Tôi được nghe kể về ông cách đây đã khá lâu, tại buổi lễ phát động cuộc vận động sưu tầm và giao tặng kỷ vật kháng chiến của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Trong số kỷ vật được mang ra giới thiệu hôm ấy, có cuốn nhật ký của một cựu tù Côn Đảo, kể về những tháng ngày gian khổ sống trong lao tù. Chủ nhân cuốn nhật ký đã nhắc đến một người mang biệt danh “bác sĩ máu gà” - người đã cứu sống hàng trăm chiến sĩ tù Côn Đảo trong những năm 1971 -1974 bằng bài thuốc vô cùng độc đáo: lấy máu gà tươi truyền cho người bệnh. Từ buổi đó, không hiểu vì lý do gì mà cái biệt danh “bác sĩ máu gà” cứ đeo đẳng tôi mãi để rồi giữa bộn bề công việc và vô vàn điều phải nghĩ suy, nó vẫn neo đậu lại vững chắc trong ký ức của tôi. Sau nhiều lần dò tìm, tra cứu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau chỉ với duy nhất cái tên: bác sĩ Phan Sung, cuối cùng tôi cũng tìm được địa chỉ và số điện thoại của ông. Và rồi, lại sau nhiều lần thu xếp không thành, tôi mới gặp được ông nhân dịp Hà Nội kỷ niệm Đại lễ 1000 năm. Dù đã trao đổi khá cụ thể với ông qua điện thoại về mục đích cuộc gặp nhưng khi tôi đến, ông vẫn cứ đây đẩy: “Chuyện về tôi có gì đáng để kể đâu. Nếu o muốn, tôi sẽ giới thiệu cho o những đồng đội hay đồng nghiệp của tôi. Họ là những người xứng đáng được trao tặng danh hiệu anh hùng”. Lại sau một hồi ra sức thuyết phục, năn nỉ, tôi mới thở phào khi nghe ông hạ giọng, trầm ngâm bảo: “Thật lòng, đã lâu lắm rồi chẳng còn ai hỏi tới những chuyện xưa cũ ấy nữa, giờ bỗng nhiên có o đến tìm, thôi thì cũng là dịp để tôi ôn lại kỷ niệm cuộc đời lần cuối rồi quên, 80 tuổi rồi, còn sống được mấy nả. Tôi gửi tất cả tâm tư tình cảm lúc cuối đời cho o, không phải vì ham danh tiếng mà chỉ mong giúp o hoàn thành nhiệm vụ!”.
Vậy là, suốt một buổi chiều trên căn gác nhỏ, tôi đã được nghe ông kể câu chuyện của cuộc đời mình. Chỉ có điều, câu chuyện ấy không bắt đầu từ nhân vật chính mà lại bắt đầu từ những con người từng ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời ông. Đó là anh thương binh dũng cảm tên Trần Văn Thà đã vượt qua ca phẫu thuật lấy viên đạn từ sọ não chỉ với một ít thuốc gây tê. Là tên chúa đảo Cao Minh Tiếp vẫn còn chút lương tâm khi cho anh em nuôi gà trong nhà lao để chữa bệnh. Là người lính Hoa kiều đã trao cho ông bài thuốc quý. Là ông bạn cựu tù bị di chứng tâm thần 20 năm sau chiến tranh vẫn không được nhận chế độ chính sách… Có lẽ vì ông nhất định không chịu dành một câu nào để kể riêng về mình nên tôi đã phải trăn trở rất lâu sau đó mà vẫn không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải viết như thế nào để có thể tả hết sự hy sinh thầm lặng của ông bác sĩ già đáng kính ấy. Lần đầu tiên sau hơn 10 năm làm báo, tôi mới nhận ra một chân lý rằng: Với những điều thực sự cao cả và lớn lao thì dù ngòi bút có tài tình đến mấy cũng chỉ có thể làm được một việc giống như đem viên đá nhỏ điểm tô cho núi Thái Sơn. Những gì tôi viết về ông dưới đây chỉ là sự kết nối và chắp ghép thô thiển từ tập tư liệu ông giao cho, gồm rất nhiều trang nhật ký, lời tự sự của ông và thư cảm ơn, thơ đề tặng của bệnh nhân, bạn tù, đồng đội mà ông đã cất giữ như báu vật trong suốt những năm qua…
Bác sĩ Phan Sung đang lần giở những trang kỷ niệm, tư liệu chia sẻ cùng tác giả. |
Vị cứu tinh trên đảo
Côn Đảo đầu năm 1971. Sau khi tội ác dã man trong chuồng cọp của chính quyền Mỹ ngụy bị báo chí quốc tế phanh phui và cả thế giới lên án, đặc biệt là sau thắng lợi của cuộc đấu tranh chống chào cờ trên đảo, kẻ địch đã phải nhượng bộ chuyển hơn 500 tù nhân cả nam lẫn nữ ra khỏi các chuồng cọp đến khu nhà lao mới. Đồng thời, chúng cũng chấp nhận để bác sĩ của ta vào chữa bệnh cho anh em ngay trong tù. Lúc bấy giờ, hầu hết tù nhân chính trị ở Côn Đảo đều trong tình trạng tàn phế, bệnh tật, cái chết đang đến dần với từng người sau bao nhiêu năm bị tra tấn đầy đọa trong các chuồng biệt giam. Bác sĩ Phan Sung được còng tay đưa đến đảo trong hoàn cảnh ấy cùng với cái án 8 năm tù giam vì đã ngoan cố nhất định không chịu từ bỏ lý tưởng và niềm tin mà mình đã theo đuổi. Đó là vào ngày 17/5/1971 - sau hơn một năm ông bị địch bắt và bị giải tới giải lui qua hơn 10 nhà tù ở Quảng Đà, Đà Nẵng.
Ở đảo, bác sĩ Phan Sung được tổ chức giao cho trọng trách lớn lao: chăm lo sức khỏe cho anh em tù chính trị. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông đã nhanh chóng tổ chức khám bệnh cho tất cả anh em trong nhà lao và thống kê bệnh tật của từng người. Ông đã rất đau xót khi phát hiện ra rằng hơn 80% anh em ở đây mắc bệnh lao, 100% anh em bị bại liệt do thiếu sinh tố, thiếu rau xanh và bị xiềng xích lâu ngày. Đó là chưa kể, mỗi người còn mang trong mình ít nhất là 6 bệnh kinh niên mạn tính khác. Trước tình cảnh đó, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề về phương tiện, thuốc men, lại phải chịu sự đàn áp, siết bóp về mọi mặt của kẻ thù, bác sĩ Sung trăn trở rất nhiều, chẳng lẽ phải chịu bó tay nhìn đồng chí, đồng đội quằn quại vì đau đớn và chết dần, chết mòn từng ngày trong nhà lao!? Ông đã quyết định gặp ngay tên chúa đảo để nêu ra một số yêu sách, đòi giải quyết. Từ thuyết phục bằng tình cảm, tình người đến đấu tranh, đấu lý, cuối cùng, tên chúa đảo lúc bấy giờ là trung tá Cao Minh Tiếp đã phải chấp nhận một số yêu sách do ông đặt ra, tạo điều kiện thuận lợi để ông chữa bệnh cho anh em.
