Ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này, khi có dịch bệnh hoành hành thì ở đó ngay lập tức xuất hiện những tấm gương cao đẹp của người thầy thuốc. Họ lao vào tâm dịch để tham gia chữa trị, hướng dẫn người dân cách phòng chống, động viên an ủi gia đình người bệnh và tiến hành các nghiên cứu khoa học. Có thể thời điểm đó, họ chưa đạt được những thành tựu y học nhưng tấm gương quên mình của họ đã giúp cho người dân vùng dịch vượt qua một căn bệnh nguy hiểm không kém gì dịch bệnh. Đó là sự hoang mang, khiếp sợ. Họ chính là những chàng Đanko, đốt trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường cho cộng đồng vượt qua sự u mê, tăm tối, chiến thắng bệnh tật. Y sĩ Vũ Hồng Sơn (Vũ Cần), Trạm trưởng trạm y tế xã Vũ Tây là một trong số những người như thế.
Làng “hoảng loạn”…
Những năm cuối cùng của thế kỉ 20 là thời điểm kinh hoàng, mãi mãi đi vào lịch sử của xã Vũ Tây – huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bằng một trang đen tối. Một vùng quê trù phú với những người dân cần cù, thông minh, năng động bỗng bị tan hoang bởi nạn tiêm chích, nghiện hút ma túy. Cả xã có tới hơn 200 người nghiện, đồng nghĩa với ít nhất có hơn 200 gia đình tan nát vì nghèo đói. Nạn trộm cắp xảy ra liên miên. Đã có người tự tử vì nghiện hút. Đã có ông bố cầm dao đe giết con. Đã có cảnh anh em đâm chém nhau vì người nghiện đòi bán nhà để lấy tiền tiêm chích… Không dừng ở đấy, đồng hành với nạn tiêm chích, đại dịch HIV/AIDS tiếp tục biến nơi đây thành “địa ngục”, nổi tiếng trong cả nước.
Sự việc bắt đầu được phát hiện vào tháng 6/1999, khi Công an tỉnh Tuyên Quang thông báo về địa phương có 2 phạm nhân đang thụ án tại trại giam của Công an tỉnh là người của xã bị nhiễm HIV, trong đó một người đã có vợ, có con. Trước những thông tin trên, cộng với tình hình tiêm chích ma túy đang diễn ra ở địa phương, chính quyền xã Vũ Tây đã thông báo lên Trung tâm y tế huyện Kiến Xương và Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Xác định có thể một ổ bệnh đang tiềm ẩn, xã đã kiến nghị tổ chức một đợt xét nghiệm rộng rãi. Và thời gian được ấn định vào đầu năm 2000 dương lịch, thời điểm bà con đi làm ăn xa về nghỉ Tết Nguyên đán. Ngày 10/1/2000, xã cho mời 20 người đến xét nghiệm, tuy chỉ có 3 người tham gia nhưng cả 3 trường hợp đều có kết quả dương tính. Đợt II, xã vận động được 60 người thuộc diện nghi vấn tham gia xét nghiệm, kết quả có tới 52/60 trường hợp nhiễm virút HIV, trong đó có cả các em nhỏ bị lây nhiễm từ mẹ sang con. Ngày 12/4/2000, Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh Thái Bình thông báo đã phát hiện thêm 6 đối tượng người của xã bị nhiễm HIV từ các nguồn xét nghiệm khác. Làng xã chìm trong hoảng loạn. Đã có người bệnh quá sợ hãi đã tìm cách quyên sinh. Đã có người vợ biết chồng nhiễm HIV đang đêm đưa hai đứa con dại bỏ nhà ra đi biệt tích 10 năm nay chưa trở lại làng… Nhưng ít nhất có một người không hoảng loạn. Đó là cựu chiến binh Vũ Cần, y sĩ - Trạm trưởng trạm y tế xã.
