Trong đêm, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện E Trung ương vắng lặng, chỉ nghe tiếng máy thở, tiếng bệnh nhân rên rỉ, ú ớ... Bên ngoài dãy hành lang, người nhà bệnh nhân âm thầm ngồi bó gối. Bóng áo trắng cứ ít phút lại lặng lẽ đến bên giường kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Nhưng không gian ấy lúc lúc lại bị xé toang bởi tiếng còi xe cấp cứu, tiếng chân bước dồn dập, những bóng áo trắng lại thoăn thoắt, vội vã... Cho dù khi vừng đông đã hé rạng rồi ngày mới lại bắt đầu, nhưng vòng quay với người bệnh cũng hiếm khi có phút nào lắng lại. Tôi cảm thấy dường như nhịp điệu thời gian không tồn tại ở nơi này.
Những đêm trắng
Từ 17h cho đến 5h sáng, đó chính là khoảng thời gian làm việc liên tục không ngừng nghỉ của các bác sĩ trực khoa Hồi sức cấp cứu: vội vã, tất bật, căng thẳng chiến đấu với tử thần, giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. Tại phòng cấp cứu của bệnh viện, 12 đêm, lúc này trong phòng có khoảng 10 bệnh nhân đang cấp cứu, người thì đang rơi vào hôn mê do cơn tai biến mạch máu não do người nhà đưa vào muộn, người thì nửa mê nửa tỉnh với những chấn thương mất nhiều máu do tai nạn giao thông, người thì vật vã trong cơn đau dạ dày cấp... Một bệnh nhân nữ mới 23 tuổi uống thuốc ngủ quyên sinh được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng gần như hôn mê, trụy mạch...
Mỗi lần bệnh nhân cấp cứu được chuyển từ ngoài vào, một bệnh nhân thì có đến gần chục người nhà theo sau, ai cũng cuống quýt, lo sợ. Các bác sĩ ngoài việc cấp cứu cho người bệnh, trấn an thân nhân người bệnh nhưng chính họ đôi khi cũng không tránh khỏi lo lắng, căng thẳng vì tình trạng bệnh nhân quá nguy kịch. Có trường hợp một bệnh nhân nam bị rơi từ tầng 3 xuống, được chuyển vào khoa cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, dấu hiệu của sự sống đã “chạm đáy”, sau ít phút thì tử vong mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức để giành giật bệnh nhân khỏi tay tử thần. Được biết trước đó, bố bệnh nhân cũng đã mất vì bạo bệnh chưa tròn 49 ngày khiến nỗi đau của gia đình nạn nhân càng nhân lên gấp bội. Khi ấy trong tiếng khóc lúc rấm rứt, nức nở rồi vỡ òa của thân nhân người bệnh, tôi cảm nhận thấy nỗi xót xa dâng lên trong đôi mắt những người bác sĩ trong ca cấp cứu ấy. Các anh, các chị đã cố gắng hết sức nhưng đành bất lực!
Bác sĩ Nguyễn Ngọc An cho biết, mỗi ngày trung bình khoa cấp cứu tiếp nhận gần 100 lượt bệnh nhân. Có những lúc vào thời điểm bùng phát các bệnh như sốt xuất huyết, sốt virút... thì từ sáng đến 10h đêm, các bác sĩ chỉ ngồi hoặc đứng một chỗ để khám cấp cứu cho bệnh nhân, hai bàn chân tê cứng, bụng đói cồn cào nhưng không thể nghỉ ngơi vì bệnh nhân quá đông, trong đó có những trường hợp rất nặng...
Thức cùng các bác sĩ khoa cấp cứu 1 đêm, chúng tôi ghi nhận có hơn 30 ca, trong đó phần lớn đã qua được cơn nguy hiểm và được chuyển về các chuyên khoa điều trị. 5h sáng, phòng cấp cứu trở nên yên ắng, trên giường bệnh chỉ còn vài bệnh nhân bị chấn thương nhẹ, đau bụng đang phải theo dõi và chờ kết quả các xét nghiệm. Trên trần nhà, giữa bốn bức tường vôi trắng toát, tiếng cánh quạt trần quay vù vù nhưng không khô được những giọt mồ hôi rịn trên trán những người thầy thuốc với đôi mắt thâm quầng sau một đêm không ngủ.
Hình ảnh đó làm tôi nhớ đến lời một bài thơ đã được phổ thành bài hát ca ngợi về những người thầy thuốc trong những ca cấp cứu: Ở nơi đây. Hạn hán nụ cười. Không gian chật chội tiếng khóc. Nỗi đau cứ mãi chồng nỗi đau...
