Tầm soát và điều trị viêm gan siêu vi C
Viêm gan siêu vi C, viết tắt là HCV (Hepatitis C virUS) đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu, tỉ lệ tử vong hằng năm cao do các biến chứng của nó như: suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan siêu vi C, viết tắt là HCV (Hepatitis C virUS) đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu, tỉ lệ tử vong hằng năm cao do các biến chứng của nó như: suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Vì vậy, tầm soát bệnh HCV là biện pháp tốt nhất để phát hiện sớm và điều trị đúng cách, kiên trì có thể khỏi hoàn toàn.
Đặc điểm bệnh nguyên và tần suất của HCV
HCV là loại virút có vỏ bọc, về đường kính 50 - 60nm. Về hình thái và sự nhân lên của virút, cho đến nay vẫn chưa được hoàn toàn biết rõ. Gen là một ARN chuỗi đơn có khoảng 10.000 nucleotid. HCV có 11 loại kiểu gen (genotypes) từ 1 - 11 và subtypes a, b, c. Genotype 1 - 3 phân bố khắp toàn cầu, trong đó type 1a và 1b thường gặp nhất, chiếm 60% số trường hợp nhiễm HCV, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ. Genotype 6-11 phân bố ở châu Á. WHO ước tính có khoảng 3% số dân số thế giới (khoảng 180 triệu người) nhiễm virút HCV mãn tính. Mỗi năm, có thêm 3 - 4 triệu người bị nhiễm bệnh. Ở khu vực Đông Nam Á, WHO ước tính có khoảng 32,3 triệu người đang sống chung với HCV. Việt Nam có tỉ lệ nhiễm HCV chiếm từ 1 - 5% dân số. Những nghiên cứu gần đây cho thấy HCV có thể tồn tại trong môi trường, ở nhiệt độ phòng ít nhất 16 giờ nhưng không lâu quá 4 ngày.
Cách thức lây bệnh
HCV lây chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh tương tự như viêm gan siêu vi B (HBV).
Những đường lây nhiễm siêu vi C chủ yếu: sử dụng chung kim tiêm ở những người nghiện ma túy; dùng chung dao cạo, bàn chải răng, kềm cắt móng tay với người bị nhiễm siêu vi C; kim chích xăm mình hay xỏ lỗ tai không bảo đảm vô trùng; người nhận máu, chế phẩm máu hoặc các bộ phận cơ thể từ một người cho nhiễm HCV; nhân viên y tế; đường tình dục: có nguy cơ lây nhiễm HCV qua quan hệ tình dục nhưng hiếm hơn bệnh viêm gan B, chỉ chiếm khoảng 5%; mẹ truyền sang con: xảy ra tại thời điểm sinh với những bà mẹ có HCV RNA (+), chiếm khoảng 6%. Không rõ đường lây nhiễm: chiếm 30 - 40% trường hợp.
Một người nhiễm HCV có thể nhiễm đồng thời siêu vi viêm gan A, B.
Diễn tiến
Sau khi bị nhiễm HCV, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 - 26 tuần, trung bình từ 7 - 9 tuần. Giai đoạn đầu gọi là nhiễm trùng cấp tính: thường chấm dứt sau 2 - 12 tuần. Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Một số khác có triệu chứng giống như bị cảm cúm nhẹ như: buồn nôn, mệt mỏi, sốt, nhức đầu, ăn không ngon, đau vùng bụng, và nhức bắp thịt hay ở khớp, có thể vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu. Chẩn đoán bệnh dựa vào xét nghiệm máu. Nhiễm trùng mạn tính: khoảng 85% trường hợp, cơ thể của họ không đào thải được hết virút sau 6 tháng, nên chuyển thành viêm gan mạn tính. Đặc điểm nổi bật của bệnh viêm gan C mạn tính là sự tiến triển rất thầm lặng qua 10 - 30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tỉ lệ nhiễm HCV đưa đến xơ gan 15 - 20% sau 20 năm, tỉ lệ càng tăng nếu thời gian nhiễm càng lâu, 71% bệnh nhân xơ gan nếu nhiễm hơn 60 năm. Trong nhóm bệnh nhân xơ gan do HCV, mỗi năm 1,4 - 3,3% chuyển sang ung thư gan và 2,6 - 4% tử vong.
Tầm soát
Vì HCV lây qua máu và sinh lý, nên những người có nguy cơ bị lây bệnh HCV cũng dễ bị lây bệnh viêm gan B và nhiễm HIV. Những người sau đây nên đi thử máu: người chích ma túy, người có tiền căn nhận huyết tương, những bệnh nhân có lọc thận; bệnh nhân nhận máu hoặc được ghép tạng; trẻ em sinh ra từ mẹ bị viêm gan C (thử máu từ 12 - 18 tháng trở lên); nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày, hoặc có tiếp xúc với máu, các chế phẩm từ má; những người có tiếp xúc bạn tình, có nhiễm HCV. Ngoài ra, có thể yêu cầu cá nhân đi xét nghiệm máu để tầm soát HCV.
