Lịch sử: tuy đại dịch AIDS gần đây khiến người ta lại chú ý đến bệnh lao, trên thực tế, bệnh lao đã gây bệnh cho loài người trong 3000 năm qua. Thuốc chống lao hiệu quả nhất - isoniazid (INH) đến tận cuối những năm 1940 mới được tìm ra và được cấp phép sử dụng năm 1952. Trước đó, streptomycin và acid aminosalicylic là những thuốc duy nhất được dùng điều trị lao. Cho tới nay, INH vẫn là một trong những thuốc chống Mycobacteria hiệu quả nhất.
Bất chấp hiệu quả kháng Mycobacteria của INH, tính kháng với INH vẫn phát triển nhanh chóng nếu dùng thuốc đơn độc. Do đó, bệnh lao luôn được điều trị bằng phối hợp nhiều thuốc trong đó có INH. Vẫn còn tranh cãi về việc sử dụng những phối hợp thuốc có liều cố định như Rifamate (INH và rifampin), Rifater (INH, pyrazinamid và rifampin). Trong khi các phối hợp thuốc có liều cố định nhằm vào vấn đề kháng thuốc, thì việc đánh giá và xử trí các tác dụng phụ khó hơn nhiều.
Các thuốc chống lao được chia thành 2 nhóm dựa trên tác dụng và mức độ độc tính. Những thuốc ban đầu, theo thứ tự thời gian cấp phép, gồm: streptomycin (1944), INH (1952), pyrazinamid (1955), ethambutol (1967) và rifampin (1971). Các thuốc hàng 2 được dùng trong trường hợp kháng thuốc hoặc bệnh nhân không dung nạp các thuốc hàng đầu, bao gồm: acid aminosalicylic (1949), cycloserin (1956), kanamycin (1958), capreomycin (1971) và amikacin (1976).
Do đại dịch AIDS, bệnh lao lôi cuốn sự chú ý mới. Hội Lồng ngực Mỹ và Trung tâm phòng chống bệnh Mỹ khuyến nghị bệnh nhân nhiễm HIV bị bệnh lao nhạy cảm thuốc nên điều trị 2 tháng bằng INH, rifampin, pyrazinamid và ethambutol, sau đó củng cố trong 7 tháng bằng INH và rifampin. Phác đồ này đã được thử nghiệm tạiLos Angelesthấy có hiệu quả ở 84 bệnh nhân nhiễm HIV. Sau đó, một nghiên cứu trên những bệnh nhân HIV (+) và HIV (-) ở Zaire đã chứng minh rằng điều trị 2 tháng bằng INH, rifampin, pyrazinamid và ethambutol, sau đó củng cố trong 4 tháng bằng INH và rifampin cho kết quả tương tự nhau ở cả 2 nhóm sau 6 tháng, nhưng bệnh nhân HIV (+) dễ bị tái phát hơn bệnh nhân HIV (-).
Mặc dù đã có nhiều thuốc điều trị lao, nhưng lao đa kháng thuốc hiện đang trở thành mối lo ngại đáng kể. Nghiên cứu trên bệnh nhân được chẩn đoán lao lần đầu trong những năm cuối thập kỷ 1970 và đầu thập kỷ 1980 cho thấy liệu pháp trước đây dùng 1 thuốc trong hơn 1 tháng gây ra đáp ứng kém với các thuốc này mặc dầu xét nghiệm in vitro cho thấy nhạy cảm. Hiện tại người ta khuyên dùng 3 thuốc nếu khả năng kháng thuốc thấp, còn ở những nơi có tỉ lệ kháng thuốc >4% cần bổ sung thêm thuốc thứ 4 là ethambutol.
Cơ chế tác dụng: mỗi thuốc chống lao hoạt động theo một cơ chế riêng biệt. Sự đa dạng trong cơ chế hoạt động là một thuận lợi vì Mycobacterium tuberculosis là vi khuẩn ái khí, tốc độ chuyển hóa và nhân lên của chúng thay đổi tùy theo cung cấp oxy trong môi trường. Trong hang lao, vi khuẩn nhân lên nhanh, dùng INH, rifampin và streptomycin có hiệu quả. Còn trong đại thực bào hay tổn thương bã đậu kín, sự tăng sinh của vi khuẩn chậm lại, pyrazinamid có tác dụng tốt, tiếp theo là rifampin và INH.
Đặc điểm phân biệt/ Phản ứng có hại: Thuốc chống lao là một nhóm gồm nhiều loại thuốc, sự giống nhau duy nhất giữa các thuốc chống lao là chúng được dùng để điều trị Mycobacterium tuberculosis. Mỗi thuốc không chỉ có cơ chế hoạt động duy nhất, mà phản ứng có hại cũng rất khác nhau và nhiều.
INH:là thuốc điều trị chủ yếu cho mọi thể lao, có độc tính gan và có thể gây viêm dây thần kinh ngoại vi. Được dùng đường uống hay đường tiêu hóa.
Rifampin:là thuốc chủ yếu điều trị mọi thể lao, có độc tính gan và có thể gây thiếu máu tan máu, là chất tác động mạnh tới các men gan và có thể gây nhiều tương tác thuốc. Được dùng đường uống.
Ethambutol:là thuốc quan trọng thường dùng điều trị các chủng kháng thuốc, có thể gây tăng acid uric máu và viêm thị thần kinh liên quan đến liều dùng. Được dùng đường uống.
Pyrazinamid: là thuốc quan trọng thường dùng điều trị các chủng kháng thuốc, có thể gây tăng acid uric máu và gây độc gan. Được dùng đường uống.
Streptomycin: là thuốc chống lao hiệu quả, nhưng sử dụng hạn chế vì phải dùng đường tiêm bắp gây đau, gây độc cho tai.
Ethionamid: là thuốc chống lao hàng hai, tác dụng phụ đáng kể là không dung nạp đường tiêu hóa. Được dùng đường uống.
Acid aminosalicylic: là thuốc chống lao hàng hai, tác dụng phụ đáng kể là không dung nạp đường tiêu hóa. Được dùng đường uống.
Cycloserin: là thuốc chống lao hàng hai, gây tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương. Được dùng đường uống.
Capreomycin: là thuốc chống lao hàng hai, độc tính tai, phải dùng đường tiêm.
Kanamycin: là thuốc chống lao hàng hai, độc tính tai, phải dùng đường tiêm.
Amikacin: là thuốc chống lao hàng hai, độc tính tai, phải dùng đường tiêm.
(Theo cimsi)