.
Đặc điểm phân biệt: chất ức chế beta được sử dụng làm thuốc chống loạn nhịp cho những bệnh nhân chỉ cần kiểm soát nhịp thất trong khi bị nhịp nhanh nhĩ hoặc những người bị loạn nhịp thất triệu chứng nhẹ. Hơn nữa, các thuốc nhóm V-W khác cũng có thể có tác dụng ức chế beta ngoài tác dụng điện sinh lý cơ bản của chúng. Những thuốc có hoạt tính đối kháng beta bổ sung hoặc thứ phát bao gồm propafenol, sotalol, và amiodaron.
Phản ứng có hại: nói chung nhẹ và thoáng qua, thường xảy ra lúc bắt đầu điều trị và sau đó giảm dần.
Phản ứng có hại nhất là thay đổi hiệu quả điều trị. Nhịp tim chậm hoặc hạ huyết áp là phản ứng phụ nghiêm trọng hiếm gặp và có thể đảo ngược bằng atropin tiêm TM. Block nhĩ thất thứ phát do giảm dẫn truyền tại nút nhĩ thất, có thể cần dùng liệu pháp giảm áp và/hoặc giả giao cảm hoặc sử dụng máy tạo nhịp tạm thời.
Suy tim ứ huyết hay xảy ra ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thất trái từ trước và thường đáp ứng với việc ngừng dùng liệu pháp chẹn beta.
Tác dụng phụ TKTW bao gồm chóng mặt, mệt mỏi và trầm cảm. Mặc dù ít gặp hơn với chất chẹn beta ưa nước, nhưng ức chế hệ TKTW gây trầm cảm, mệt mỏi và ở một số trường hợp mê hoảng có thể xảy ra.
Ỉa chảy và nôn/buồn nôn là tác dụng phụ tiêu hóa hay gặp nhất khi dùng liệu pháp với chất chẹn beta.
Co thắt phế quản và rối loạn nhịp thở thường xảy ra với các chất chẹn beta không chọn lọc hoặc khi dùng liều cao của thuốc tác dụng chọn lọc trên tim do khả năng chọn lọc beta của thuốc bị mất đi. Những bệnh nhân bị bệnh co thắt phế quản từ trước có nguy cơ cao hơn.
Cả tăng và giảm đường huyết có thể xảy ra khi dùng liệu pháp chẹn beta. Chất chẹn beta có thể gây cản trở phân giải glicogen dẫn đến tăng đường huyết và cũng có thể che khuất dấu hiệu của hạ đường huyết. Thận trọng khi dùng chẹn beta ở bệnh nhân đái đường dao động.
(Theo cimsi)