Cải thiện sức khỏe tim
Những thói quen không tốt, chế độ ăn uống không phù hợp, không tập thể dục và căng thẳng thường xuyên là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở bất kỳ độ tuổi nào.
Những thói quen không tốt, chế độ ăn uống không phù hợp, không tập thể dục và căng thẳng thường xuyên là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở bất kỳ độ tuổi nào.
Đó là lý do tại sao cần phải chăm sóc sức khỏe tim. Sau đây là một số cách hữu ích.
Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo. Những loại thực phẩm chiên rất ngon miệng nhưng có thể không tốt cho tim. Để cải thiện sức khỏe tim, bạn cần phải hạn chế hết mức những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ trong chế độ ăn hằng ngày. Hãy bổ sung những a xít béo lành mạnh như omega 3, vốn có nhiều trong một số loại cá.
Kiểm soát cholesterol. Cholesterol xấu (LDL) thật sự không thân thiện với tim, vì thế điều quan trọng là phải kiểm soát mức cholesterol một cách chặt chẽ. LDL là một trong những nguyên nhân gây đông máu và đau tim.
Giảm cân. Chớ nên lơ là việc kiểm soát cân nặng của bạn. Tình trạng thừa cân làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy, hãy cố gắng làm cho mình thon thả hơn để khỏe mạnh và năng động hơn trong cuộc sống.
Tập thể dục. Đây là một cách đơn giản nhưng rất quan trọng để cải thiện tim cũng như sức khỏe toàn diện. Tập thể dục thường xuyên trong ít nhất 30 phút mỗi ngày có tác dụng thúc đẩy sự lưu thông máu và tránh được các bệnh tim mạch.
Ngừng hút thuốc. Thói quen không tốt này có thể gây tổn hại cho cả phổi lẫn tim. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ung thư.
Tập yoga. Sự căng thẳng và trầm uất là 2 nguyên nhân chính gây bệnh tim. Yoga làm thư giãn cơ thể, trí óc và tâm hồn. Hãy tập yoga nếu bạn muốn có một trái tim khỏe mạnh.
Giảm muối. Điều này giúp kiểm soát huyết áp cũng như bảo vệ tim khỏi nguy cơ bệnh tật. Khi chế biến thực phẩm, bạn hãy nêm muối dưới mức “vừa miệng” một chút, nghĩa là làm nhạt đi dần dần, để góp phần duy trì sức khỏe.
Chú ý triglyceride. Đây là một loại lipid tương tự cholesterol hiện diện trong máu. Mức triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Các chất béo bão hòa và trans fat chứa rất nhiều triglyceride, nên bạn cần hạn chế những thực phẩm có các chất này.
Quan tâm đến tuyến giáp. Bệnh suy chức năng tuyến giáp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nó làm xơ cứng các động mạch chủ và điều này làm tăng rủi ro mắc bệnh tim ở phụ nữ.