Thời điểm nhọt dễ bùng phát
Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, nhất là về mùa hè khi ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể...
Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, nhất là về mùa hè khi ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra mụn nhọt. Nhiều người thường quan niệm mụn nhọt là bệnh lành tính nên phần lớn thường tự chữa trị. Tuy nhiên, nếu không được xử trí đúng và kịp thời, mụn nhọt có thể gây biến chứng, có thể bị nhiễm khuẩn huyết, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Khi nào thì dễ bị nhọt?
Thông thường vào mùa nóng, cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra mụn nhọt. Biểu hiện ban đầu là những nốt đỏ nổi trên da rồi lan rộng dần. Chỗ mọc nhọt, da nóng, đỏ và đau. Vài ngày sau, trên nốt đỏ có đốm vàng, khi đốm vỡ có mủ chảy ra, ở giữa có ngòi - đó là sợi chân lông. Đôi khi có hiện tượng viêm mạch bạch huyết hoặc nổi hạch xung quanh khu vực nhọt. Kích thước của nhọt thường bằng hạt ngô, hạt đỗ, quả mận và có khi còn bằng quả trứng gà, trong có nhiều mủ. Vị trí nhọt ở khắp nơi trên cơ thể như đầu, mặt, tay, chân, bụng, ngực, mông...
Không tự ý nặn chích mụn non dễ gây nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân gây nhọt
Nhọt là một dạng của áp-xe (áp-xe là nhiễm trùng có vỏ bọc) do đó nhiễm trùng không lan rộng. Nguyên nhân hay gặp nhất là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Tại vị trí nhiễm trùng, phản ứng viêm tạo ra những chất trung gian hóa học đi vào máu. Những chất này làm tăng lượng máu đến và thu hút bạch cầu tới chỗ viêm. Điều này gây ra hiện tượng sưng nóng, đỏ và đau tại chỗ viêm. Mủ được tạo ra ở vùng trung tâm của nhọt khi các bạch cầu tập trung đến để tiêu diệt vi khuẩn. Thành phần của mủ bao gồm xác bạch cầu, vi khuẩn và tổ chức mô bị hoại tử.
Diễn biến của nhọt có thể theo các giai đoạn: tự khỏi, khi đó hệ miễn dịch của cơ thể thành công trong việc tiêu diệt vi khuẩn. Những biểu hiện như sưng, nóng, đỏ, đau sẽ giảm dần và nhọt sẽ mất đi. Có thể vẫn còn một vùng da hơi thâm gồ lên nhưng cũng sẽ hết sau vài ngày mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, có trường hợp do lượng mủ nhiều nên cơ thể không thể tự tiêu được và mủ bị vỡ thoát ra ngoài bề mặt da. Lúc này nhọt sẽ hình thành đầu trắng và mủ sẽ được thoát ra ngoài qua đó. Khi mủ đã thoát ra nhọt sau đó tự liền và không cần điều trị gì. Nơi bị nhọt có thể để lại sẹo.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong trường hợp nhọt to có sốt cao hay bị đinh râu, hậu bối có nhiễm khuẩn (da đỏ tấy lan rộng) thì phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện. Khi cơ thể bị nhọt dễ tái phát thì nên đi khám, vì có thể bị bệnh tiềm ẩn nào đó làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng như đái tháo đường hoặc bệnh lý của hệ miễn dịch.
Để hạn chế mắc bệnh và tái phát thì việc giữ vệ sinh là điều rất quan trọng. Cần tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn. Chú ý lau khô người sau khi tắm. Nên chọn loại quần áo có chất liệu thoáng (chất liệu nilon thường làm cho da ẩm do không thoát được mồ hôi).
Theo SKDS