Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Người Giàng

Từ tỉnh lỵ Quảng Nam, chúng tôi “thượng sơn” bằng “ngựa sắt” gần 200 cây số trong 8 giờ đồng hồ, hơn nửa đường là đèo dốc hiểm trở, băng qua nhiều đoạn vừa sạt lở trong mùa mưa, đất đá cây rừng đổ ngã ngổn ngang… mong gặp được Trung úy quân y Trương Văn Hoàng, Ðồn biên phòng 653, người vinh dự được đồng bào các bản làng xã La Ê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam quý trọng gọi là “người Giàng”.

“Sự tích” cái tên

Trung úy, y sĩ Trương Văn Hoàng - Đồn biên phòng 653 Bộ đội biên phòng Quảng Nam.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y Hà Nội (1993), y sĩ Trương Văn Hoàng, quê Đại Lộc, Quảng Nam tình nguyện lên phục vụ miền núi. Lúc đó anh 21 tuổi, được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam điều động về Đồn 653, đồn biên phòng heo hút và hiểm trở nhất. Từ xã La Ê, địa bàn đơn vị anh đứng chân cách Bến Giằng (nơi cuối tỉnh lộ) - thị trấn huyện miền núi Nam Giang trên 70km theo đường chim bay. Ngày ấy không có đường thông từ dưới xuôi lên, chỉ có lối mòn nhưng đứt quãng, nhiều đoạn phải luồn rừng, leo ghềnh, băng thác mà đi. Dọc tuyến biên giới gần 30km do đồn Biên phòng 653 quản lý có đến 6 bản làng, phần lớn là dân tộc Cơ Tu, số ít là người T’riềng. Ngày trước, các bản này chuyên du canh, du cư, còn nặng các hủ tục, lối sống sinh hoạt lạc hậu, ít có điều kiện tiếp xúc với người miền xuôi, bệnh tật đau ốm xảy ra triền miên, việc tuyên truyền thật không dễ dàng để làm thay đổi nhận thức của họ. Thời gian đầu quả là chuỗi ngày vô vàn khó khăn, gian khổ với một chiến sĩ trẻ như y sĩ Trương Văn Hoàng.  

Vừa mới về nhận nhiệm vụ, anh “chạm” ngay một trường hợp dở khóc dở cười và đã trở thành kỷ niệm khó quên trong cuộc đời quân ngũ của mình. Đó là trường hợp chết đuối của Zơ Râm Thị Nhàn, 17 tuổi, ở bản Pà Oai. Trên đường làm rẫy về, thiếu nữ người Cơ Tu này không may trượt chân ngã suối. Đang lúc y sĩ Trương Văn Hoàng xuống bản làm nhiệm vụ, nghe tin, anh vội vã chạy đến. Nhận ra giữa đám người vây quanh là cô gái đang sũng nước, nằm bất động bên mép suối. Không chần chừ, anh xốc ngược thân hình cô gái lên, rồi vác chạy vòng vòng, nước trong mồm cô gái thốc trào ra. Vừa giục mọi người nhóm lửa sưởi ấm cho cô, anh vừa tiếp tục hô hấp nhân tạo. Sau một hồi kiên trì của y sĩ Hoàng, cô gái dần tỉnh lại. Anh vừa đứng lên, thân hình nhễ nhại mồ hôi và dồn dập thở, chưa kịp vui trước sự hồi tỉnh của cô gái thì bất ngờ từ phía sau, bố mẹ của Zơ Râm Thị Nhàn vừa chạy đến túm chặt vai áo anh, giận dữ: “Nghe dân làng vừa nói “con Kinh” (tức người Kinh) xấu cái bụng! Con Nhàn nhà mình là đứa còn… “B’đing” (gái chưa chồng), sao lại… “O hom”, “Chum”, “C’tưn to”… (ôm, hôn, mò…) nó, là sao?...”. Sau đó, họ khư khư buộc anh phải theo họ về bản để “bắt xô” (phạt) vì đã “chạm” vào thân thể gái trinh, phạm luật tục của người Cơ Tu. Nghe vậy, y sĩ Hoàng vui vẻ cùng theo về. Tại nhà Gươl của bản Pà Oai, nhân lúc có đông đảo bà con, anh ôn tồn giải thích, nói rõ các động tác phải làm khi cứu người trong cơn chết đuối. Sau những kiên trì của anh, bản làng cũng có người dần vỡ ra…      