Các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để tầm soát hoặc phát hiện HCV: xét nghiệm Anti-HCV phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng virút, cho thấy tiếp xúc với HCV. Thông thường, xét nghiệm được báo cáo kết quả là “dương tính” hoặc “âm tính.” Có một số bằng chứng rằng nếu thử nghiệm là “dương tính yếu”, nó có thể là một dương tính giả. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh (CDC) đề nghị xét nghiệm dương tính yếu phải được xác nhận với các thử nghiệm RIBA HCV trước khi được báo cáo. Thử nghiệm HCV recombinat immunoblot assay (RIBA) là một xét nghiệm bổ sung chỉ định để xác nhận sự hiện diện của kháng thể HCV.
Chẩn đoán
Chẩn đoán HCV, ngoài các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, siêu âm gan, sinh thiết gan... thì các xét nghiệm tìm HCV giữ một vai trò rất quan trọng: Anti-HCV: có thể tìm thấy ở 70% trường hợp khi bắt đầu có triệu chứng và khoảng 90% trong vòng 3 tháng sau. Tuy nhiên, nhiều người bị HCV nhưng không có triệu chứng. Anti-HCV không xác định được là đang nhiễm cấp tính, đã lành bệnh (đào thải hết virút) hay chuyển sang giai đoạn mạn tính. HCV RNA: phát hiện trực tiếp siêu vi trong máu, một bằng chứng của nhiễm HCV và virút đang tăng sinh, đồng thời định danh dưới nhóm để lựa chọn phác đồ hợp lý. Có thể phát hiện HCV-RNA trong vòng 1 - 2 tuần sau khi nhiễm virút. Xét nghiệm này còn được sử dụng để tiên lượng đáp ứng tốt với điều trị.
Điều trị
Không có thuốc điều trị đặc hiệu HCV cấp. Chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ.
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi: cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân, bảo đảm 2.000 - 2.500 calo/ngày. Kết hợp uống nhiều nước và các loại trái cây. Cần kiêng rượu và tránh các loại thuốc độc cho gan. Nghỉ ngơi là biện pháp cần thiết trong giai đoạn này, nhất là giai đoạn vàng da, giúp cho cơ thể lấy lại sức khỏe.
Chế độ dùng thuốc: dùng các loại vitamin A, B, C, D, E và các yếu tố vi lượng, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Không dùng corticoid vì có thể làm diễn tiến bệnh nặng và nhanh chuyển sang mạn tính. Điều trị Interferon cho sớm có thể ngăn chặn chuyển thành HCV mạn.
Bệnh HCV mạn tính cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm: đào thải hoặc giảm bớt lượng siêu vi C trong cơ thể, đặc biệt là ở gan; giảm thiểu hoặc loại trừ hoàn toàn tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan. Do đó: nên làm genotype HCV trước điều trị. Cần biết nồng độ HCV RNA trước, trong và sau điều trị. Thời gian điều trị có thể thay đổi tùy theo genotypes và nồng độ HCV RNA vào từng thời điểm: tuần 4, 12, 24, 48 và 6 tháng sau khi ngưng thuốc, cung cấp cho bệnh nhân nhiều cơ hội khỏi bệnh, giảm tác dụng phụ và giá thành điều trị.
Các thuốc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính được FDA công nhận năm 2006: Pegylated interferons. Interferon alfacon-1. Ribavirin.
Lưu ý: những người không nên điều trị với liệu pháp kháng virút bao gồm: những người đang dùng thuốc trị bệnh lậu hay rượu, đang bị trầm cảm, tế bào máu thấp, bệnh tuyến giáp không điều trị, bệnh tự miễn, và những bệnh lý nghiêm trọng khác như: bệnh tim có triệu chứng, cao huyết áp không kiểm soát, đái tháo đường, đang có thai, hay đang nhận cơ quan ghép đặc.
Lời khuyên của thầy thuốc
Những biện pháp phòng ngừa nhiễm HCV tương tự như phòng ngừa nhiễm HBV. Nhất là hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa siêu vi C. Những người nhiễm HCV mạn tính, nếu thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị nhiễm HBV thì nên chích ngừa viêm gan B. Các hoạt động được thực hiện nhằm ngăn chặn lây nhiễm HCV như: tuyên truyền, tư vấn và khuyến khích thay đổi thói quen cần thiết để ngăn chặn HCV cho nhóm người nguy cơ cao và chưa được chăm sóc đầy đủ. Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu lây truyền HCV tại Việt Nam là cung cấp dụng cụ tiêm chích vô trùng cho những nhóm người có nguy cơ cao, đồng thời thực hiện việc tuyên truyền để thay đổi thói quen, nhằm thúc đẩy giảm thiểu việc sử dụng chung dụng cụ tiêm chích.
Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng
Theo SKDS