Đối phó với chứng đau thần kinh tọa
Có khi nào đột nhiên bạn cảm thấy đau tê vùng thắt lưng, bắt đầu từ mông lan xuống mặt sau đùi rồi tới cẳng chân và bàn chân? Hãy coi chừng bởi đó có thể là dấu hiệu của đau thần kinh tọa, một căn bệnh phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải dù già hay trẻ.
Có khi nào đột nhiên bạn cảm thấy đau tê vùng thắt lưng, bắt đầu từ mông lan xuống mặt sau đùi rồi tới cẳng chân và bàn chân? Hãy coi chừng bởi đó có thể là dấu hiệu của đau thần kinh tọa, một căn bệnh phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải dù già hay trẻ.
Cơn đau do thần kinh tọa gây ra có thể không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, nhưng lại ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến khả năng lao động, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Thần kinh tọa là thần kinh lớn nhất và dài nhất trong cơ thể; người ta đo được đường kính của nó gần 2cm. Nó bắt đầu từ đám rối cùng (một đám rối thần kinh ở vùng thắt lưng thấp - cột sống thắt lưng cùng). Cột sống thắt lưng cùng được cho là sự kết hợp của cột sống thắt lưng và cột sống cùng. Thần kinh ngồi và các nhánh của nó cho phép vận động và cảm giác ở đùi, gối, cẳng chân, bàn chân, cổ chân và các ngón chân.
Ở hầu hết mọi người thần kinh tọa đi ở dưới cơ hình quả lê (cơ có vai trò khép háng). Từ dây thần kinh tọa đi xuống dưới qua hông và mặt sau đùi. Ở phía sau gối, một nhánh thần kinh nhỏ tách ra từ thần kinh ngồi và đi thẳng xuống các ngón chân.
Thần kinh ngồi là một phần của một cấu trúc phức tạp: hệ thống thần kinh cơ thể. Hệ thống này chịu trách nhiệm truyền cảm giác đau và cảm nhận khác của cơ thể. Vì vậy khi có sự chèn ép thần kinh, chúng ta sẽ có thể cảm nhận được nó và thấy nó thật tệ (ví dụ một thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng chèn ép vào rễ thần kinh và truyền cảm giác đau dọc xuống chân).
Các triệu chứng đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là cảm giác đau ở chân dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Người bệnh thấy cảm giác đau ở mặt sau của chân (thường chỉ một bên), bắt đầu từ mông lan xuống mặt sau đùi rồi tới cẳng chân và bàn chân. Đau có thể là âm ỉ hoặc đột ngột, cảm giác đau như bị đâm hoặc điện giật. Đôi khi có thể là cảm giác thắt chặt hoặc tê bì. Đang ngồi rồi cố gắng đứng dậy có thể gây đau và khó khăn. Ho và hắt hơi có thể gây đau.
Chèn ép thần kinh tọa hiếm khi xảy ra tổn thương thần kinh vĩnh viễn và liệt cũng ít khi xảy ra. Tuy nhiên, trong những trường hợp vận động chân yếu hoặc rối loạn đại tiểu tiện là những dấu hiệu của hội chứng đuôi ngựa - một tổn thương nghiêm trọng cần xử trí ngay tức thì.
Căn nguyên do đâu?
Đau thần kinh tọa do nhiều nguyên nhân gây ra, thường những nguyên nhân này gây chèn ép hoặc kích thích các rễ thần kinh (các rễ tạo nên dây thần kinh tọa). Sự chèn ép rễ thần kinh có thể do nhiều nguyên nhân như: thoát vị đĩa đệm do rách bao xơ đĩa đệm, hẹp ống sống thắt lưng, hoặc hiếm hơn do nguyên nhân nhiễm khuẩn và các khối u.
Đối phó cách nào?
Dựa vào nguyên nhân của đau dây thần kinh tọa có các phương pháp điều trị tương ứng:
Trước đây, người đau dây thần kinh tọa mà có đau thắt lưng thì thường được khuyên nghỉ ngơi tại giường, tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả giảm đau thần kinh tọa không khác nhau. Chính vì vậy, duy trì hoạt động sinh hoạt hàng ngày có thể có lợi cho những người có kèm đau thắt lưng. Duy trì hoạt động ở đây có nghĩa là những hoạt động đó không được gây đau thêm hoặc làm tăng triệu chứng của bệnh.
Thuốc kháng viêm giảm đau không steroid có tác dụng tốt trong việc kiểm soát đau dây thần kinh tọa, tuy nhiên do có một số tác dụng phụ, đặc biệt tác dụng phụ trên đường tiêu hóa nên các thuốc này không được dùng kéo dài và phải theo chỉ định của bác sĩ.
Trong một số trường hợp thuốc corticoid có thể được sử dụng để tiêm vào khoang ngoài màng cứng hoặc phong bế rễ thần kinh có tác dụng làm giảm viêm, giảm sự kích thích quanh các thành phần thần kinh ở vùng cột sống thắt lưng.
Một số trường hợp đòi hỏi cần được phẫu thuật, phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn trong 4-6 tuần không có cải thiện và trên phim chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ có hiện tượng thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống thắt lưng. Đối với những trường hợp do thoát vị đĩa đệm, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mở cửa sổ xương cột sống và lấy bỏ khối thoát vị đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh. Ngoài ra, có thể sử dụng những kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn như: lấy thoát vị qua hệ thống ống banh ít xâm lấn hoặc mổ nội soi lấy thoát vị. Đối với trường hợp hẹp ống sống thắt lưng, kỹ thuật mở cung sau giải ép các yếu tố thần kinh trong ống sống là kỹ thuật chính, có thể kèm theo những kỹ thuật làm vững thêm cột sống khác như đặt dụng cụ liên gai sau hoặc nẹp vít tùy từng trường hợp.
Theo SKDS