Dân xã A Bung (huyện Đăk Rông, tỉnh Quảng Trị) thường gọi y sĩ Hồ A Trê bằng cái tên âu yếm - “Giàng y tế”. Danh xưng ấy gắn với hành trình người thầy thuốc vùng cao lấy ánh sáng y đức để “thu phục nhân tâm”, và người dân tôn “Giàng y tế” của mình là bác sĩ.
Bác sĩ “thắng” thầy mo
Mấy tuần nhang cúng Giàng đã tàn. Sản phụ vẫn chưa thể vượt cạn. Chị ngất lịm, toàn thân tím tái… Trong nhà, tiếng khóc rộ lên. Ai đó hối hả giục: “Đấy! Không thể cứu người bằng cách cúng Giàng, cúng ma được, gọi bác sĩ Hồ A Trê nhanh lên. Chỉ bác sĩ Trê mới giúp được thôi”.
Gần nửa cuộc đời theo nghiệp “lên non chữa bệnh cứu người”, bác sĩ Hồ A Trê gặp không ít trường hợp như thế. Khi người nhà “cầu viện”, bệnh nhân gần như 7 phần chết, 3 phần sống. Vậy mà bác sĩ A Trê vẫn dốc hết sức, đưa không ít người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Thành quen, hễ có ca bệnh nặng, người dân xã A Bung không còn nghĩ đến việc gọi thầy mo cúng Giàng nữa mà đặt trọn niềm tin vào bác sĩ Hồ A Trê. Đó cũng là lý do để cái tên “Giàng y tế” xuất hiện.
Tuổi thơ của cậu bé Hồ A Trê (1972) gắn với giường bệnh. Những trận ốm thập tử nhất sinh đeo bám cậu từ năm này sang năm khác. Nằm trên giường bệnh, thấy bác sĩ chăm sóc mình như con, cậu bé thì thào hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Những người mặc áo khoác trắng kia là ai mà tốt vậy? Họ có phải là Giàng không?”. Bà Kăn Mão (mẹ anh) âu yếm bảo: “Họ không phải là Giàng. Nhưng cái bụng họ thương dân bản mình lắm. Họ là bác sĩ, là người của Đảng, của Bác Hồ đấy con ạ”. Nghe thế, tâm trí cậu bé người Pa Kô dấy lên niềm tin son sắt. Trong giấc ngủ đêm ấy, A Trê mơ thấy mình được khoác chiếc áo blouse trắng.
Giấc mơ thời thơ bé theo A Trê lớn từng ngày. Tốt nghiệp lớp 12, anh nhất quyết đeo đuổi nghề thầy thuốc dẫu bao cơ hội mở ra trước mắt. A Trê khăn gói về xuôi, học tại Trường Trung cấp Y Huế. Tiếp xúc với ngành y, lòng chàng trai Pa Kô càng thương người dân vô hạn: “Dân quê mình vất vả lắm. Đã thế, bệnh tật còn khiến lưng họ còng hơn. Mỗi lần ốm là một lần dân bản bỏ tiền trăm, bạc triệu để gọi thầy mo về cúng Giàng. Tiền mất mà bệnh vẫn không chữa được”. Sự đồng cảm ấy cộng với mong muốn trở thành “người khoác áo trắng” là động lực thúc giục A Trê chăm chỉ rèn đức, luyện tài.
Tốt nghiệp Trung cấp Y Huế, chàng trai Pa Kô xin về làm việc tại Trung tâm y tế xã A Bung. Buổi đầu, A Trê không ngần ngại trở thành “trạm y tế di động”. “Cõng” thuốc men và túi dụng cụ y tế trên vai, anh hăm hở đến các bản làng gần xa để chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên, mọi điều không đơn giản như chàng trai trẻ nghĩ. Ngày ấy, dân bản vẫn đặt thầy mo trên bác sĩ một bậc. Mỗi lần gia đình nào có người đổ bệnh, đàn cúng Giàng, cúng ma lại nghi ngút khói hương. “Phải làm sao để người dân không còn tin vào thầy mo cùng các lễ lạt mê tín?” - Câu hỏi ấy cứ vần vũ trong tâm trí người bác sĩ trẻ.
