Cà gai leo: Đồn thổi và sự thực?
Nhiều tháng nay, có những tin đồn cà gai leo là thuốc quý chữa nhiều bệnh và xuất khẩu nên người dân ở Miền Trung săn lùng thu gom đến cạn kiệt. Vậy thực hư thế nào?
Nhiều tháng nay, có những tin đồn cà gai leo là thuốc quý chữa nhiều bệnh và xuất khẩu nên người dân ở Miền Trung săn lùng thu gom đến cạn kiệt. Vậy thực hư thế nào?
Cây cà gai leo (Solanum hainanense Solanaceae) được dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân chữa phong thấp, đau lưng, đau nhức xương, giảm đau; giải độc, giải rượu; tiêu đờm trừ ho; chữa bệnh gan; chữa rắn cắn. Không phải tất cả những kinh nghiệm này đều đã được chứng minh bằng y học hiện đại mà mới chỉ chứng minh một số trên phạm vi nghiên cứu.
Tác dụng thực của cà gai leo
Dưới đây xin điểm qua một vài công dụng của cà gai leo được quan tâm nhiều trong thời gian qua.
Về bệnh viêm gan do virút, viêm gan nhiễm mỡ, giải độc:
Từ năm 1997 đến nay có một số nghiên cứu, trong đó có hai luận văn tiến sĩ dược khoa, hai công trình nghiên cứu khoa học.
- Luận văn “Nghiên cứu lâm sàng tổn thương gan do tiếp xúc nghề nghiệp với TNT và tác dụng bảo vệ gan của cà gai leo trên thực nghiệm - 1997”, cho biết: “Dịch chiết toàn phần cà gai leo có tác dụng bảo vệ gan của chuột bị ảnh hưởng của chất độc TNT với vai trò: hạn chế tăng trọng lượng gan do nhiễm độc, ngăn chặn thoái hóa mỡ và sự chảy máu vi thể của nhu mô gan; làm giảm sự hủy hoại tế bào và tan rã nhu mô gan, do đó bảo tồn được cấu trúc nan hoa của tiểu thùy gan”.
- Luận văn “Nghiên cứu cà gai leo làm thuốc chống viêm gan và ức chế xơ gan - 2002” cho biết: “Dịch chiết toàn phần và hoạt chất glycoancaloid của cà gai leo làm giảm trọng lượng u trên mô hình u hạt thực nghiệm; làm giảm hàm lượng colagenase gan trên mô hình xơ gan thực nghiệm”.
Cả hai luận văn đều đưa ra các kết quả thu được trên mô hình thực nghiệm tức là trên các bệnh gan do ta gây ra cho chuột, chứ không phải là kết quả trên bệnh gan ở người bị. Từ kết quả trên mô hình thực nghiệm đến việc chuyển thành thuốc dùng cho người phải qua nhiều chặng nghiên cứu (có thể được hay không). Không nên hiểu lầm có thể dùng ngay các kết quả nghiên cứu đó cho người.
- Công trình cấp nhà nước do TS. Nguyễn Thị Minh Khai chủ nhiệm “Nghiên cứu thuốc từ cà gai leo chống viêm và ức chế sự phát triển xơ gan” cho biết: “Dịch chiết toàn phần và hoạt chất glycoancaloid có tác dụng bảo vệ gan ức chế sự phát triển xơ gan; có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa. Thử lâm sàng trên 60 người bệnh viêm gan B mạn đang hoạt động thấy kết quả điều trị ở nhóm dùng cà gai leo đạt mức tốt, rất tốt là 66,7%; trong khi ở nhóm chứng có tới 93,3% chỉ đạt mức trung bình và kém”.
- Công trình “Nghiên cứu điều trị hỗ trợ bệnh nhân viêm gan virút B mạn tính thể hoạt dộng bằng thuốc từ cà gai leo”, thực hiện 90 người bệnh tại 3 bệnh viện: 103 - 354 - 108. So sánh giữa nhóm dùng cà gai leo (mỗi ngày 6 viên 0,250, trong 2 tháng) với nhóm chứng không dùng thuốc (số liệu ghi theo kết quả từng bệnh viện) thấy kết quả đạt được: làm giảm nhanh các triệu chứng lâm sàng như: mệt mỏi, đau hạ sườn phải, nước tiểu vàng, da niêm mạc vàng. Transaminase, bilirubin trở về mức bình thường nhanh. Sau điều trị có sự biến đổi về dấu hiệu virút: mất HbsAg 5,6% (0% - 17% - 0%); chuyển đảo huyết thanh 37,8% ( 23,3% - 26,7% - 63,3%) HBV-DNA (bản sao /ml) 62,9% (40% - 6/7 bệnh nhân - 66,7%).
