Thêm trẻ sơ sinh chết “chưa rõ nguyên nhân”
Trong khi Bộ Y tế chưa giải tỏa được bức xúc của dư luận sau cái chết đột ngột của 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị và 1 trẻ sơ sinh ở Bình Thuận thì hôm qua lại có thêm thông tin 1 trẻ sơ sinh nữa ở Lâm Đồng chết cũng “chưa rõ nguyên nhân”, sau khi tiêm vắc xin ngừa xuất huyết não.
Trong khi Bộ Y tế chưa giải tỏa được bức xúc của dư luận sau cái chết đột ngột của 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị và 1 trẻ sơ sinh ở Bình Thuận thì hôm qua lại có thêm thông tin 1 trẻ sơ sinh nữa ở Lâm Đồng chết cũng “chưa rõ nguyên nhân”, sau khi tiêm vắc xin ngừa xuất huyết não.
Chiều ngày 24.7, bác sĩ Phan Thị Nga, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) xác nhận có một trẻ sơ sinh đã tử vong tại trung tâm và đã được gia đình đưa về an táng. Theo bà Nga, khoảng 3 giờ sáng ngày 22.7, chị Ng.Th.Th (24 tuổi, ở xã Tân Hà, H.Lâm Hà) hạ sinh một bé trai nặng 2,9 kg tại trung tâm, các chỉ số đều bình thường. Sau khi sinh, cháu được tiêm một mũi vitamin K1 để ngừa xuất huyết não và sau đó theo dõi bé bình thường. Thế nhưng, đến khoảng 8 giờ 40 ngày hôm sau (23.7), khi hộ sinh đưa đi tắm thì phát hiện phản xạ của bé yếu. Qua test đường huyết thấy giảm nhiều nên được xử lý cấp cứu theo phác đồ điều trị hạ đường huyết và bé dần hồi tỉnh. Tuy nhiên, khoảng 9 giờ 30, bé lại tím tái, được đưa lên cấp cứu nhưng đến khoảng 11 giờ cùng ngày thì tử vong.
Lọ vắc xin nằm cùng lô chích ngừa viêm gan B tại Bình Thuận
Cũng theo bác sĩ Nga, qua nhận định của Hội đồng khoa học tại trung tâm, nhiều khả năng bé tử vong có thể do rối loạn chuyển hóa đường, hoặc có thể bị bệnh lý gì đó mà chưa phát hiện. “Chúng tôi không nghĩ tai biến do vitamin K1, vì ngày hôm đó vitamin này vẫn được tiêm bình thường cho những cháu khác nhưng không gặp vấn đề gì. Trung tâm cũng đã ngừng sử dụng vắc xin viêm gan B nên không có chuyện cháu bé này được tiêm vắc xin trên”, bà Nga nói.
“Không rõ nguyên nhân”
Cùng thời điểm tại Bình Thuận, Sở Y tế có báo cáo gửi UBND tỉnh kết luận ban đầu về trường hợp cháu bé tử vong ở KP.14, thị trấn Liên Hương, H.Tuy Phong. Báo cáo cũng cho biết, cháu bé ra đời 4 giờ sau thì được tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B. Từ khi tiêm đến khi bé tử vong không có triệu chứng gì biểu hiện của phản ứng sau tiêm chủng. Hồ sơ bệnh án của chị Võ Thị Thúy (27 tuổi, sinh con lần thứ 3) cũng không có dấu hiệu bất thường. Công tác điều dưỡng, chăm sóc được Bệnh viện Tuy Phong làm tốt. Dây chuyền bảo quản vắc xin đúng quy định. Từ đó, Sở Y tế đưa ra kết luận: “Trẻ sơ sinh tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân”.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, chị Võ Thị Thúy vẫn khẳng định: “Sau khi tiêm vắc xin vào đùi phải thì người cháu lạnh đi, tím tái”. Chị Thúy còn cho biết thêm: "Cho đến nay chưa có một người nào của ngành y tế đến hỏi han gì em. Em hỏi giấy ra viện và tiền viện phí thì các chị y tá bảo em không phải nộp tiền gì hết, đồng thời nói em đem cháu về chôn cất”. Trước đó, Trung tâm y tế dự phòng H.Tuy Phong cho biết lọ vắc xin tiêm cho con chị Thúy là lọ cuối cùng trong hộp có 9 lọ mang số sê ri của lô vắc xin ký hiệu 010212E (HSD 1.2015), do Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (Hà Nội) sản xuất.
Vẫn giữ nguyên mũi 24 giờ đầu sau sinh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều qua đã có cuộc họp với hai hội đồng: Tư vấn sử dụng vắc xin và Tư vấn đánh giá tai biến sau tiêm chủng. Các thành viên đã thảo luận và thống nhất lịch tiêm chủng vẫn giữ nguyên mũi 24 giờ đầu sau sinh.
Trao đổi sau cuộc họp, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua việc xảy ra các sai sót trong thực hành an toàn tiêm chủng tại Bệnh viện Hướng Hóa (Quảng Trị) cơ quan chuyên môn sẽ phải rút kinh nghiệm để tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường tập huấn về vấn đề này. Việc vi phạm an toàn tiêm chủng có thể gây tai biến nặng thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người được tiêm. TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, nói thêm: Các mẫu bệnh phẩm của 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị được xét nghiệm giúp tìm nguyên nhân của chùm tai biến với việc xác định chính xác mối nghi ngại “chất lạ” là nguyên nhân dẫn đến sốc, tử vong. Đặc biệt, ông Hiển cho rằng sẽ phải tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng chứ không chỉ là vấn đề tập huấn chuyên môn cấp chứng chỉ.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên về chỉ định tiêm vắc xin phòng viêm gan B, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết hầu hết các ca viêm gan B có thể được phòng ngừa kể cả khi trẻ do một người mẹ nhiễm vi rút viêm gan B sinh ra hoặc trong một khu vực đang có dịch (ở mức độ cao) với điều kiện nhận được sự chủng ngừa cần thiết ở thời điểm được đề nghị. Để ngăn chặn bệnh này WHO tiếp tục đề nghị: “Trẻ cần được tiêm mũi chủng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi sinh, và 3 mũi bổ sung sau đó trong vòng từ 1 - 15 tháng”.
Theo WHO, từ năm 1982, hơn 1 tỉ liều vắc xin viêm gan B đã được sử dụng trên toàn thế giới. Đã có 179 nước thành viên của WHO tiêm chủng cho trẻ sơ sinh phòng bệnh viêm gan B như là một phần của lịch trình tiêm chủng của mình.
Liên quan các phản ứng sau tiêm vắc xin viêm gan B, WHO tại Việt Nam cho biết đau nhức ở chỗ tiêm là tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo với cả người lớn và trẻ em. Hầu hết các tác dụng phụ của vắc xin là rất nhỏ và trong thời gian ngắn, ví dụ như đau hoặc đau nhức ở chỗ tiêm. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng từ vắc xin đã được báo cáo nhưng đây là sự kiện rất hiếm. Những rủi ro tiềm năng có liên quan đến viêm gan B là lớn hơn nhiều so với các rủi ro do vắc xin gây ra.
WHO bày tỏ sự quan tâm và theo dõi rất chặt chẽ về các ca tử vong và có hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Y tế Việt Nam trong điều tra làm rõ nguyên nhân. Cuộc điều tra xem xét một số khía cạnh, trong đó có sức khỏe của trẻ, các điều kiện tại bệnh viện, vắc xin chủng ngừa cũng như cách thức bảo quản vắc xin này.
Theo TNO