Không lâu sau, cũng ở bản Pà Oai, một trường hợp khác là ca sinh khó của chị Tơ Ngol Thị Phool. Trong lúc tuyên truyền lối sống vệ sinh đến các bản, y sĩ Trương Văn Hoàng tận mắt cảnh chị Phool ôm bụng quằn quại, không ngớt gào thét trong góc nhà. Cảnh thầy mo cứ cầm nùi lửa mà vẽ vòng trước cửa, khói um mù mịt, miệng thì lầm bầm khấn vái… ròng rã nhiều giờ đồng hồ nhưng không một chút làm cơn đau sản phụ đỡ hơn. Thấy nguy kịch, anh liền xin vào cứu giúp, người nhà chị Phool một mực không cho, cứ luôn miệng bảo để thầy mo nó đuổi ma rừng đang ám…! Tức tốc, anh chạy ngay đến già làng. Sau một hồi thuyết phục, già làng đã đứng ra dàn xếp. Trước cái thai con so nhưng khá lớn và đang sinh dở, máu ra suốt thời gian khá dài, mất quá nhiều sức…, với tấm lòng y đức của thầy thuốc, “bà đỡ” đeo quân hàm xanh cũng đã thành công ca đẻ giữa đại ngàn biên cương heo hút.

Lần khác, vào giữa mùa mưa năm 2000, y sĩ Trương Văn Hoàng được trên cử đi công tác khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho đồng bào nước bạn Lào tại các bản thuộc huyện Đắc Chưng sát biên giới nước ta. Trên đường về, đặt chân lên buôn ASò lúc trời tối hẳn, anh và các chiến sĩ trong đoàn quyết định ở lại sinh hoạt cùng bà con. Vào bản, nghe tin cháu Zơ Râm Tí, con gái ông Zơ Râm Phênh vừa chết do đau nặng. Nghe vậy, y sĩ Hoàng cùng đồng đội sang nhà ông Phênh để thăm hỏi và phụ giúp việc tang. Bước vào nhà, anh đưa tay sờ vào thi thể cháu bé, chợt linh tính của người thầy thuốc, anh liền gọi người nhà để tìm hiểu bệnh trạng cháu Tí. Nghe qua, anh nghĩ ngay vì sốt quá cao, cộng với 4 ngày không ăn uống. Trương Văn Hoàng quyết định nâng thi thể của cháu Tí chồm dậy, anh nhẹ nhàng trút vào miệng cháu chén thuốc hạ sốt, rồi liên tục dùng khăn chườm lạnh. Sau một hồi, cháu Zơ Râm Tí đã tỉnh lại trước kinh ngạc của mọi người.

Không chỉ các lần đó, Trương Văn Hoàng thêm nức tiếng qua rất nhiều trường hợp cứu người trong nguy cấp, như trường hợp cứu sống sản phụ B’Nước Hiu ở bản Côn Zốt trong ca đẻ thai chết lưu; tại bản BLăng, giật lại mạng sống của ông ALăng Đước trong cơn ngấm nọc độc rắn cạp nong xanh; hàng chục vụ ngộ độc, sốt rét ác tính, tai nạn lao động… tất thảy, anh đều có mặt, sẵn lòng tận tình cứu người thoát chết. Dân làng tin yêu và quý trọng gọi anh “người Giàng” (thay trời, cứu người). 