Những ngày “bị đẩy ra rìa” nặng nề trôi. Bác sĩ Hồ A Trê vẫn cần mẫn thân chinh đến từng gia đình “xin” chữa bệnh giúp. Đáp trả tấm chân tình ấy là lời xỉa xói, cái liếc xéo…, thậm chí là hành động xua đuổi. Càng khó khăn, A Trê càng bền bỉ lạ. Thậm chí, anh còn đánh bài liều. Gặp ca thầy mo đã phán: “Phải nộp nó cho con ma rừng thôi” hoặc “Cái số nó đã đến lúc về ở nhà Giàng rồi”, Trê lại đến xin “bảo lãnh tính mạng” cho người bệnh. Anh khẳng khái nói: “Không có ma rừng, ma xó nào cả. Bệnh nhân cần thuốc men hơn hương khói, cần bác sĩ hơn thầy mo”… Sau hàng chục lần đưa người bệnh thoát khỏi cái án thầy mo phán, lòng A Trê ấm lại.
Y đức soi đường
Thắng thầy mo vốn chẳng đơn giản nhưng giữ vững lòng tin của người dân là chuyện còn khó khăn hơn. Bao đêm, Hồ A Trê đặt tay lên trán ngẫm nghĩ: “Chỉ chữa lành vết thương trên thân thể người bệnh thì khó có thể làm dân tin, dân yêu. Mình phải làm điều gì đó lớn lao hơn nữa”.
Cơ duyên chợt đến. Lần nọ, A Trê đến bản Cựp, anh khám mãi mà chẳng thể phát hiện căn bệnh khiến một người già ngày càng héo hon. Anh âu yếm bảo: “Già ơi! Con xin lỗi! Con không tìm thấy bệnh của già ạ!”. Già bản Cựp run run, bảo: “Con không tìm thấy bệnh là đúng rồi! Già mắc bệnh trong tâm. Già có 7 đứa con mà giờ phải sống cô đơn, khổ cực lắm”. Thấy bộ áo quần rách bươm của ông lão ngoài 70, A Trê chảy ròng nước mắt. Anh hiểu: “Nhiệm vụ của người thầy thuốc không đơn thuần là chữa lành vết thương thân thể, mà cần phải hiểu và san sẻ nỗi đau trong lòng người bệnh. Có thế dân mới tin yêu”. Từ đấy, hai chữ “y đức” thêm sáng tỏ trên con đường chữa bệnh cứu người của bác sĩ Hồ A Trê. Anh nhẹ nhàng bảo: “Cái bụng mình coi tất cả bệnh nhân là ruột rà, máu mủ. Ai đến khám chữa bệnh, mình cũng tận tâm, tận lực cả”.
Y sĩ Hồ A Trê khám cho người bệnh. |
Có lẽ vì thế mà Hồ A Trê nhớ như in từng gương mặt bệnh nhân đã đi qua đời mình. Đối với anh, nụ cười của họ chính là phần thưởng đáng giá nhất. Thế nên, A Trê đã giúp “hoa niềm vui” toả rạng trên môi không ít bệnh nhân “sắp sửa xuống mồ”. Trường hợp anh Hồ Văn Linh là ví dụ. Người thanh niên này mắc bệnh sốt rét sau chuỗi ngày ở chốn rừng thiêng, nước độc. Ngày anh đổ bệnh, thầy mo phán một câu xanh rờn: “Nó ăn của rừng nên nó bị con ma bắt tội. Phải nhịn ăn, nhịn uống rồi làm lễ cúng thì con ma rừng mới tha cho”. Hơn một ngày “xông mình bằng hương khói và lời khấn vái” trôi qua, anh Linh lăn ra bất tỉnh. Nghe tin, A Trê tức tốc đến. Sau một hồi khuyên giải vã mồ hôi, người thầy thuốc vùng cao mới chạm được vào người bệnh nhân. Anh nhanh chóng chẩn bệnh và giục người nhà đem bệnh nhân đến trạm y tế. Sau vài ngày thuốc thang, anh Hồ Văn Linh mạnh khoẻ trở lại.