Trong cái không gian chật chội ấy, giữa những nỗi đau của người bệnh, những ca cấp cứu trong hy vọng mong manh giữa sự sống và cái chết, công việc chuyên môn căng thẳng, áp lực tinh thần còn nặng nề hơn, những bệnh nhân khi vào cấp cứu đều nặng, tâm lý của người nhà chỉ muốn được các bác sĩ quan tâm, chăm sóc, nhưng nhiều khi họ không thể hiểu được ca nào cần xử lý trước, ca nào cần phải theo dõi dẫn đến sự hiểu lầm, có nhiều trường hợp còn đe doạ, chửi bới, hành hung bác sĩ... nhưng với trách nhiệm phải cứu bằng được bệnh nhân, họ đã vượt qua tất cả. Ở nơi đây, tôi đã chứng kiến những giọt mồ hôi lăn tròn và niềm vui trên ánh mắt các anh khi chiến thắng những ca bệnh hiểm nghèo.
Một ca cấp cứu bệnh nhân bị suy hô hấp do viêm phổi nặng ở Khoa HSCC Bệnh viện E. |
“Trót mang cái nghiệp vào thân”
ThS. BS. Vũ Đức Định - Trưởng khoa HSCC từng tâm sự, trước áp lực công việc và trách nhiệm nặng nề của người bác sĩ cấp cứu, đôi khi tôi cảm thấy câu Kiều như vận vào đời mình “Trót mang cái nghiệp vào thân, thì đừng có trách trời gần đất xa...”.
Kể từ cái ngày chàng sinh viên y khoa đất thành Nam bước chân vào nghề y đến nay đã 21 năm trời, 15 năm làm bác sĩ trực cấp cứu, anh không nhớ nổi mình đã bao lần phải đón giao thừa trong phòng cấp cứu, chưa năm nào được đón trọn vẹn một cái Tết với gia đình và anh cũng không khỏi ngậm ngùi khi nhớ đến cha mẹ già anh chẳng mấy khi có điều kiện về thăm...!
Đúng vậy, không phải ai cũng có thể dễ dàng khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để chữa bệnh cứu người. Để được công nhận là người thầy thuốc, phải vượt qua một chặng đường dài gian nan, khổ luyện, miệt mài học tập, nghiên cứu, học hỏi, thực hành... Chỉ có sự quyết tâm, tình yêu thương và niềm say mê nghề nghiệp mới đạt được. Hơn nữa, đối với người bác sĩ làm công việc cấp cứu phải có kiến thức chuyên môn rất rộng và sâu, có kỹ năng hết sức thành thạo về lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Trước những ca bệnh nặng và phức tạp nếu không có phản ứng nhanh nhạy, khả năng phán đoán các tình huống có thể xảy ra đối với bệnh nhân và sự quyết đoán khi xử lý thì rất có thể bệnh nhân sẽ tử vong. Trước áp lực công việc, những căng thẳng, nguy cơ phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm..., người bác sĩ cấp cứu nếu không có sức khỏe, lòng nhiệt tình, sự tận tâm, đam mê, lăn lộn với nghề thì sẽ rất dễ mệt mỏi và chán nản dẫn đến từ bỏ.
Rời phòng cấp cứu cuối giờ tan tầm, khi ánh đèn khắp các nẻo đường đã bật sáng, những người trong ca trực đêm trước trở về nhà. Một chút nghỉ ngơi sau bữa cơm với gia đình. Nhưng cũng có lúc vừa bưng bát cơm lên thì chuông điện thoại reo. Lúc ấy, cuộc sống riêng tư phải nhường cho công việc.
Một người chị có chồng là bác sĩ cấp cứu đã tâm sự với tôi rằng: “Đừng nên lấy chồng làm bác sĩ, một tuần 7 ngày có 5 ngày ăn ngủ tại bệnh viện, 2 đêm còn lại được ngủ ở nhà nhưng không đêm nào ngon giấc, mỗi chốc điện thoại lại đổ chuông, ấy là điện thoại của người nhà bệnh nhân, của bệnh viện, rồi lại cuống cuồng phóng xe đến bệnh viện mỗi khi có nhiều ca nặng... Nhiều khi vợ chồng cũng vì như thế mà mâu thuẫn. Lấy chồng bác sĩ cực thân lắm!”. Lời tâm sự ấy khiến tôi nhớ mãi. Tôi không lấy chồng làm bác sĩ nhưng cho đến hôm nay, những gì đã chứng kiến khiến tôi thấu hiểu được những hy sinh, sự hết lòng vì người bệnh của người thầy thuốc, cho dù phía trước cuộc sống vật chất vẫn còn khó khăn nhưng lòng nhiệt tình và sự tận tâm vẫn luôn đầy...
