Thầy thuốc đến từ Đề án 1816 hiến máu cứu người bệnh
Nhiều cán bộ được cử tham gia Đề án 1816 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sự tin yêu, quý mến của nhân dân các địa phương.
Nhiều cán bộ được cử tham gia Đề án 1816 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sự tin yêu, quý mến của nhân dân các địa phương.
ThS. BS. Nguyễn Thanh Hồi. |
ThS.BS. Nguyễn Thanh Hồi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, thạc sĩ năm 2002, công tác tại Khoa Hô hấp BV Bạch Mai, được các giáo sư đầu ngành chăm lo đào tạo, có trình độ chuyên môn cao, được bổ túc sau đại học tại Nhật Bản và Úc. Anh đã tham gia tích cực các công tác chỉ đạo tuyến và Chương trình “Tăng cường cán bộ y tế về cơ sở công tác” do Bộ Y tế phát động trong những năm 2000 - 2005. Anh nhận thức được tầm quan trọng của Đề án 1816, đó là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đối với tuyến cơ sở. ThS. Hồi đã tình nguyện tham gia đợt đầu tiên và được BV phân công đến tăng cường Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ.
Ban lãnh đạo BV Bạch Mai rất coi trọng công tác này, có quy chế đảm bảo chế độ cho các cán bộ đi luân phiên về tinh thần và vật chất như cán bộ đang làm việc tại BV, có thêm phụ cấp lưu trú, tiền tàu xe về phép thăm nhà… tạo được sự yên tâm trong cán bộ. Mong muốn giúp được nhiều cho cơ sở, trước ngày lên đường, anh gọi điện cho BS. Hoàng Sĩ Hiền, Giám đốc BV Nghĩa Lộ để hiểu rõ tình hình và các yêu cầu cụ thể của các đồng nghiệp. Nơi anh sẽ đến là bệnh viện hạng 2, có 200 giường bệnh với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe 30.000 dân 3 huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái là Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Bệnh viện luôn ở trong tình trạng thiếu cán bộ, đặc biệt là bác sĩ sau đại học và các chuyên khoa. Anh chuẩn bị tài liệu, lập kế hoạch, chương trình đào tạo cho các đồng nghiệp, tất cả được thu gọn trong chiếc laptop mà anh mang theo.
Ngày lên đường, PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi - Phó Giám đốc BV Bạch Mai đã tiễn ThS. Hồi và đồng nghiệp là ThS. Phạm Việt Hà (Khoa Ngoại - BV Bạch Mai) lên tận BV Nghĩa Lộ. Ban Giám đốc BV Nghĩa Lộ rất cảm kích về sự trân trọng và thân tình này, hứa sẽ hết sức tạo điều kiện cho 2 bác sĩ trẻ làm việc tốt và sẽ tranh thủ tốt nhất mọi sự giúp đỡ của BV Bạch Mai trong việc được nhận cán bộ tăng cường này. Các cán bộ được bố trí nơi ăn và chốn ở ngay trong khuôn viên BV để thuận lợi khi làm việc.
Có về Nghĩa Lộ, các bác sĩ mới được tận mắt chứng kiến những khó khăn về sự thiếu thốn trang thiết bị hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị, cả bệnh viện chỉ có 1 máy chụp Xquang đã quá cũ, 1 máy xét nghiệm công thức máu, 1 máy xét nghiệm hóa sinh máu, các máy này thường xuyên trục trặc, các máy móc khác cũng trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng như: không có máy nội soi dạ dày, nội soi phế quản, toàn bệnh viện có 1 máy điện tim, 1 máy siêu âm... Bên cạnh đó, nhân lực cũng trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng: Khoa Nội – lĩnh vực chính của ThS. Hồi có biên chế 3 bác sĩ nhưng một bác sĩ đi học chuyên khoa I, do vậy còn lại 2 bác sĩ phải thay nhau trực và làm việc, phải gánh tất cả công việc của khoa phòng và trực bệnh phòng từ ngày này sang ngày khác. Các bác sĩ phải làm liên tục, hầu như không có ngày phép; thậm chí làm ngoài giờ cũng quá quy định rất nhiều. Để tận dụng khoảng thời gian và kinh nghiệm quý báu của ThS. Hồi, Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã sắp xếp cho ThS. Hồi công tác tại Khoa Hồi sức chống độc, nơi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nặng của bệnh viện. Mỗi khi có ca bệnh khó hoặc bệnh nhân nặng, cần làm các thủ thuật can thiệp, ThS. Hồi chủ động mời tất cả các bác sĩ từ các khoa Nội, Nhi xuống để cùng học tập, chia sẻ.
Tất cả bệnh nhân đến khám và chữa bệnh đều có thẻ BHYT của người nghèo. Ngoài phụ cấp trực, các thầy thuốc không có phụ cấp nào khác, không có thưởng ABC. BV không có phòng khám và điều trị theo yêu cầu. Thu nhập của các điều dưỡng, bác sĩ, hộ lý hoàn toàn trông cậy vào lương.
Bác sĩ Sa Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Các bác sĩ BV Bạch Mai cập nhật kiến thức cho chúng tôi không chỉ qua những ca bệnh trực tiếp điều trị mà còn cả bằng các buổi giảng bài ngay tại Hội trường bệnh viện. Chúng tôi tranh thủ tối đa mọi cơ hội để các bác sĩ Nghĩa Lộ được học tập, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm xử lý bệnh”. ThS. Hồi đã giảng 46 giờ lý thuyết và thực hành về 18 chuyên đề Cấp cứu Nội khoa cho 40 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Nghĩa Lộ và 4 bệnh viện huyện xung quanh. Có những kỹ thuật mà Nghĩa Lộ không làm được, anh vẫn giới thiệu các triệu chứng cụ thể để các y bác sĩ có thể phát hiện được bệnh, có những xử trí cần thiết.
Trong 3 tháng công tác, ThS. Hồi đã điều trị 120 lượt người bệnh, đã khám 40 lượt bệnh nhân và tham gia áp dụng kỹ thuật cao được 4 ca. Mỗi khi gặp bệnh khó, trường hợp bệnh hay, ThS. Hồi đều chụp lại phim Xquang của bệnh nhân, ngày hôm sau trình bày cho tất cả các bác sĩ cùng chia sẻ và rút kinh nghiệm trên chính các bệnh nhân của mình.
Một đêm vào khoảng 23h, khi các bác sĩ trực mời anh hội chẩn về một trường hợp mà họ cho rằng bệnh nhân bị tràn dịch màng tim. Khi đọc phim Xquang, anh chỉ rõ các hình ảnh bệnh nhân đã bị tràn dịch màng phổi thể trung thất (cạnh tim), sau đó chọc tháo dịch màng phổi, người bệnh dần dần hết triệu chứng khó thở.
Ngày 10/3/2009, Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Văn Hường, 13 tuổi, dân tộc Thái, ở bản Có, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn, trên đường đi học về bằng xe đạp, để tránh một con trâu đi ngang qua đường, em Hường bị vấp ngã, chiếc ghi-đông đã va đập mạnh vào thành bụng. Em ngã sấp, bất tỉnh ở ven đường, được dân đưa vào BV. Em Hường vào viện trong tình trạng sốc, mất máu cấp, huyết áp tụt, bụng trướng. Qua thăm khám, ThS. Hồi và bác sĩ trực chẩn đoán cháu bị vỡ gan. ThS. Hà (Khoa Ngoại - BV Bạch Mai) tiến hành mổ và xử trí ngay với sự phối hợp của BS. Quyền (BV Nghĩa Lộ) và các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Hồi sức chống độc và ThS. Hồi. Do bị mất máu nhiều, bệnh nhân đã được truyền máu lấy từ chính người bố và nguồn máu của Bệnh viện. Sau khoảng 90 phút, kíp mổ đã giải quyết được cầm máu cho bệnh nhân. Sau mấy ngày ở lại bệnh viện, sức khỏe ổn định, ra viện, trở về nhà 1 tuần, bệnh nhân Hường lại bị nôn máu, đi ngoài phân đen. Bệnh nhân được điều trị tiếp, máu ngừng chảy và sức khỏe ổn định. Khi Hường trở về nhà, mọi người vui mừng cho là em đã khỏi bệnh, theo lệ làng, gia đình phải mổ trâu, mổ lợn, dốc hết tiền của để lo cơm rượu, làm cỗ khao cho dân cả bản.
Một tuần sau đó, em lại bị nôn ra máu, đi ngoài phân đen, lần thứ 3 nhập viện, xét nghiệm huyết sắc tố chỉ có 40g /lít, tương đương 28,7% so với bình thường (140g/l), các bác sĩ chẩn đoán em bị chảy máu đường mật sau chấn thương và có chỉ định tiếp tục hồi sức cho bệnh nhân để chuyển về Hà Nội. Ban Giám đốc BV đa khoa khu vực Nghĩa Lộ tổ chức hội chẩn, kết hợp với ý kiến từ các chuyên gia của BV Bạch Mai đã đưa ra chẩn đoán xác định: bệnh nhân bị chảy máu đường mật, có thể điều trị khỏi được bằng phương pháp nút mạch gan tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Bạch Mai.