Ngủ chung với bệnh nhân AIDS đang hấp hối
Y sĩ Vũ Cần tên thật là Vũ Hồng Sơn, sinh năm 1937. Năm 1964, ông tham gia quân đội. Hai năm sau, ông vào Đảng. Sau Chiến dịch 30/4, ông xuất ngũ, về làm trạm trưởng trạm y tế xã. Hầu như suốt cuộc đời quân ngũ của mình, ông gắn bó với nước bạn Lào anh em. Đây là chiến trường vô cùng khốc liệt không chỉ bởi bọn thám báo, thổ phỉ mà điều kinh khủng nhất là bệnh tật. Nơi rừng thiêng, nước độc luôn ẩn chứa hàng trăm thứ bệnh nan y, những cơn sốt rét rừng “nghiêng ngả dãy Trường Sơn”. Tự tay ông đã chữa trị cho hàng vạn người bệnh, băng bó, điều trị cho hàng ngàn thương binh và cũng tự tay ông thay rửa, khâm liệm, chôn cất cho hàng trăm đồng đội. Chính những năm tháng khốc liệt nơi chiến trường đã tôi luyện cho thầy thuốc Vũ Cần một nghị lực phi thường và một tình thương cảm xót xa, chia sẻ với những số phận không may mắn. Cái phẩm chất anh hùng và cao thượng của người lính được tôi luyện nhiều năm nơi chiến trận là cội nguồn sức mạnh để sau này, y sĩ Vũ Cần đủ sức đứng mũi chịu sào trên mặt trận phòng chống HIV/AIDS ở Vũ Tây.
Y sĩ Vũ Cần |
- Thời gian đó em thấy bác cũng sợ? Tôi hỏi Vũ Cần vào một buổi chiều cuối năm 2010, sau đúng 11 năm gặp lại. Chả là năm 1999, khi còn là phóng viên báo Nhà báo & Công luận, tôi đã về đây viết phóng sự “Vũ Tây, Thái Bình – Nơi ma túy và HIV gõ cửa mỗi căn nhà”. Tác phẩm này sau đó được UB Phòng chống HIV/AIDS và báo Tiền phong trao Giải nhất.
- Lúc đầu tôi cũng hơi sợ nhưng rồi mình tìm hiểu sách báo, nắm được cơ chế lây truyền bệnh nên không sợ nữa. Mà ở địa vị tôi khi đó có sợ cũng không được nên không được sợ – Ông Cần trả lời một cách khó khăn vì mấy năm nay, ông không còn đi lại được do bị xuất huyết não. Có lẽ do bệnh tật, ông khi nhớ khi quên nhưng kỳ lạ thay, khi nhắc đến chuyện này, ông trở nên có trí nhớ kỳ lạ. Ông kể lại chi tiết từng tên tuổi bệnh nhân, thời điểm và lý do mắc bệnh, hiện đang còn sống hay đã mất. Ông còn kể tỉ mỉ cho tôi chuyện để có được niềm tin của dân làng, ông đã từng ngủ chung với một bệnh nhân AIDS đang hấp hối vào thời điểm mà khi ấy, những người có “H” bị dân làng và cả người nhà xa lánh. Ông điều trị, khuyên nhủ, động viên vỗ về cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng. Người bệnh ấy trước khi từ giã cõi đời đã cầm tay ông rưng rưng nước mắt: “Cháu tưởng đời cháu không còn có được giây phút này…”.
Sự bất lực cay đắng của người thầy thuốc
- Giờ thì làng tôi quen rồi nhưng thời điểm đó căng thẳng lắm – Bằng giọng đều đều, ông Cần kể - Những gia đình có người nhiễm H, dân làng xa lánh, không dám đến chơi. Nếu có công có việc bắt buộc, không đừng được thì đến cũng chỉ đứng rồi về, không bao giờ ngồi chứ đừng nói ăn cơm hay uống nước. Người dân các xã lân cận cũng ngại đến xã tôi. Việc làm ăn, buôn bán hầu như bị đình trệ. Điều lo ngại nhất của chúng tôi khi đó là ở trường học. Nhiều phụ huynh không đồng ý cho con mình học chung với các cháu có H. Ngay cả thày cô giáo cũng có người e ngại, không muốn nhận các cháu vào lớp. Có bận đến trường, nhìn thấy một cháu bé có H bị bạn bè xa lánh, không cho chơi chung mà ứa nước mắt. Thế là tôi phải đến từng nhà phụ huynh, rồi gặp nhà trường, gặp các thày cô giáo để giải thích, tuyên truyền, thuyết phục… Ở các cấp tiểu học hay trung học cơ sở còn đỡ chứ ở các lớp mầm non thì khó vô cùng. Thời điểm đó, trường học là địa bàn khó vận động nhất và cũng ám ảnh tôi nhiều nhất.
- Điều gì ám ảnh bác? Tôi hỏi.
- Đó là những đôi mắt trẻ thơ. Nhìn đôi mắt trong veo của những đứa trẻ nhưng đã mang trong mình án tử hình vì bệnh tật là sự bất lực cay đắng nhất của người thày thuốc.