Phát huy bản lĩnh của một bác sĩ trưởng trạm phẫu tiền phương từng lăn lộn ở chiến trường trong gian khổ ác liệt và khó khăn thiếu thốn, ông ngày đêm lần mò khắp đảo, nhặt nhạnh đủ mọi thứ, từ những cây cỏ có thể ăn thay rau đến các cây thuốc nam, các vị thuốc bắc... đem về chữa bệnh cho anh em. Ông tìm được mấy sợi dây đàn ghita mà người ta vứt bỏ, tỉ mẩn cắt thành những đoạn ngắn rồi mài nhọn một đầu cho thật khéo, làm thành bộ kim châm cứu. Với bộ kim châm tự tạo này, ông đã chữa được rất nhiều bệnh cho anh em, nhất là những người đau yếu do bị co rút, teo cơ, bại liệt… mà không cần đến thuốc thang gì. Nhiều câu chuyện kể về tài châm cứu của ông được anh em tù Côn Đảo truyền tai nhau như một huyền thoại. Nào là có người đầu đau như búa bổ, ông châm vào chưa kịp rút kim ra đã nhẹ hẳn như chẳng hề đau đớn gì. Có người đau bụng kêu la quằn quại, ông chỉ châm mấy phát là khỏi. Lại có người bị tụt lưỡi không nói được, ông châm một phát, lưỡi tự nhiên dài ra, ông lại châm phát nữa, lưỡi tự động rút vào, người ấy nói được liền… Bằng những phương tiện tự tạo, những thuốc men đòi hỏi được, các loại thuốc nam tự hái, tự chế và tinh thần hết lòng vì đồng chí, đồng đội, ông đã tổ chức điều hành trơn tru trạm xá chuồng cọp mới lao 7. Tất cả anh em ở đây đều được ông chữa trị tận tình chu đáo, bất kể ngày đêm.
Do được ra ngoài để kiếm thuốc và chữa bệnh cho các gia đình sĩ quan, binh lính trên đảo, bác sĩ Sung còn đảm nhận luôn trọng trách đầu mối liên lạc trao đổi tình hình của lãnh đạo trong khu chuồng cọp. Uy tín của ông cũng ngày càng được nâng cao khi ông chữa được nhiều ca bệnh ngặt nghèo cho các tướng lĩnh. Nhiều người đã trả công rất hậu bằng tiền nhưng ông đều từ chối, chỉ xin họ những thứ cần thiết để làm thuốc chữa bệnh cho anh em. Đặc biệt, nhờ những lần như thế, ông đã xin được một số mùng màn cũ, đem về giặt sạch, cắt thành từng miếng nhỏ phát cho anh em và bày cách cho họ làm những “chiếc mùng đặc biệt” bằng bao bột xé ra rồi ghép miếng vải mùng đó vào làm chỗ để thở. Với hằng hà sa số muỗi trong chuồng cọp, “chiếc mùng đặc biệt” này đã giúp anh em bớt một cực hình tra tấn, đồng thời hạn chế được bệnh tật do muỗi truyền. Đây quả là “một công trình sáng tạo” mà có lẽ chỉ có tấm lòng của người chí tâm, chí cốt vì anh em đồng chí trong khó khăn hoạn nạn mới nghĩ ra, mới làm được!
BS. Phan Sung (hàng thứ 2 ngoài cùng bên trái) ảnh chụp năm 19 74, cùng các cựu tù sau khi được trao trả. |
Thần y với bài thuốc “máu gà”
Còn một “công trình sáng tạo” khác, vĩ đại hơn nhiều mà ai nghe qua cũng không khỏi kinh ngạc, đó là phát kiến “động trời” của bác sĩ Phan Sung: lấy máu gà để tiêm cho người. Chính cái việc động trời ấy đã tạo ra biệt danh: “bác sĩ máu gà”. Những chiến sĩ cựu tù Côn Đảo thời kỳ này không ai là không biết tiếng ông bác sĩ có cái biệt danh ngộ nghĩnh ấy. Người ta quen gọi ông là “bác sĩ máu gà” đến nỗi quên mất cả tên thật của ông.
