Bệnh nặng chỉ vì cái… nhọt
Từ những nhọt thông thường, điều trị không đúng dẫn đến vùng da nhiễm khuẩn. Do đó, từ chỗ bị nhiễm trùng tại chỗ đã chuyển sang lan tràn toàn thân.
Từ những nhọt thông thường, điều trị không đúng dẫn đến vùng da nhiễm khuẩn. Do đó, từ chỗ bị nhiễm trùng tại chỗ đã chuyển sang lan tràn toàn thân. Ở trẻ nhỏ ban đầu chỉ có thể bị một cái mụn nhỏ hay chốc, nhưng do không biết cách chăm sóc hoặc quá chủ quan đã tạo nên nhiễm trùng toàn thân dẫn đến bị các bệnh như viêm cầu thận, viêm thận, nhiễm trùng huyết.
Đối với người lớn, xuất phát có thể chỉ là một cái nhọt quanh vùng miệng hay còn gọi là đinh râu, chăm sóc không đúng cách có thể dẫn đến viêm xoang tĩnh mạch hang gây nhiễm trùng huyết, gây áp-xe não. Khi đã xảy ra các biến chứng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Ngoài ra, nhọt ở một số vùng da dày (như ở lưng, gáy) có thể khó thoát ra ngoài và đôi khi gây vỡ mủ đến một số vị trí lân cận trong cơ thể. Chính vì vậy, với mụn nhọt ở một vài vị trí đặc biệt thì phải chú ý như đinh râu, hậu bối (bệnh than ngoài da), vì chúng dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Cần làm gì?
Đa số nhọt tự khỏi, mủ sẽ tự bị đẩy ra ngoài và vi khuẩn bị hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt. Không cố bóp nặn nhọt vì có thể gây thoát mủ ra mô xung quanh làm cho nhiễm trùng nặng thêm.
Để điều trị các mụn nhọt thông thường, chỉ cần bôi thuốc sát trùng hoặc rửa tay, chân với nước muối loãng. Khi nhọt đã “chín” thì chích mủ, nhưng phải đảm bảo vô trùng, tuyệt đối không được nặn nhọt non. Khi mủ khó thoát ra ta cần chích rạch để đưa mủ ra ngoài. Tuy nhiên điều này chỉ được phép làm khi chắc chắn đã có ổ mủ (giai đoạn đầu của nhọt vẫn chưa hình thành mủ). Lưu ý là không được tự làm, bạn nên nhờ trợ giúp của nhân viên y tế.
Nhọt thường gây đau, để giảm đau bạn có thể đắp khăn ướt hoặc dùng paracetamol liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Mủ có chứa vi khuẩn cho nên có thể gây bệnh cho người khác. Do vậy cần để những bông gạc dính mủ trong túi nilon rồi vứt vào thùng rác.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong trường hợp nhọt to có sốt cao hay bị đinh râu, hậu bối có nhiễm khuẩn (da đỏ tấy lan rộng) thì phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện. Khi cơ thể bị nhọt dễ tái phát thì nên đi khám, vì có thể bị bệnh tiềm ẩn nào đó làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng như đái tháo đường hoặc bệnh lý của hệ miễn dịch.
Để hạn chế mắc bệnh và tái phát thì việc giữ vệ sinh là điều rất quan trọng. Cần tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn. Chú ý lau khô người sau khi tắm. Nên chọn loại quần áo có chất liệu thoáng (chất liệu nilon thường làm cho da ẩm do không thoát được mồ hôi).
Theo SKDS