- Hỏi thật là khi đó gia đình bác có đồng tình với bác không?
- Không. Vợ tôi và các cháu phản đối rất quyết liệt. Bà xã còn dọa không cho nằm chung giường. Còn các cháu thì dùng đủ mọi biện pháp, từ phản đối trực diện đến khóc lóc, van xin.
- Có khi nào bác nản chí…?
- Không. Không bao giờ - Ông Cần chợt sôi nổi như quên hết bệnh tật - Mình là thầy thuốc, lại là người lính, sao lại đầu hàng được. Thế là phải căng ra để làm việc. Vừa phải chăm sóc, chữa trị, động viên bệnh nhân, vừa phải tuyên truyền, giải thích, động viên tinh thần cho người nhà bệnh nhân. Rồi cả lãnh đạo xã, không phải ai cũng hiểu biết cả nên cũng phải giải thích, tuyên truyền và cả lôi kéo sự ủng hộ. Không chỉ bằng lời nói, tôi còn sáng tác cả tiểu phẩm kịch cho đội văn nghệ để phục vụ tuyên truyền. Đấy, cái bằng chứng nhận đấy – Ông Cần run run chỉ lên tấm bằng chứng nhận tác phẩm Lỗi này tại ai đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi tuyên truyền và phòng chống HIV/AIDS 2002. Theo tay ông chỉ là một dãy các bằng khen, giấy khen các loại của ngành y tế từ trung ương đến địa phương và cả những tấm Huân chương Chiến công và Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trao tặng.
Những người còn lại mãi mãi trong ký ức nhân dân
- Bằng kinh nghiệm của mình, theo bác thì mấy năm gần đây, số lượng bệnh nhân xa nhà có gia tăng không? Tôi hỏi Vũ Cần sau khi đã xem hết hơn chục cái huân huy chương, bằng khen các loại treo kín hai dãy tường nhà.
- Tôi nghĩ là có đấy chú ạ. Nhưng được cái bây giờ thì khác xưa nhiều lắm rồi. Người dân hiểu rõ về căn bệnh và cơ chế lây truyền nên không còn hoang mang như trước nữa. Những ngôi mộ của bệnh nhân AIDS giờ cũng được cải táng. Đã có bệnh nhân người xã khác đưa cả gia đình về đây sống để tránh sự kỳ thị của quê nhà. Nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo lắm mà mình thì ốm đau, đã mấy năm nay không làm gì được nữa – Ông Cần chợt hạ giọng, lời nói bỗng trở nên ấp úng. Không biết do bệnh tật hay bởi ông đang ghìm nén bầu nhiệt huyết của một người thày thuốc đang bất lực bởi tuổi già, đau yếu không còn được cùng dân làng tiếp tục cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS đã và đang tàn phá quê ông? Và tôi chợt ngạc nhiên khi nhớ lại hình ảnh y sĩ Vũ Cần cách đây hơn mười năm. Thật khó có thể tưởng tượng con người ốm yếu kia một thời là cột trụ để dân làng nương tựa trong cơn sóng gió.
Thế là đã hơn mười năm kể từ ngày đám nhà báo chúng tôi theo chân trạm trưởng trạm y tế xã Vũ Cần lặn lội đến từng nhà động viên những người thuộc diện nghi vấn đi xét nghiệm, bị dọa đập vỡ máy quay và máy ảnh. Đã qua rồi cái thời làng hoảng loạn như trong địa chấn. Từ một làng quê trù phú, chỉ một thời gian ngắn bỗng trở nên tiêu điều, xơ xác giờ đang mạnh mẽ hồi sinh. Nhiều, rất nhiều nhà cao tầng đang mọc lên. Những đứa trẻ tung tăng cắp sách đến trường. Những đôi trai gái đang náo nức vào mùa cưới…
Có thể chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, với sự tiến bộ của khoa học, đại dịch HIV/AIDS sẽ được khống chế hoàn toàn. Căn bệnh từng đe dọa nhân loại một thời sẽ chỉ còn như các bệnh cảm cúm, sốt rét... Cái tên “Vũ Tây - Làng đại dịch HIV/AIDS” sẽ mãi mãi đi vào quên lãng. Nhưng những người thầy thuốc đã và đang ngày đêm lao động quên mình vì sự tồn vong của nhân loại, đem lại hạnh phúc cho mỗi căn nhà sẽ còn lại mãi mãi trong ký ức của người dân. Và y sĩ Vũ Cần – Trạm trưởng trạm y tế xã Vũ Tây là một người trong số họ.