Ngày nào cũng thế, cứ một bệnh nhân vừa qua khỏi cơn nguy hiểm, bệnh nhân vừa ra viện đã có năm, bảy bệnh nhân khác nhập viện. Nhiều khi tưởng được nghỉ ngơi chút ít nhưng số lượng bệnh nhân ngày hôm sau đông hơn ngày hôm trước, những ca bệnh ngày hôm sau nặng hơn ngày hôm trước, khối lượng công việc cứ tăng lên, sự căng thẳng vì phải tập trung hết sức lực để cứu chữa người bệnh cũng tăng lên... Cứ như thế, họ không có thời gian để giải trí, không có thời gian để dành cho gia đình hay chăm sóc con cái... Họ thường tự nhận mình là những người giỏi việc nước, “đoảng” việc nhà... Hằng đêm trong những ca trực, có phút nào rảnh rỗi mà phòng trực vẫn luôn sáng ánh đèn, ấy là lúc có người thầy thuốc miệt mài đọc, dịch, nghiên cứu những tài liệu y khoa, tham khảo học hỏi những kiến thức, kỹ thuật tiến bộ trong hồi sức cấp cứu của y học nước ngoài.
Mong đợi những đổi thay
Dưới con mắt của những người làm việc trong ngành y thì có lẽ vất vả nhất là công việc trực cấp cứu. Áp lực công việc quá lớn, trước hết là áp lực về chuyên môn, trước những ca bệnh nặng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bằng sức lực và trách nhiệm của mình nhưng người thầy thuốc cũng luôn canh cánh trong mình nỗi lo, bởi có thể bệnh nhân quá nặng, bởi điều kiện bệnh viện hoặc những tiến bộ y khoa chưa thể điều trị được căn bệnh đó. Và khi đó lại là áp lực từ phía gia đình, người thân của bệnh nhân, cứu sống được bệnh nhân là đem lại niềm vui cho gia đình họ nhưng bệnh không thể cứu được thì chính những người thầy thuốc lại nặng thêm trong lòng những xót xa, ưu tư, trăn trở.
Theo ThS. BS. Định, là bệnh viện tuyến Trung ương nhưng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện E hiện nay chỉ có chỉ tiêu là 18 giường bệnh (trong đó số giường thực kê là 30) với tổng số 29 cán bộ y tế, trong đó có 6 bác sĩ, 17 điều dưỡng và 2 hộ lý có nhiệm vụ cấp cứu và điều trị tích cực cho các bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh nặng như: tai biến mạch máu não, sốc trụy mạch, suy thận cấp, hen phế quản nặng, viêm tụy cấp thể nặng, nhồi máu cơ tim cấp, viêm phổi, các chấn thương nặng, các cấp cứu sản, nhi, ngộ độc cấp các loại...
Mặc dù bệnh viện cũng đã đầu tư một số trang thiết bị phục vụ cho cấp cứu và điều trị tích cực như máy thở, máy khí máu xét nghiệm, hệ thống khí nén và ôxy... nhưng với số lượng bệnh nhân luôn quá tải và trong tình trạng nặng như hiện nay thì cơ sở vật chất và trang thiết bị không đủ để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Bởi trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, các thiết bị hiện đại đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là các trang thiết bị như: máy thở để điều trị cho những bệnh nhân suy hô hấp, máy lọc máu liên tục trong các trường hợp suy thận nặng phải lọc máu liên tục, các trường hợp sốc nhiễm trùng, viêm tụy cấp...; máy theo dõi áp lực nội sọ đặc biệt quan trọng trong theo dõi và điều trị cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não; máy siêu âm, nội soi tại giường cho những bệnh nhân không thể di chuyển như bệnh nhân tai biến mạch máu não, chấn thương nặng, viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa nặng... Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân và hiệu quả điều trị. Trong nhiều trường hợp, nếu có đủ phương tiện cấp cứu, máy móc hiện đại sẽ cứu sống được người bệnh.
Mong muốn của các cán bộ y tế trong khoa là cần được đầu tư, củng cố cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị tích cực.
Tôi hy vọng sẽ có một ngày rất gần thôi, những thiết bị cấp cứu hiện đại sẽ được trang bị đầy đủ hơn để các bác sĩ có điều kiện tốt nhất cứu chữa người bệnh.
Tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi đang lao nhanh qua cổng bệnh viện đã cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Lại thêm một ca tai nạn giao thông rất nặng, bệnh nhân được chuyển nhanh vào phòng cấp cứu, người nhà bệnh nhân cố chạy với theo níu vạt áo blouse với ánh mắt hy vọng. Người bác sĩ vội vàng trấn an người nhà bệnh nhân. Rồi cánh cửa phòng cấp cứu đóng lại. Chúng tôi biết, phía bên trong cánh cửa ấy đang và sẽ lại diễn một cuộc vật lộn giữa những chiến sĩ áo trắng với tử thần để giành lại cuộc sống cho người bệnh. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, những người chiến sĩ áo trắng ấy với trái tim yêu thương, với trách nhiệm cao cả của mình sẽ chiến thắng.