Suy thận: hiểu rõ để điều trị đúng
Nhiều bệnh nhân đi khám Đông y thường nhầm lẫn khi nghe chẩn đoán bị “suy thận”. Từ đó, họ hoang mang và có thể dẫn đến những sai lầm nguy hại đến sức khỏe.
Nhiều bệnh nhân đi khám Đông y thường nhầm lẫn khi nghe chẩn đoán bị “suy thận”. Từ đó, họ hoang mang và có thể dẫn đến những sai lầm nguy hại đến sức khỏe.
Theo Đông y, thận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bao gồm nhiều chức năng như: tàng tinh (vai trò tuyến nội tiết), chủ thể dịch (tạo và bài tiết nước tiểu), chủ cốt tủy (chức năng hệ xương khớp), chủ nạp khí (chức năng sinh dục), chủ tiên thiên (chức năng sinh trưởng, phát dục, duy trì nòi giống).
Với Tây y, thận có hai chức năng chính là điều hòa cân bằng nước, điện giải trong cơ thể, điều hòa áp suất thẩm thấu, thể tích dịch ngoại bào; bài xuất các sản phẩm chuyển hóa và các chất lạ ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, thận có chức năng nội tiết (bài tiết các hormon để tham gia điều hòa huyết áp, kích thích sản sinh ra hồng cầu, góp phần chuyển hóa canxi, phốt pho trong cơ thể).
Bệnh lý tạng thận theo Tây y gồm: viêm cầu thận cấp - mạn, bệnh thận kẻ, lao thận, hội chứng thận hư, sỏi thận, suy thận...
Còn bệnh lý tạng thận theo Đông y gồm: thận âm hư, thận khí hư, thận dương hư. Nếu bị thận âm hư sẽ có các triệu chứng như: mệt mỏi, đau lưng, chóng mặt, ù tai, miệng khô, họng đau, lòng bàn tay bàn chân nóng, hâm hấp sốt về chiều, lưỡi đỏ, có thể di tinh. Khi bị thận dương hư thì có triệu chứng: lạnh, sợ lạnh, mỏi lưng, đêm hay tiểu tiện, phù thủng, tiêu lỏng lúc sáng sớm.
Khi suy thận cấp, tùy thuộc nguyên nhân có thể diễn biến rất nhanh, dẫn tới vô niệu hoặc có thể thải ít nước tiểu rồi vô niệu trong một-hai ngày hoặc một-hai tuần, gây ra các biểu hiện: lượng nước tiểu <500ml/24 giờ, rối loạn nước và điện giải (phù, có thể phù phổi cấp, phù não, kali máu tăng gây rối loạn nhịp tim, cơ lực yếu, liệt cơ), creatinin máu tăng dần >1,5mg/dl. Với suy thận mạn, bệnh diễn tiến mạn tính qua nhiều năm tháng, có thể chia thành bốn giai đoạn trên mức lọc cầu thận. Giai đoạn 1, 2: chỉ biểu hiện nhẹ và vừa, triệu chứng lâm sàng không rõ như chán ăn, thiếu máu nhẹ, mệt mỏi, tức hai bên hố lưng. Giai đoạn 3: bệnh đã nặng, chán ăn, buồn nôn, nôn, nấc cục, xuất huyết tiêu hóa, xanh xao, tăng huyết áp, đau đầu, phù nề mi mắt, ngứa, nặng hơn là khó thở, lơ mơ, co giật, hôn mê. Giai đoạn 4 là suy thận nặng.
PGS-TS Nguyễn Thị Bay - giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, do không hiểu hoặc không được giải thích rõ, nhiều bệnh nhân cho rằng mình bị suy thận. Từ đó hoang mang và tìm đủ mọi cách chữa trị. Không ít trường hợp bệnh nhẹ lại thành bệnh nặng do tự ý áp dụng những bài thuốc theo kiểu truyền miệng. Suy thận là bệnh danh của Tây y. Từ ngữ Đông y đúng để chẩn đoán phải là: thận âm hư (hoặc thận âm suy), thận dương hư (thận dương suy). Ví dụ: khi huyết áp >140/90, kèm đau căng nặng đầu, chóng mặt, ù tai, khát nước, tiểu đêm, đổ mồ hôi trộm, táo bón... có thể chẩn đoán là tăng huyết áp hoặc thận âm hư. Viêm phế quản mạn với biểu hiện ho, khạc đàm, khó thở, mệt mỏi, người lạnh, tay chân lạnh, sợ lạnh, đau mỏi lưng, tiểu đêm, đi phân lỏng, phù thủng... có thể chẩn đoán viêm phế quản mạn hoặc thận dương hư. Hoặc đái tháo đường có biến chứng suy thận như: đường huyết lúc đói >7mmol/L, creatinin >1,5mg/dl, người lạnh, tay chân lạnh, sợ lạnh, đau mỏi lưng, tiểu đêm, đi phân lỏng, suy nhược sinh dục... có thể chẩn đoán là đái tháo đường có biến chứng suy thận hoặc thận dương hư.
PGS-TS Bay cho biết thêm, suy thận theo Đông y là rối loạn chức năng, theo Tây y là bệnh thực thể. Khi chẩn đoán, cần phải được xác định là bệnh thực thể gì, bên cạnh đó cần tham khảo các rối loạn chức năng để xác định nguyên nhân. Điều trị suy thận có thể kết hợp cả Đông và Tây y nhưng cần chú ý, trong suy thận, dùng các thuốc Đông y phải cẩn trọng vì các thành phần hợp chất trong chén thuốc sắc chưa thể kiểm soát, có thể làm tình trạng suy thận nhẹ hoặc vừa trở thành nặng.
Theo Phụ Nữ