Như ta biết, các nhà y học có đề ra 5 tiêu chuẩn đánh giá kết quả thuốc điều trị viêm gan B:
- Virút viêm gan B phải giảm: nồng độ HBV-DNA lý tưởng là giảm đến mức không phát hiện được. Ví dụ: lúc đầu HBV-DNA là 200.000 bản sao/ 1ml máu, sau điều trị HBV-DNA chỉ còn 300 bản sao/1ml máu (tức chỉ còn 0,15% virút), coi như “sạch virút”. Chỉ số HBsAg phải âm tính.
- Enzyme gan (ALT) giảm: lý tưởng là ALT phải trở về mức bình thường.
Hình ảnh mô học của gan cải thiện: mô gan khi bị bệnh bị tàn phá, khi khỏi được phục hồi.
- Thời gian đạt mục tiêu: trong 1 năm đạt được mục tiêu trên được coi là tốt.
Sự kháng thuốc: thuốc bị kháng theo kiểu gen (genotopic resistance), có những gen không đáp ứng thuốc, biến đổi thành chủng kháng thuốc làm cho hiệu quả điều trị (sự ức chế virút) kém bền vững, tái phát bệnh.. Sau 5 năm, tỉ lệ kháng thấp, không tái phát được xem là tốt.
Các kết quả nghiên cứu thuốc đi từ cà gai leo có thể đi đến kết luận ban đầu là có tác dụng hỗ trợ cho việc điều trị viêm gan B nhưng không thể thay thế cho thuốc điều trị viêm gan B dạng hoạt động theo các tiêu chuẩn đánh giá trên. Mặt khác số lượng nghiên cứu quá ít (chỉ có 90 người), thời gian nghiên cứu lại ngắn (2 tháng) nên số liệu thu được chưa có sức thuyết phục cao (chênh lệch số liệu giữa các bệnh viện khá cao, chưa giải thích được, không thể lấy trị số trung bình để đánh giá).
Về tác dụng giải độc rượu:
Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi có ghi: “Người ta cho rằng trong khi uống rượu thỉnh thoảng xát răng bằng rễ cà gai leo sẽ đỡ say; nếu bị say, có thể uống nước sắc của rễ”. Sách của GS.TS. Đỗ Tất Lợi chỉ sưu tầm lại cách dùng trong nhân dân, chứ không có nghĩa là điều đó đã được chứng minh. Khi uống rượu nhiều thì trung tâm ức chế bị ức chế nên nói nhiều hoa chân múa tay đi đứng không thăng bằng lảo đảo; khi uống quá nhiều thì mọi trung tâm đều bị ức chế sẽ ngủ li bì. Các chất trong rễ cà gai có thể làm giảm một số biểu hiện của giai đoạn đầu, chứ không thể làm cho không say.
Về phòng chống ung thư:
Kinh nghiệm nhân dân không nói đến, cho tới nay cũng chưa công trình nghiên cứu nào về đề tài này. Luận văn tiến sĩ (2000) có thử tác động của cà gai leo trên gen virút gây ung thư và trên gen ức chế ung thư p53 và Rb nhưng không xác định là có tác dụng phòng chống ung thư.Gốc tự do làm hư hỏng DNA, một số trong các DNA hư hỏng sẽ sao chép nhanh, tạo ra các tế bào phát triển vô tổ chức được giả thiết là nguyên nhân gây ra ung thư. Do đó, các chất chống gốc tự do, chống oxy hóa (vitamin E, selen, betacaroten) được cho là có tiềm năng phòng chống ung thư (mặc dù chưa ghi nhận được hiệu quả lâm sàng). Các thực phẩm chức năng chứa chất chống oxy hóa thường ghi có công dụng phòng ngừa ung thư là theo cách suy luận này. Hoạt chất glycoancaloid trong cà gai leo có tính chống oxy hóa mạnh. Có lẽ do thế mà một số thực phẩm chức năng cà gai leo có ghi công dụng phòng ngừa kìm hãm sự phát triển của xơ gan, ung thư gan (vì cơ quan quản lý không đòi hỏi nhà sản xuất phải chứng minh hiệu quả lâm sàng).
Và không chỉ có cà gai leo
Các nước và ngay ở nước ta còn có nhiều dược liệu hỗ trợ điều trị viêm gan khác:
- Ngũ vị tử Bắc (Schizandra chinensis Balll Schizandraceae): Người Trung Hoa, Nga dùng quả cây ngũ vị Bắc làm thuốc tăng lực.Từ năm 1970, nghiên cứu thấy trong quả ngũ vị bắc có chất schisandrin-C có tính năng hỗ trợ trong nhiễm độc gan. Từ đó, tổng hợp ra chất tương tự như schisandrin -C là Biphenyl dimethyl dicarboxylat (BDD). Chất này hiện đang dùng hỗ trợ điều trị viêm gan. Nó có tác dụng thải trừ gốc tự do, ức chế quá trình peroxid mỡ, quá trình gắn các chất gây độc cho gan vào lipid, ổn định màng tế bào, từ đó mà ức chế sự hủy tế bào gan, tạo ra các cytochrom -P450 trong màng lưới nội bào, nhờ đó giúp cho việc khử độc của gan; tham gia vào quá trình tái tạo gan...
- Ngũ vị Nam (Schizandra sphenunthera Schizandraceae): là cây cùng họ cùng loài nhưng khác chi với ngũ vị Bắc. Mới dùng trong phạm vị nhân dân, chưa được nghiên cứu.
- Diệp hạ châu (Phylanthus urinariae Euphorbiaceae), còn gọi là cây chó đẻ răng cưa. Dùng lá. Tính năng chính: ức chế virút viêm gan B, làm giảm hay sạch kháng nguyên (HBsAg) của virút viêm gan B ngay trong điều trị viêm gan B cấp làm giảm enzyme gan, phục hồi chức năng gan, chống lại các tổn thương, bảo vệ gan, kích thích tế bào tăng sản xuất mật, thông mật gan (theo Đại học Dược Hà Nội -1994); có khả năng phục hồi rõ rệt tế bào gan bị hoại tử, góp phần rút ngắn thời gian tự khỏi bệnh (theo PGS.TS. Chu Quốc Trường Bệnh viện YHCTTW).
Theo đó, nước ta đã phối hợp diệp hạ châu với cỏ nhọ nồi, chua ngút sản xuất ra thuốc Livsin 94 VN; phối hợp với bồ bồ sản xuất ra thuốc Oralive; phối hợp với bồ bồ, rau má sản xuất ra Bobina. Ấn Độ cũng dùng một cây cùng loài khác chi với cây diệp hạ châu (Phylanthus amrus) phối hợp với cỏ nhọ nồi, xuyên tâm liên sản xuất ra thuốc Ayuria.
- Nhân trần Việt Nam ( Adenosma glutinosum Scrophulariaceae) Bồ bồ Adenosma capitatum Scrophulariaceae): Viện dược liệu Trung ương đã nghiên cứu hiệu quả hỗ trợ điều trị viêm gan và phối hợp hai cây này sản xuất ra thuốc Abivina .
- Biển súc còn gọi là rau đắng (Polygonum aviculare L. Polygonaceae) nhân dân dùng chữa bệnh hoàng đản, Actiso (cynara scolymus Compositae) có tính lợi mật: phối hợp hai cây này với bìm bìm biếc sản xuất ra thuốc BA R dùng hỗ trợ điều trị viêm gan, lợi mật chống
Trừ ngũ vị tử Bắc ra, các cây trên đều có ở nước ta. Như vậy, nguồn dược liệu và thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan chế từ dược liệu ở nước ta vô cùng phong phú, chứ không phải chỉ có cà gai leo.
Lời khuyên của thầy thuốc
Dù các nghiên cứu bước đầu có cho biết cà gai leo có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan, song cho đến nay sản phẩm đi từ cà gai leo chỉ mới được Bộ Y tế cho phép lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng. Trong khi đó, có nhiều dược liệu trong nước và ở nước khác đã được nghiên cứu và sản phẩm từ chúng đã được Bộ Y tế cho lưu hành dưới dạng thuốc. Không nên nghe đồn thổi cà gai leo là cây thuốc quý, thần dược, hơn hẳn các cây khác, rồi tự thu hái để tự chữa bệnh hay bán đến mức cạn kiệt. Điều này không lợi cho sức khỏe và môi trường sinh thái.
Theo SKDS