65 năm chiến sĩ áo trắng
Trong căn nhà nhỏ, không quá tồi tàn nhưng cũng chưa thể là sang trọng ở một ngách của phố Thái Thịnh (Hà Nội), PGS.TTƯT. Vũ Quang Bích đang làm việc. Ông đang chữa lại một bài báo trước khi chép lại sạch sẽ để gửi đi.
Trong căn nhà nhỏ, không quá tồi tàn nhưng cũng chưa thể là sang trọng ở một ngách của phố Thái Thịnh (Hà Nội), PGS.TTƯT. Vũ Quang Bích đang làm việc. Ông đang chữa lại một bài báo trước khi chép lại sạch sẽ để gửi đi. Trên bàn của ông là chồng bản thảo cao nghệu và những cuốn sách đã được NXB Y học ấn hành, nhiều cuốn được tái bản, có cuốn tái bản đến 6 lần, mỗi lần như thế đều được ông sửa chữa, bổ sung.
Cạnh ông, bác sĩ thiếu tá Đỗ Thị Chu Ngân đang lụi cụi pha cho chồng cốc cà phê tan. Cũng ngoại tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà Ngân giờ không còn được nhanh nhẹn hoạt bát như xưa nữa, nhưng với bà, cả một đời gần như phải sống xa nhau, nay được pha cho chồng cốc nước ở cái tuổi đám cưới vàng, thế cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc của những người cả cuộc đời phải chờ đợi, lo lắng vì nhau…
Trong một lần trò chuyện, PGS. Vũ Quang Bích từng nói: “Tôi còn sống ngày nào, còn làm việc theo yêu cầu của Đảng ngày ấy, vì chỉ có Đảng, tôi mới có ngày nay” mà yêu cầu của Đảng đối với ông, một người lính Cụ Hồ trên lĩnh vực y học là nghề y, là thương bệnh binh, nói rộng hơn, là những người bệnh. Và điều PGS. Vũ Quang Bích nói thật đúng. Đó không chỉ là tâm sự của riêng với ông, mà còn của nhiều người…
Vào những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, làm trinh sát trong Chi đội giải phóng quân tỉnh Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay), PGS. Vũ Quang Bích mới học dở dang sơ học bổ túc, tương đương lớp 6 ngày nay, chưa biết gì và cũng không ngờ đời mình sẽ gắn bó với nghề thầy thuốc. Nhưng rồi theo yêu cầu của kháng chiến, Vũ Quang Bích trở thành y tá của Quân y viện Thái Nguyên (cả Quân y viện có 8 người từ hộ lý đến viện trưởng) và bệnh viện của An toàn khu (ATK) tại huyện Định Hoá. Cùng với đà đi lên của cuộc kháng chiến, ông vừa công tác vừa học tập, cứ thế trưởng thành dần. Ông được cử đi học tại Trường Đệ tứ quân y Đại học Tây An ở Trung Quốc rồi tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Y Hà Nội. Cho đến đầu năm 1962, là bác sĩ Trưởng bộ môn Nội thần kinh Quân y viện 103.
Vào một ngày cuối năm 1965, BS. Vũ Quang Bích được triệu tập đi nhận nhiệm vụ mới. Trong cuộc họp rất bí mật hồi ấy, ông thấy có mặt một số đồng nghiệp. Ông đâu có ngờ rằng những bạn đồng nghiệp và cũng là đồng đội đó sẽ gắn bó với mình suốt 10 năm ở mặt trận Tây Nguyên, trong một bệnh viện chiến trường, lúc đầu có tên là 84 sau đổi thành 211 để ghi nhớ hai số đầu của hai quân y viện tuyến cuối là 103 và 108, lực lượng chủ yếu làm nên Bệnh viện 211 ngay từ ngày đầu. Bệnh viện 211 là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cùng của chiến trường B. nhiệm vụ chủ yếu là thu dung, điều trị thương bệnh binh chiến trường B.3, hạ Lào và Binh đoàn vận tải Trường Sơn 559.
PGS.TTƯT. Vũ Quang Bích. |
Nhận nhiệm vụ mới, tuy sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh, nhưng ông không khỏi ưu tư. Chiến trường tất nhiên là gian khổ, ác liệt nhưng có thể vượt qua, không đáng ngại. Điều đáng ngại nhất là có đủ điều kiện thuốc men, trang thiết bị để điều trị không? Nếu không đủ điều kiện, để bộ đội hy sinh nhiều thì lương tâm sẽ cắn rứt. Mình đi chiến trường, nhưng còn vợ yếu, con nhỏ, chiến tranh, bom đạn sẽ như thế nào? Vũ Quang Bích còn bị bệnh thoát vị bẹn (sa ruột), chỉ cần lao động nặng hay đi bộ nhiều là bệnh phát lộ. Khi khối ruột bị tắc nghẽn, nếu không được mổ cấp cứu trước 6 giờ, chết là chắc chắn. Ở chiến trường, nhất là trên đường hành quân, làm sao có điều kiện mổ kịp thời. Mà không mổ, sẽ hy sinh, giữa đường đứt gánh. Báo cáo cấp trên, sẽ được ở lại ngay, nhưng như thế thật có lỗi với biết bao người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, những người ở chiến trường đang nằm chờ được cứu sống. Hiểu được tâm tư của ông, BS. Đỗ Thị Chu Ngân không những không ngăn trở mà còn động viên chồng yên tâm ra đi. Thật xúc động khi ông biết sợ không đủ sức khoẻ nuôi con, bà đã nạo thai để chồng yên tâm đi chiến trường. Ngoài việc thu xếp gia đình, bà còn tìm vào tận nơi ông đeo ba lô gạch, chống gậy tập hành quân để động viên chồng. Ngày ông lên đường, biết được lịch của đoàn, bà đội mưa lên tận cầu Long Biên đưa tiễn. Xe ôtô phủ bạt kín, bà lại trùm áo mưa kín mít, hai vợ chồng không thấy nhau nhưng những kỷ niệm như thế không thể nào quên.
Đi hết Quảng Bình, đoàn cán bộ bệnh viện rẽ lên đường mòn Trường Sơn và sau đó là hơn một tháng đi bộ gian khổ để tới khu vực đóng quân ở vùng ngã ba biên giới huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đi bộ được vài ngày, bệnh thoát vị bẹn bắt đầu hành hạ, đi lại rất khó khăn. Vũ Quang Bích cố chịu đựng, lấy tay đẩy đoạn ruột bị sa xuống rồi băng chặt lại. Một tay đỡ băng, một tay chống gậy, cứ thế lê từng bước. Năm 1972, khi khối thoát vị sụt xuống quá to, có nguy cơ thắt nghẽn, ông mới chịu lên bàn mổ do GS.BS. Lê Cao Đài (chồng hoạ sĩ Giáng Hương), trực tiếp phẫu thuật. Đã thế, trên đường giao liên, ông lại bị thương do sụt hầm. Bị thương, bị bệnh, được gửi lại ở một binh trạm dọc đường, đó là điều kiện thuận lợi để có thể trở lại miền Bắc. Nhưng không, Vũ Quang Bích kiên quyết chữa khỏi bệnh để được đi tiếp vào chiến trường. Không những vậy, vừa tích cực chữa trị cho mình, Vũ Quang Bích còn tranh thủ chữa trị cho nhiều thương bệnh binh ở binh trạm. Thiếu thuốc men, bông băng, ông nhờ người rồi khi bệnh đỡ dần thì chính mình ngày ngày ra bãi khách xin về chữa cho anh em. Cảm phục trước quyết tâm ra chiến trường của ông, sau nhiều lần thuyết phục, đồng chí trạm trưởng đồng ý cho một chiến sĩ giao liên vừa dẫn đường vừa đeo hộ ba lô để ông chống đôi nạng cành cây tập tễnh đuổi theo đơn vị. Tới binh trạm nào ông cũng phải nài nỉ để được tiếp tục vào sâu, nhất định không chịu trở ra.
Vào đến bệnh viện, Vũ Quang Bích bắt tay vào điều trị bệnh nhân trong điều kiện vô cùng khó khăn. Thương bệnh binh đông, mỗi khoa khoảng 200 người, trải trên một địa bàn rộng, đi từ khoa này sang khoa khác phải mất một giờ đồng hồ. Đã thế, bình quân cứ 6 tháng lại phải chuyển địa điểm một lần, đột xuất thì ngắn hơn. Mỗi lần chuyển viện phải di chuyển thương binh, đào hầm, làm nhà nửa nổi nửa chìm, tổ chức đời sống rất vất vả. Không chỉ thế, ngoài công tác chuyên môn, cán bộ của viện còn phải phát nương, làm rẫy, vận chuyển lương thực, chống biệt kích, săn thú cải thiện bữa ăn cho thương bệnh binh và nhiều việc khác. Thiết bị, thuốc men của cả một bệnh viện lớn chở trên đoàn xe 50 chiếc bị đánh phá dọc đường gần hết. Thiếu đủ thứ, kể cả những đồ dùng tối thiểu như bơm tiêm, giấy bệnh án, giấy kê đơn… Một thời gian dài, phải dùng mo nang tre rừng làm phiếu xét nghiệm. Cái chết luôn rình rập, không chỉ bom đạn, thuốc độc hoá học mà từ rất nhiều nguyên nhân: nước lũ, cây đổ, thú dữ, bệnh tật, đói khát. Cái đói ở Tây Nguyên hành hạ cán bộ, chiến sĩ và cả thương bệnh binh. Thời gian đầu, bệnh viện của Trung ương, mọi chế độ, lương thực, thực phẩm đều từ miền Bắc chuyển vào nên càng khó khăn hơn. Đi lấy gạo xa mấy ngày đường, máy bay, biệt kích, thám báo, muỗi vắt, rắn đầy rừng. Nhiều người bị lạc rừng, bị thú dữ vồ, bị địch phục kích. Mưa dai dẳng 6 tháng liền. Sắn thối trong kho, sắn thối trên nương “tự túc” moi về, ngâm vào nước, bóp cho tan thành bột. Thứ nước lợn cợn bột sắn ấy nấu cháo cho người khoẻ. Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định sắn do viện tự trồng, mỗi đêm trực, một cán bộ được 3 lạng. Thương bệnh binh cũng ăn bánh làm từ thứ bột sắn chảy nhựa đã đen, bốc mùi chua loét ấy. Cuộc sống gian khổ này của cán bộ, chiến sĩ đã được GS.BS. Lê Cao Đài, nguyên Viện trưởng Quân y Viện 211 mô tả kỹ trong cuốn hồi kỳ Tây Nguyên ngày ấy của ông. BS. Vũ Quang Bích tham gia làm lán, tải gạo, đào hầm, điều trị cùng anh chị em trong khoa. Bệnh thần kinh biểu hiện rất phức tạp, đau mà như không đau hoặc ngược lại không bệnh mà như có bệnh. Bệnh nhân từ các mặt trận chuyển về, có người chữa được, có người vết thương vào cột sống, vào não đành bó tay nhìn đồng đội hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Mùa chiến dịch, có ngày bệnh viện thu dung tới 1.600 bệnh nhân, phải làm thêm lán, thêm giường, cán bộ viện sống cùng người bệnh. Có đêm B.52 rải bom, phải sơ tán gấp một đêm hàng trăm người trong khi BS. Vũ Quang Bích đang bị thương gãy 2 xương sườn bên phải. Lệnh di chuyển gấp, thương binh nặng nhiều, cáng không đủ, là Phó giám đốc bệnh viện nhưng ông kiên quyết chống gậy đi bộ theo anh em, dành cáng cho thương binh. Di chứng lệch xương do “can hoá xấu” còn đến bây giờ. Ông cũng là người hứng chịu 4 lần địch rải chất độc hoá học, bị phơi nhiễm chất độc dioxin theo kết quả xét nghiệm labô CHLB Đức, được xếp hạng thương binh 4/4, hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Trong điều kiện vô cùng gian khổ của chiến trường, noi gương những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, Vũ Quang Bích vừa tận tụy với công tác quản lý, công tác điều trị, vừa tiếp tục nghiên cứu khoa học, nhất là những vấn đề liên quan đến chuyên khoa nội thần kinh của ông. Bệnh tâm thần, bệnh đau đầu, bệnh đau nửa đầu, bệnh đốt sống cổ, bệnh đau thắt lưng… của thương bệnh binh sau này đã được ông tổng kết trở thành những đề tài nghiên cứu được công nhận rộng rãi. Cuối năm 1966 xuất hiện bệnh dịch, nhiều người khoẻ mạnh, kể cả cán bộ, chiến sĩ bệnh viện đột ngột gục xuống chết. Vũ Quang Bích mày mò nghiên cứu, phát hiện nguyên nhân do thiếu vitamin B1 vì thiếu đói, ăn gạo ẩm