Người của “4 cùng”

Đồng bào các buôn làng La Êê đã quen thuộc với hình ảnh anh chiến sĩ quân y mặc quân phục xanh có vóc dáng cao khỏe, nhanh nhẹn, làn da ngăm đen và vẻ mặt luôn tươi cười với mọi người. Hôm nào y sĩ Trương Văn Hoàng cũng xuống các bản làng, bất kể đêm ngày hay mưa nắng, nhận tin có người bị tai nạn hay ốm nặng… là anh sẵn sàng tay xách, vai đeo mà trèo đèo lội suối, băng rừng hàng chục cây số để kịp thời đến cứu giúp dân bản. Nhớ lại những năm La Êê chưa có trạm y tế, nên công việc truyền thông phòng chống bệnh tật, kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh, môi trường… là hoàn toàn bỏ trống. Dân làng tin vào Giàng, hễ bệnh tật, ốm đau là đi mời thầy mo, cúng bái sinh nhiều tốn kém, nhưng rốt cuộc cái chết vẫn cứ tìm đến. Điển hình các năm 1993, 1994 xảy ra dịch lỵ và kéo dài một thời gian trên khắp 6 bản thuộc địa bàn xã La Êê. Nhà nhà cúng Giàng nhiều ngày nhiều đêm nhưng không sao dập tắt cơn dịch nguy hại này. Trước tình trạng đó, y sĩ Hoàng đến từng nhà kiên trì giải thích rõ nguyên nhân gây ra tình trạng ấy. Anh vận động bà con nhốt hết heo, gà, trâu, bò đang thả rông trong bản rồi hướng dẫn cách làm chuồng trại, khu vực chăn nuôi phải xa nhà. Hướng dẫn từng hộ gia đình làm hố tiêu, nhà xí, chỉ dẫn cách ăn chín, uống sôi, huy động toàn bộ làm tốt công tác vệ sinh thôn bản…; Chủ động đến gặp từng thầy mo, dẫu biết không dễ gì lay chuyển số người thuộc “cõi phù” này, nhưng sau nhiều lần lý giải thấu đáo của y sĩ Hoàng, thầy mo cũng bị thuyết phục và rồi vui vẻ hưởng ứng cùng mọi người. Cũng bằng sự nỗ lực, quyết tâm đó mà việc phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết ở các bản làng La Êê những năm bấy giờ có hiệu quả tốt, làm hạn chế số tử vong khá lớn hằng năm đã xảy ra.

Trung úy, y sĩ Trương Văn Hoàng và đồng đội.
 

Không thể bất đồng ngôn ngữ, ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ, y sĩ Trương Văn Hoàng tranh thủ học tiếng các dân tộc trên địa bàn. Vốn chịu khó học hỏi, không bao lâu, y sĩ Hoàng đã thạo các tiếng Cơ Tu và T’riềng. Anh nghĩ rằng: Nghe và nói được tiếng đồng bào chính là chìa khóa mở ra sự gắn bó quân-dân lâu dài, hiểu được những phong tục tập quán, tâm tư của bà con để giúp đỡ, vận động xây dựng nếp sống văn hóa đến buôn làng. Anh còn nhiệt tình dạy lại cho đồng đội để họ có điều kiện tiếp xúc bà con. Rồi trong số anh em đó đã có người cùng y sĩ Hoàng đứng ra tổ chức các lớp xóa mù chữ ở các buôn. Và cũng từ các lớp học này, học trò của các thầy giáo đeo quân hàm xanh là lực lượng được nhân rộng trong việc vận động nếp sống vệ sinh khoa học, nhằm gạt bỏ những hủ tục lạc hậu bấy lâu. Bằng những hướng dẫn trong công việc một cách cụ thể của y sĩ Hoàng và đồng đội thì ngoài ra còn làm thay đổi cách sản xuất nuôi trồng của đồng bào nơi đây. Họ đã biết làm hệ thống dẫn nước từ đầu suối về bản nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt, việc trồng cây lúa nước. Xóa bỏ hẳn lối sống du canh du cư, tàn phá rừng, săn bắn động vật quý hiếm… 