Ý thức nhiệm vụ của người khoác chiếc áo blouse trắng, hễ bệnh nhân cần là Hồ A Trê có mặt. Xã A Bung (huyện Đakrông) giáp biên với nước bạn Lào và huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Thế nên, chữa bệnh xuyên biên giới vốn là chuyện thường ở huyện đối với A Trê. Anh nhớ như in lần sang nước bạn Lào đỡ đẻ vào nửa đêm, lúc anh đến nơi, sản phụ đã bị băng huyết. Rốn và nhau thai của hài nhi vẫn chưa tách khỏi cơ thể mẹ. “Ca khó đây, nhưng phải cố gắng hết sức. Hai sinh mạng người dân nước bạn đang nằm trong tay mình” – Suy nghĩ ấy thúc giục trong tâm trí A Trê. Anh không bỏ phí một phút giây để tiêm thuốc trợ lực, cắt rốn, bóc nhau thai… cho hai mẹ con. Lúc đứa bé oe oe cất tiếng khóc đầu tiên và sản phụ đã thoát cơn nguy kịch, nước mắt bỗng dưng lăn dài trên gò má Hồ A Trê.
Đảm đương trọng trách Trưởng trạm y tế xã A Bung, A Trê bận rộn như chăm con mọn. Thế nhưng, anh hạn chế việc chuyển bệnh nhân vượt cấp. Người thầy thuốc vùng cao tâm niệm: “Nếu bệnh nhân nặng nhẹ thế nào cũng chuyển lên tuyến trên thì sinh ra trạm y tế xã để làm gì? Vả lại, ai cũng làm thế thì bệnh viện huyện quá tải mất thôi”. Khi gặp ca nguy cấp, A Trê mới tức tốc bỏ cả tiền bạc, công sức đưa người bệnh kịp thời đến bệnh viện huyện. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân nặng như: ông Cả Khang, chị Hồ Thị Via, em Bùi Minh Vũ… đã được cứu chữa kịp thời.
Ngoài giờ làm việc ở Trạm y tế xã, anh Hồ A Trê còn khám và chữa bệnh miễn phí cho dân bản tại nhà riêng. Anh lý giải bình dị: “Đã là bệnh thì làm sao chọn lúc đau vào giờ hành chính được. Mình bỏ chút ít thời gian, công sức để chữa bệnh ngoài giờ cho dân bản vậy. Âu đó là cái tâm của nghề thầy thuốc”. Đến giờ, anh A Trê chẳng thể nhớ chính xác số người bệnh từng tạm trú tại nhà mình. Thậm chí, thấy nhiều người bệnh không có một xu dính túi, anh còn tiết kiệm lương để giúp họ vượt qua buổi khó khăn. Ông Kôn Súc (một bệnh nhân đã được A Trê tận tình cứu chữa) cho biết: “Mình bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nghe dân bản bảo bác sĩ A Trê chữa bệnh miễn phí tại nhà nên mình đến nhờ anh ấy giúp. Giờ mình khoẻ rồi. A Trê đúng là Giàng y tế của dân bản”. Không chỉ Kôn Súc mà Cả Bưởi, Cả Nong, Kăn Mai… và rất nhiều bệnh nhân khác cũng thần tượng, tôn A Trê thành “Giàng y tế”.
Gần nửa cuộc đời gắn bó máu thịt với ngành y, đọng lại trong tâm trí người bác sĩ họ Hồ là lời dạy của Bác: “Cán bộ ngành y tế hãy thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, coi họ đau đớn như mình đau đớn… Người thầy thuốc phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân - Lương y như từ mẫu”. Anh A Trê phấn khởi khoe: “Dân xã A Bung bữa nay có ý thức rất cao trong việc đến trạm y tế chữa bệnh. Thậm chí, mấy ông thầy mo cũng gạt lòng sĩ diện sang một bên để đến bệnh viện khi đau ốm rồi đấy. Cái bụng mình hạnh phúc lắm”.