mốc, thiếu rau xanh. Ông đã điều trị các bệnh này bằng cách cho tiêm vitamin B1, dập tắt được dịch. Kinh nghiệm này được phổ biến rộng rãi. Bộ tư lệnh mặt trận phát động phong trào trồng rau xanh và cho uống vitamin B1 dự phòng trong bộ đội toàn mặt trận. Từ bệnh dịch trên và những trường hợp bộ đội phù toàn thân, không mặc được quần áo hoặc bộ đội đến bệnh viện, chân tay đều bị liệt, ông nghiên cứu, tổng kết thành các đề tài có ứng dụng thực tế cao như phòng chống phù nề toàn thân, phòng chống liệt đa dây thần kinh, chống phù tim gây đột tử. Các công trình này (trong đó có bệnh phù tim lần đầu tiên có trong y văn Việt Nam) đã được công bố trong Kỷ yếu công trình khoa học của quân y Tây Nguyên. Ông cũng là người xây dựng phác đồ điều trị bệnh tâm thần do sốt rét, điều trị to dây thần kinh hông bằng tiêm B12 ngoài màng cứng cột sống…
Chiến trường đã gian khổ, chiến trường Tây Nguyên càng thiếu thốn, gian khổ hơn. Nhưng gian khổ, thiếu thốn đó không làm ông thoái chí. Có lần ra Bắc công tác, xong công việc, ông lại trở vào. Năm 1974, thấy ông yếu quá, cấp trên định giữ ông lại bồi bổ thêm sức khoẻ nhưng ông kiên quyết xin trở lại chiến trường. Lần ấy, vừa trở lại đơn vị, Vũ Quang Bích được nhận trọng trách chỉ huy quân y mặt trận Tây Nguyên. Trong Chiến dịch mùa xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với nhiệm vụ chỉ huy quân y, ông cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn…
Sau 50 năm tròn trong quân ngũ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một bác sĩ, một cán bộ khoa học, cán bộ quản lý ở hai đơn vị đều là Anh hùng Lực lượng vũ trang (Bệnh viện 211 và Bệnh viện 103), góp phần đào tạo hàng chục học trò thành danh trong nghề, hàng trăm học trò trở thành những thầy thuốc tốt, tháng 7/1995, PGS.TTƯT. Vũ Quang Bích nghỉ hưu nhưng từ đó cho tới nay, chưa một lúc nào ông nghỉ nghề. Ông tiếp tục chữa bệnh, tư vấn chuyên môn cho nhiều thầy thuốc, thành viên Hội Thần kinh Việt Nam, nghĩa là nghỉ hưu chỉ là quy định hành chính đối với vị Đại tá vượt khung Vũ Quang Bích còn thầy thuốc Vũ Quang Bích thì chưa khi nào nghỉ, ngay cả khi ông phải nằm trên giường bệnh. Nhưng cần nói ngay, thầy thuốc Vũ Quang Bích chữa bệnh, tư vấn, truyền bá kiến thức tự phòng bệnh, chữa bệnh ở Hội chữ thập đỏ, Hội người cao tuổi phường đều miễn phí. Một chuyên gia đầu ngành thần kinh học như ông, cả nước hiện chỉ còn một hai người. Bởi thế, chỉ cần đứng tên khám chữa bệnh ở một bệnh viện tư nhân nào đó, ông có thể có cả trăm triệu đồng lương phần cứng mỗi tháng, chưa kể bằng hoặc hơn nhiều lần số tiền ấy nữa cho phần hoa hồng từ công việc hằng ngày. Nhưng không. Vượt qua nỗi đau bệnh tật, tuổi già của mình và cả sự thiếu thốn vật chất nữa, thầy thuốc Vũ Quang Bích vẫn điều trị không lấy tiền với ý thức giảm bớt phần đau khổ cho những người bệnh. Mấy năm gần đây, tuổi đã 85, ông gần như chuyển hẳn sang viết sách, viết báo. Theo ông, khám chữa bệnh, có thể trực tiếp cứu sống người còn viết sách, viết báo là gián tiếp cứu người, số người được cứu có khi nhiều hơn cả chữa trực tiếp. Chính vì thế, ông rất có trách nhiệm với từng mẩu thông tin, từng trang sách viết ra. Ông đã in 14 đầu sách chuyên khảo ở NXB Y học tổng cộng 6.000 trang, có cuốn 500 trang và 94 bài báo chỉ tính đến hết năm 2009 trên tờ Sức khỏe&Đời sống, tờ báo chuyên ngành y dược của Bộ Y tế, chưa kể trên các sách, báo khác ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc và một số tạp chí sau cả cuộc đời điều trị, cứu sống hàng nghìn người bệnh. Làm thầy thuốc phải giữ y đức - ông nói - mà y đức quan trọng nhất là vì người bệnh. Người ta có bệnh mới tìm đến thầy thuốc, mình bớt đau khổ cho họ chút nào hay chút ấy.
Có được nhiệt tình làm việc, trí minh mẫn và y đức trong sáng ấy, cùng với sự giáo dục, rèn luyện của Đảng và quân đội, còn phải kể đến những cố gắng không ngừng của người thầy thuốc, người trí thức yêu nước Vũ Quang Bích. Ấn tượng nhất với tôi là chuyện học ngoại ngữ của ông. Từ những năm ở Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp, khi còn là y sĩ, rảnh công việc là ông tự học ngoại ngữ. Học tiếng Pháp qua tờ Nước Pháp buổi chiều thỉnh thoảng lọt lên chiến khu. Học tiếng Nga qua tiếng Pháp… Những ngoại ngữ này đã giúp ông rất nhiều trên con đường khoa học sau này. Chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ. Là anh em họ, đôi khi tôi vẫn có dịp trò chuyện với ông mà câu chuyện thích nhất với một người gặp nhỉều khó khăn khi học ngoại ngữ như tôi là làm thế nào để học giỏi tiếng nước ngoài. Nghe tôi hỏi, ông thủ thỉ: “Chú nhìn xấp giấy đây (xấp giấy dày mấy chục tờ, mỗi tờ nhỏ hơn tờ giấy cuốn thuốc lá một chút), mỗi tờ là một từ tiếng Nga hoặc tiếng Đức, mặt sau là nghĩa tiếng Việt. Đi đâu anh cũng mang nó theo. Mỗi ngày phải thuộc một xấp, khoảng 20 từ. Hôm sau tự kiểm tra, từ nào quên rút ra để riêng. Cuối tuần những từ quên đó lại xếp thành một xấp, đó là nhiệm vụ của ngày chủ nhật”. Cứ học đêm học ngày như thế, trong bữa ăn và cả lúc trên tàu điện, chỉ mấy tháng, ông đã có vốn từ đủ để đi Đức làm thực tập sinh. Câu chuyện đã cách đây hơn 30 năm và những chuyện như thế ở PGS. Vũ Quang Bích rất nhiều. Trong con mắt tôi, cách mạng đã đổi đời cho Vũ Quang Bích, nhưng nếu không có một ý chí thép, tự học, tự vượt lên mình và tình yêu thương như ruột thịt với người bệnh thì cũng khó có một thầy thuốc ưu tú, một chuyên gia cỡ hàng đầu của ngành nội thần kinh nước ta như ông hiện nay.
Những ngày này, dù đi từ phòng làm việc xuống phòng khách đã khó khăn nhưng trong câu chuyện của ông và bà Đỗ Thị Chu Ngân, tuyệt nhiên không có bóng dáng của tuổi già, sức yếu. Ông bà vẫn nói về niềm vui sau khi tư vấn thành công (tất nhiên là miễn phí) cho một bệnh nhân vào đúng dịp tết vừa qua; về một bài báo mới hoàn thành; về việc vừa gửi xong tài liệu cho một cuốn sách về gương người thầy thuốc Cụ Hồ của một đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế; về một cuốn kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học của Cục Quân Y; về bài báo người tốt - việc tốt thứ 8 viết về bà Ngân sắp đăng…
Hà Nội, 28/9/2010