Bây giờ, mặc dù La Êê đã đẩy mạnh công tác y tế, nhưng đối với y sĩ Trương Văn Hoàng, anh càng thấy thêm trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa đối với đồng bào nơi đây. Anh đã phối hợp chặt chẽ cùng trạm y tế xã thành lập mạng lưới cộng tác và tuyên truyền ở mỗi bản. Anh đã cùng họ thường xuyên vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa, kiểm tra, nhắc nhở ăn uống hợp vệ sinh, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm… Hôm chúng tôi đến trạm y tế xã La Ê, gặp y sĩ Trạm trưởng Đặng Thanh Chương, anh vui mừng nói: “Khi mới lên đây, anh em chúng tôi chỉ mong sao bản làng biết uống thuốc khi đau ốm, sinh đẻ biết đến trạm xá, ngần ấy thôi là thắng lợi lớn rồi. Thực tế bây giờ thì các công tác và phong trào y tế được cấp trên đánh giá là ngọn cờ đầu của huyện. Có được thành tích đó, trạm chúng tôi vô cùng biết ơn y sĩ Hoàng”. Với trọng trách của một Đội trưởng đội Tổng hợp bảo đảm mà đơn vị giao phó, y sĩ Hoàng rất chú trọng việc chăm lo đời sống cán bộ chiến sĩ. Ngoài ra, anh còn sưu tầm những cây thuốc quý về trồng trong khu vườn thuốc nam tại đồn mà anh đã cất công xây dựng bấy lâu nhằm bổ sung cho nguồn thuốc quân y, phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu của đơn vị và chữa bệnh cho bà con. Y sĩ Hoàng còn được chỉ huy đơn vị thường xuyên giao nhiệm vụ dẫn đầu tổ quân y sang khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào các bản làng của nước bạn Lào sát biên giới. Trong những chuyến công tác đó, anh và đồng đội đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp của người cán bộ quân y Việt Nam, tạo nên tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của các bản làng hai bên có chung biên giới.

Cuộc sống đời lính với những nhiệm vụ đầy vất vả là vậy, nhưng khi nghe chuyện riêng tư của y sĩ Hoàng, chúng tôi càng thêm khâm phục. Suốt một thời tuổi trẻ, tình nguyện lên đại ngàn phục vụ Tổ quốc, khi lập gia đình, tình cảm vợ chồng như chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ. Mấy năm gần đây, gia đình anh gặp khó khăn nên vợ con của anh phải dắt díu theo gia đình bố mẹ vợ, vào miền Nam sinh sống. Đã xa rồi, nay càng xa hơn. Chúng tôi được biết, y sĩ Trương Văn Hoàng từng được cấp trên quan tâm điều về dưới xuôi công tác, nhưng mỗi lần cầm quyết định, anh nhìn lại, rồi thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn, gắn bó lâu dài với núi rừng biên cương này. Trong cuộc gặp gỡ Ban chỉ huy đồn BP 653, Trung tá Đồn trưởng Lê Văn Nhì tự hào cho biết thêm thành tích của chiến sĩ đơn vị mình: “Với những phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bà con các dân tộc anh em nơi đây thật sự quý mến, kính trọng và coi như người ruột thịt, một thầy thuốc biên phòng tận tụy, phát huy truyền thống tốt đẹp của “Anh bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí Trương Văn Hoàng xứng đáng là người của “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương). Đồng chí từng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua 5 năm liền, nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Phòng Y tế và UBND huyện Nam Giang; Sở Y tế và UBND tỉnh Quảng Nam, và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh..., từng là đại biểu Đại hội thi đua toàn tỉnh năm 2010. Đặc biệt, đồng chí là nhân tố nổi bật nhất trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ đội biên phòng Quảng Nam”. 

Ðỗ Thượng Thế

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay