Chữa chàm bằng y học cổ truyền
Chàm (eczema) là tình trạng viêm da sẩn mụn nước do phản ứng với các tác nhân nội và ngoại sinh.
Trong giai đoạn cấp tính, chàm đặc trưng bởi hồng ban, phù do xuất tiết thanh dịch giữa các tế bào thượng bì và thâm nhiễm viêm ở lớp bì, chảy dịch, tạo nang và đóng vảy. Giai đoạn mạn tính có hiện tượng lichen hóa, dày sừng hoặc cả hai, bong da, tăng hoặc giảm sắc tố hay cả hai.
Viêm da dị ứng là thể thường gặp nhất của chàm. Việc điều trị chàm bằng Y học hiện đại cũng gặp nhiều khó khăn và đây là một bệnh rất hay tái phát, một số trường hợp kéo dài mãn tính điều trị không khỏi. Những trường hợp bị chàm mãn tính có thể được điều trị hiệu quả và an toàn bởi Y học cổ truyền phương Đông, cụ thể là dùng trà và châm cứu. Dùng trà có tên gọi erka shizheng cùng với tắm và châm cứu trong hơn 8 tháng đã làm giảm mức độ nặng của ngứa, đỏ da và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người viêm da nội tại (chàm) trong nghiên cứu tại Bệnh viện Mount Sinai (New York, Hoa Kỳ). 60% bệnh nhân được điều trị có cải thiện mức độ nặng của chàm sau hơn 3 tháng điều trị, dựa trên bảng phân loại tiêu chuẩn đo mức độ bệnh. Sau hơn 2 tháng rưỡi điều trị thì phỏng vấn bằng bảng câu hỏi cho kết quả 50% tăng chất lượng cuộc sống.
Hiện tại thì Tây y điều trị chàm bằng thuốc kháng viêm steroid, kháng sinh, kháng dị ứng trong 3 tháng. Dù kết quả điều trị bằng Y học cổ truyền phương Đông đạt được kết quả khả quan, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo việc điều trị bằng cách thức nào cũng do bác sĩ quyết định, bệnh nhân không tự ý điều trị dù thuốc Y học cổ truyền không gặp tác dụng phụ.
(Theo Thegioisuckhoe)