Chuyện là thế này: Trong lúc đang trăn trở tìm tòi một giải pháp tích cực để nâng cao sức khỏe cho anh em trong nhà lao thì tình cờ một người lính Hoa kiều trên đảo biết ông là bác sĩ có tâm đã trao cho ông cuốn tài liệu Nghiên cứu về máu gà hồi phục sức khỏe của bác sĩ Vương Vu Long người Trung Quốc. Sau nhiều đêm thao thức nghiên cứu, tìm hiểu, ông quyết định thử nghiệm ngay trên cơ thể mình. Trong một tháng, ông tự tiêm máu gà cho mình 3 lần, mỗi lần 1cc, hòa với vitamin C hoặc thuốc B1, B6 với tỷ lệ 50/50. Ông rất mừng vì không thấy có phản ứng bất lợi nào, lại thấy người khỏe hẳn ra, liền quyết định đem áp dụng cho anh em. Dù đã thử nghiệm thành công nhưng bác sĩ Sung vẫn rất dè dặt, chỉ tiêm cho những anh em suy kiệt nặng như giải pháp cuối cùng. Nhưng kết quả hết sức bất ngờ: Sau khi được tiêm máu gà, người bệnh cảm thấy như có một liều thuốc kích thích, sức khỏe dần hồi phục, gượng dậy được, ăn được, ngủ được, mắt đỡ mờ... Vậy là ông vận động quản lý trại xin gà về nuôi để lấy máu làm thuốc. Máu gà trở thành thứ “thần dược” của anh em trên đảo từ bấy giờ. Gà nuôi cứ hơn 1kg là lấy máu tiêm cho anh em. Sau khi lấy kiệt máu, gà được đem ra làm thịt để những anh em đau ốm bồi bổ sức khỏe. Ban đầu, chỉ những ai đau yếu nặng mới được tiêm. Dần dà, nhiều anh em khác cũng được dùng thứ “thần dược” này để nâng cao sức khỏe. Bài thuốc máu gà đã đưa tiếng tăm của bác sĩ Sung vang xa khắp đảo. Ông trở thành “thần y” trên đảo, được nhiều người ngưỡng mộ, hàm ơn. Anh em cựu tù chính trị ở chuồng cọp Côn Đảo nhiều năm sau vẫn kể cho nhau nghe về ông và còn bảo, ông không phải bị địch bắt mà là được Đảng phân công vào nhà lao để cứu mọi người.
Sau Hiệp định Paris, ngày 14/2/1974, bác sĩ Phan Sung được trao trả tại Lộc Ninh và được đưa ra Sầm Sơn, Thanh Hóa để phụ trách Đoàn an dưỡng Nam Bộ. Hòa bình thống nhất đất nước, ông trở về quê hương và được bố trí làm Trưởng trạm da liễu tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Tại đây, ông lại tiếp tục sự nghiệp chăm sóc chữa trị cho những bệnh nhân phong. Với tấm lòng nhân ái, thương người như thể thương thân, ông đã cùng các tăng ni, phật tử, linh mục ở địa phương tổ chức nhiều cuộc vận động quyên góp để nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người tàn tật và bệnh nhân phong đói nghèo. Người dân thành phố Huế ai cũng biết đến ông bác sĩ già thường cùng nhà sư Minh Tú ở chùa Đức Sơn lặn lội đến tận các thôn xóm, vào các làng cùi dưới chân đèo Hải Vân để chữa bệnh cho từng người và hỗ trợ cho họ một khoản tiền nhỏ được trích ra từ quỹ từ thiện do chính ông và nhà chùa vận động được. Trong trang nhật ký của ông, tôi đọc được những dòng như thế này: “Nhiều bạn bè trêu đùa bảo mình là ông điên húc đầu vào đá, mang sức nhỏ nhoi đi làm việc quá khó khăn. Tiền thì không có, suốt ngày chỉ lo ba cái chuyện tàng tàng, lo ghẻ, lo hầu người ta. Nhưng nếu mọi người biết rằng, họ chỉ cần một mái lều trị giá 200 ngàn đồngđể trú nắng mưa, để sau mỗi ngày vác thân hình chảy máu đi ăn xin trở về còn có chỗ chui vào thì sẽ thấy cần phải hành động lắm. Còn nhiều người đau khổ thế, sao mình nỡ ngồi yên…”.
Vì không nỡ ngồi yên nên dù đã bước sang tuổi 80, bác sĩ Phan Sung vẫn không chịu gỡ khỏi đôi vai già trách nhiệm của một người thầy thuốc. Ông cùng con gái (cũng là một bác sĩ) mở phòng khám tư tại nhà riêng số 14B Ngô Thời Nhiệm, phường Thuận Hòa, TP. Huế và vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Có lẽ với ông, chữa bệnh cứu người, làm việc thiện, chăm sóc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn là mục đích, là lẽ sống, là hạnh phúc của cả cuộc đời mình.