Vốn là một gia đình dân tộc Thái thuộc diện nghèo, đã phải vay nợ nhiều người để trải qua 2 lần lo toan chữa bệnh cho con, lại dốc tiền lo bữa cỗ rượu thịt khao cả bản, kinh tế đã kiệt quệ, gia đình đành phó mặc sinh mạng của đứa trẻ cho BV. Nếu BV không lo được thì gia đình xin đón bệnh nhân về nhà.
Giám đốc BV lại tổ chức họp giữa Ban Giám đốc Bệnh viện, các bác sĩ chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân và lãnh đạo trường nơi cháu Hường học tập, qua đó kêu gọi nhà trường phối hợp giúp đỡ. Sau đó trường đã vận động đông đảo cha mẹ và học sinh toàn trường ủng hộ 5 triệu đồng. Bệnh viện giúp đỡ cho xe ôtô cấp cứu và điều dưỡng viên đi hộ tống, nhưng gia đình phải lo tiền mua xăng cho xe ôtô khoảng 1,2 triệu đồng. Trước tình cảnh khó khăn của gia đình bệnh nhân, ThS. Hồi đã liên hệ với BSCKII. Lê Thị Vân Anh - Chủ tịch Công đoàn Khoa Hô hấp BV Bạch Mai đề nghị quỹ Từ thiện của Khoa hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân 1.200.000 đồng và cấp thêm 8 suất quà, mỗi suất 100 nghìn đồng cho bệnh nhân nghèo tại Nghĩa Lộ.
Phương hướng điều trị đã được xác định, cần chuyển gấp bệnh nhân về BV Bạch Mai. Nhưng bệnh nhân đã mất máu quá nặng, nếu chuyển ngay về Hà Nội thì nguy cơ tử vong trên đường là rất lớn. Cần phải tiếp máu cho bệnh nhân ít nhất là 1 đơn vị để đủ sức về đến BV Bạch Mai, nhưng BV không còn máu, huy động máu ở cộng đồng không thể được vì theo hủ tục mà đến giờ vẫn còn tồn tại của đồng bào dân tộc: “Nhỡ người nhận máu chết thì “con ma” sẽ bắt luôn người cho máu”, vậy là không ai dám cho máu.
ThS. Hồi và bệnh nhân Hoàng Văn Hường sau khi khỏi bệnh tại BV Nghĩa Lộ tháng 4 năm 2009. |
Không nỡ nhìn bệnh nhân đang tiến gần đến cái chết, ThS. Hồi quyết định lấy máu của mình (cùng nhóm O) tiếp cho bệnh nhân. Anh lặng lẽ đến gặp anh KTV. Hải - Khoa Xét nghiệm: “Anh Hải hãy chuẩn bị lấy máu của tôi truyền cho cháu”. Anh báo tin cho bố bệnh nhân làm giấy đồng ý tiếp nhận máu. Được máu của anh tiếp cho, bệnh nhân dần hồi tỉnh. Gia đình mừng rỡ cảm ơn bác sĩ, mang quà biếu (một nải chuối xanh và bịch sữa nước hiệu Cô gái Hà Lan), anh đã từ chối và nói gia đình mang những thứ đó đi Hà Nội theo bệnh nhân. Ngày hôm sau, lãnh đạo BV biết tin đã biểu dương ThS.Hồi trong buổi giao ban toàn bệnh viện.
Bệnh nhân đã được chuyển về BV Bạch Mai, Hà Nội và đã được cứu sống. Đến nay cháu đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Trong một cuộc giao lưu với độc giả báo điện tử Giadinh.net, ThS. Nguyễn Thanh Hồi nói: “Trong thời gian 3 tháng làm việc tại BV Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là tinh thần làm việc của các đồng nghiệp tại đây. Trong điều kiện rất thiếu thốn về trang thiết bị, nhân lực, xa bệnh viện Trung ương, điều kiện sống của các bác sĩ, cán bộ y tế còn rất khó khăn, các anh chị vẫn dồn sức, dồn tâm cho công việc cứu chữa bệnh nhân. Thời gian công tác tại BV đa khoa Nghĩa Lộ là một kỷ niệm đẹp trong đời tôi. Tôi vẫn liên lạc thường xuyên với các đồng nghiệp Nghĩa Lộ. Sự tin tưởng của các đồng nghiệp và bệnh nhân ở đây đã khích lệ tôi rất nhiều, vì thế, nếu có điều kiện và được phân công thì chắc chắn tôi sẽ lại tham gia các đợt công tác khác theo Đề án 1816”.