Đối phó rối loạn tiết niệu
Ở hệ thống tiết niệu, trong vấn đề tiểu tiện có sự phối hợp hoạt động giữa thần kinh chi phối bàng quang và cơ trơn bàng quang.
Ở hệ thống tiết niệu, trong vấn đề tiểu tiện có sự phối hợp hoạt động giữa thần kinh chi phối bàng quang và cơ trơn bàng quang.
Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân gây ra tổn thương thần kinh ở hệ tiết niệu, làm cho bệnh nhân rối loạn tiểu tiện? Có các phương pháp xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh này?
Trả lời: Ở hệ thống tiết niệu, trong vấn đề tiểu tiện có sự phối hợp hoạt động giữa thần kinh chi phối bàng quang và cơ trơn bàng quang. Dây thần kinh sẽ chuyển thông tin từ bàng quang đến não bộ để nhận biết là bàng quang đã đầy, sau đó thông tin từ não chuyển đến bàng quang gây co thắt cơ bàng quang và dãn cơ vòng để tống nước tiểu ra ngoài. Nếu tổn thương dây thần kinh làm cho tín hiệu vận chuyển giữa não và bàng quang không còn chính xác sẽ gây ra rối loạn tiểu tiện. Những rối loạn này đôi khi không chữa trị được. Trong thực tế lâm sàng có rất nhiều bệnh lý hoặc tai biến làm tổn thương dây thần kinh hoặc đường dẫn truyền tín hiệu thần kinh, sau đây là những nguyên nhân thường gặp nhất: sinh đẻ đường âm đạo, nhiễm trùng thần kinh trung ương hoặc tủy sống, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, tai nạn gây chấn thương sọ não hoặc tủy sống, xơ hóa rãi rác từng đám (tủy), ngộ độc kim loại nặng…
Để chẩn đoán ra bệnh cần phải biết về tiền sử, bệnh sử và toàn bộ các dấu hiệu bất thường ở người bệnh, từ đó người bác sĩ sẽ giới hạn lại các vấn đề có thể gây ra chứng rối loạn bàng quang do thần kinh. Nếu nghi ngờ những rối loạn bàng quang này là do tổn thương thần kinh thì phải xét nghiệm cả bàng quang và hệ thần kinh. Hiện nay người ta áp dụng 3 nhóm xét nghiệm chính: động học của tiểu tiện (đo áp lực nước tiểu trong bàng quang, khả năng giữ nước tiểu cũng như bàng quang tống nước tiểu có hiệu quả không); hình ảnh học (chụp X-quang hệ niệu, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp điện toán khảo sát hệ tiết niệu và hệ thần kinh); đo điện cơ và điện não.
Theo SKDS