Cảnh giác với viêm não do virut Herpes
Viêm não do virut Herpes xảy ra quanh năm, bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, chiếm 46,7%. Virut herpes lây nhiễm một cách âm thầm, tiềm ẩn trong cơ thể người và sau đó phát triển thành bệnh khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng...
Viêm não do virut Herpes xảy ra quanh năm, bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, chiếm 46,7%. Virut herpes lây nhiễm một cách âm thầm, tiềm ẩn trong cơ thể người và sau đó phát triển thành bệnh khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng. Vì vậy, nếu không được phát hiện và điều trị đặc hiệu sớm, tỷ lệ có diễn biến nặng tử vong của bệnh có thể lên tới 70% và tỷ lệ rất nhỏ có thể được cứu sống nhưng khả năng phục hồi các di chứng thần kinh là rất thấp.
Đường lây nhiễm
Nhóm virut Herpes có đặc tính lây nhiễm một cách âm thầm, tiềm ẩn trong cơ thể người và sau đó phát triển thành bệnh khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng.
Hình ảnh MRI não điển hình của bệnh viêm não do Herpes.
Hiện nay, có 8 loại virut Herpes gây bệnh cho người đã được xác định như: virut Herpes simplex týp 1 (HSV-1).Virut Herpes simplex týp 2 (HSV-2), virut Varicella-zoster (VZV) (HHV- 3), Cytomegalovirus (CMV); virut Human Herpes týp 6 (HHV-6), virut Human Herpes týp 7 (HHV... trong đó, týp 1, 2 dễ gây viêm não nhất. Sau khi xâm nhập vào cơ thể dù có biểu hiện lâm sàng hay không virut vẫn tồn tại trong cơ thể ở dạng tiềm tàng, người nhiễm virut sẽ mang virut suốt đời. Hệ thống miễn dịch của vật chủ được kích thích sẽ hạn chế sự nhân lên và lan truyền của virut. Virut có thể tránh hệ thống miễn dịch bằng cách theo các dây thần kinh đến ẩn lấp ở các hạch thần kinh (HVS 1 ẩn lấp ở hạch thần kinh sinh ba và hạch cạnh sống cổ, HSV 2 ẩn lấp ở hạch cạnh sống cùng). Khi gặp điều kiện thuận lợi virut sẽ nhân lên, lan truyền và gây bệnh ở hệ thống da - niêm mạc hoặc ở hệ thống thần kinh trung ương. Thông thường virut nhân lên bên ngoài hệ thống thần kinh trung ương và đi theo các dây thần kinh như dây thần kinh khứu giác. Sau đó virut xâm nhập tế bào thần kinh gây nên rối loạn chức năng tế bào, xung huyết quanh mao mạch, xuất huyết và đáp ứng viêm lan tỏa ảnh hưởng đến chất xám và chất trắng, tuy nhiên chất xám bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Bệnh lý não khu trú là hậu quả của tổn thương một vùng não nào đó do virut có ái tính cao với vùng này.
Dấu hiệu nhận biết
Viêm não do virut Herpes (HSE), nguyên nhân phần lớn là do HSV 1 chiếm 96%. Bệnh có thể gặp ngay ở thời kỳ nhiễm Herpes tiên phát hoặc tái phát.
Ở giai đoạn khởi phát, các triệu chứng lâm sàng của viêm não do virut Herpes có thể diễn biến cấp tính hoặc từ từ với biểu hiện đầu tiên là sốt. Đây là triệu chứng phổ biến, xảy ra đột ngột, người bệnh có thể sốt liên tục 39 - 40oC nhưng cũng có khi sốt không cao. Sau đó các triệu chứng kèm theo như: nhức đầu, kích thích, kém linh hoạt; buồn nôn, nôn; các biểu hiện của viêm long đường hô hấp (ho, chảy nước mũi).
Ở giai đoạn toàn phát, các biểu hiện thần kinh sẽ nhanh chóng xuất hiện trong đó nổi bật nhất là rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng như: ngủ gà, li bì, lơ mơ đến hôn mê. Bệnh nhân thường có co giật và có các dấu hiệu thần kinh khác: dấu hiệu màng não, các dấu hiệu thần kinh khu trú (liệt nửa người hoặc tứ chi), tăng hoặc giảm trương lực cơ. Nếu không được cấp cứu có thể suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim hoặc sốc...
Dễ chẩn đoán nhầm
Do bệnh có các triệu chứng dễ nhầm với các bệnh cảm sốt thông thường và sốt virut nên bệnh thường phát hiện muộn khiến việc điều trị rất tốn kém.
Viêm não Herpes có thể do cơ chế nhiễm trùng tiên phát. Người bệnh bị nhiễm HSV1 khởi đầu từ họng - mũi, rồi xâm nhập đến vùng hành khứu, đến thùy thái dương trong, thùy trán và thùy ổ mắt. Xét nghiệm máu lúc đầu không có kháng thể kháng HSV1. Hoặc có thể do cơ chế nhiễm trùng thứ phát sau tái hoạt hóa, nghĩa là người bệnh nhiễm HSV1 từ hầu họng rồi lan đến hạch thần kinh sinh ba, hạch cổ (HSV1) hoặc hạch cạnh sống (HSV2) và tiềm ẩn ở đó. Sau đó virut tái hoạt hóa lan ra mặt gây Herpes môi, lan lên hố sọ giữa và trước gây viêm não Herpes. Xét nghiệm lúc đầu có kháng thể kháng HSV1.
Tuy nhiên, HSV1 là nguyên nhân chính gây viêm não Herpes (96%) và cũng thường gây tổn thương niêm mạc miệng. Trong khi đó, HSV2 thường gây tổn thương ở bộ phận sinh dục và viêm não ở trẻ sơ sinh.
Virut Herpes (HSV) là một trong các căn nguyên gây viêm não ở người. Theo kết quả nghiên cứu tại các nước phát triển, viêm não do HSV thường diễn biến nặng có tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao. Nếu không được điều trị đặc hiệu sớm tỷ lệ tử vong của viêm não Herpes có thể lên tới 70% - 97,5% các trường hợp sống sót để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do vậy, khi có những dấu hiệu bất thường như: sốt đột ngột, nhức đầu, buồn nôn... không được tự điều trị mà cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán bệnh chính xác, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Theo ước tính trên thế giới có tới 90% người đã từng bị nhiễm virut Herpes và gần như ai cũng có thể bị nhiễm virut Herpes sau 40 tuổi. Virut Herpes lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da hoặc niêm mạc bị tổn thương, nhưng cũng có thể lây khi tiếp xúc với người mang virut không có triệu chứng qua dịch tiết (nước mũi, nước bọt, dịch tiết đường sinh dục...), vào máu và đến khu trú ở các hạch thần kinh. Herpes sinh dục hiếm khi truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ, nhưng khi lây truyền được nó có thể gây tổn thương nhiều cơ quan nội tạng: gây viêm gan hoại tử có hoặc không có giảm tiểu cầu, đông máu nội mạch lan tỏa và viêm não.
Theo SKDS