Viêm mũi cấp và mạn tính
Viêm mũi là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu tình trạng viêm dưới 4 tuần người ta gọi đó là viêm mũi cấp, thời gian trên 12 tuần thì viêm mũi được gọi là mạn tính.
Viêm mũi là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu tình trạng viêm dưới 4 tuần người ta gọi đó là viêm mũi cấp, thời gian trên 12 tuần thì viêm mũi được gọi là mạn tính. Còn nếu các biểu hiện bệnh lý nằm trong khoảng thời gian giữa gọi là viêm mũi bán cấp.
Chức năng của mũi
Mũi là cửa ngõ của đường thở, không khí vào phổi phải đi qua mũi, chính vì thế mà mũi có cấu tạo cũng đặc biệt để thích ứng với nhiệm vụ đó. Niêm mạc mũi là niêm mạc đường hô hấp với các tế bào biểu mô có lông chuyển và các tuyến chế tiết nhầy. Hốc mũi cấu tạo như đèn xếp để làm tăng diện tích tiếp xúc của không khí qua niêm mạc mũi. Mũi đảm nhiệm ba chức năng: thở - ngửi và phát âm.
Chức năng thở được thực hiện nhờ vai trò làm ấm qua hệ thống hồ mạch tạo nên cuốn dưới (khi đi qua hốc mũi nhiệt độ không khí lên 33°C trước khi vào phổi, với nhiệt độ này không khí không kích thích niêm mạc đường hô hấp đặc biệt là các phế nang), làm ẩm và làm sạch nhờ hệ thống chất nhầy trên bề mặt niêm mạc mũi, trong lớp chất nhày có các tế bào lympho, các đại thực bào…có nhiệm vụ bắt giữ bụi, vi khuẩn…tạo thành rỉ mũi bám ở ngay cửa mũi trước hay được vận chuyển ra phía cửa mũi sau.
Chức năng ngửi vận hành bằng dây thần kinh khứu giác (dây số 1), nằm ở tầng trên của mũi, phân nhánh lan tỏa thành một vùng làm cho niêm mạc vùng đó có màu vàng nhạt gọi là bớt khứu giác.
Mũi cũng đóng vai trò cộng hưởng và phân tiết một số âm mũi như B, D, P nên nếu ngạt mũi bệnh nhân sẽ khó phát âm được những âm này.
Viêm mũi cấp
Viêm mũi cấp rất hay gặp trong mùa lạnh và cùng với viêm họng. Bệnh dễ lây thành dịch khi tiếp xúc qua đường nước bọt hay dịch mũi.
Khi quá trình bảo vệ trước các tấn công từ bên ngoài vượt quá sức chịu đựng có thể của hệ thống phòng ngự, mũi sẽ bị viêm cấp biểu hiện bằng các triệu chứng:
Sốt 38-40°C, người bệnh đau mỏi người, đau hai bên thái dương. Ngạt tắc mũi kèm theo triệu chứng chảy mũi, lúc đầu nước mũi trong, sau đó vàng xanh kèm theo hắt hơi từng cái hoặc cả tràng. Bệnh nhân cảm giác giảm hoặc mất ngửi nên ăn uống thường không ngon miệng. Khám thấy niêm mạc mũi đỏ, cuốn dưới quá phát, dịch dọc theo sàn mũi hoặc cả khe giữa.
Nếu dịch nhiều chảy ra cửa mũi sau xuống họng có thể làm bệnh nhân ù tai, ho.
Nguyên nhân gây viêm mũi thường là do virus (chiếm 60 - 80% các nguyên nhân gây bệnh). Một số trường hợp viêm mũi do vi khuẩn: thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu, nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A (khoảng 20%). Rất hiếm khi gặp viêm mũi cấp do nấm. Một số yếu tố thuận lợi gây viêm mũi như cơ địa tạng tân, những người tiếp xúc với các yếu tố vật lý hóa học độc hại, làm việc trong môi trường bụi bẩn…
Viêm mũi mạn tính
Viêm mũi mạn tính lại gặp quanh năm, nhất là những người có cơ địa dị ứng hoặc do viêm mũi cấp không điều trị làm biến đổi mô học trong các tế bào biểu mô của niêm mạc mũi dưới ba hình thái là xuất tiết, quá phát và teo.
Viêm mũi mạn tính ít ảnh hưởng tới toàn trạng trừ trẻ em do thiếu không khí, trẻ có thể bị bộ mặt V.A, biểu hiện qua các dấu hiện như da xanh, miệng há, môi trên bị kéo xếch lên để lộ răng cửa vẩu, răng hay mọc lệch, môi dưới dài, thõng, đôi mắt mở to, trẻ có vẻ ngây ngô.
Triệu chứng hay gặp trong viêm mũi mạn tính là ngạt tắc mũi kéo dài, ngạt có thể hoàn toàn hoặc không hoàn toàn tùy mức độ thoái hóa của cuốn mũi dưới. Chảy nước mũi từng đợt, màu sắc và mức độ khác nhau, dịch mũi có thể trắng đục, vàng xanh hoặc màu gỉ sắt. Giảm ngửi là biểu hiện thường gặp, mất ngửi gặp ở những bệnh nhân niêm mạc tầng ngửi đã bị thoái hóa hình thành polip cản trở tiếp xúc của dây thần kinh khứu giác với không khí để cảm nhận mùi.
Ho hung hắng thường xuyên do dịch mũi chảy xuống họng kích thích phản xạ ho bảo vệ phổi của cơ thể, ho thường có đờm, màu đờm giống với dịch mũi.
Khám niêm mạc mũi nhợt màu, thoái hóa, đôi khi khe giữa thoái hóa thành gờ Kauffman giống như polip. Sàn mũi nhiều dịch, đuôi cuốn dưới thoái hóa như quả dâu – chính sự thoái hóa của cuốn dưới này ảnh hưởng tới triệu chứng ngạt mũi của người bệnh.
Viêm mũi mạn tính có một thể đặc biệt là trĩ mũi. Người bệnh thường cảm giác có mùi thối từ trong hốc mũi, cảm giác ngạt tắc mũi, thỉnh thoảng xì ra mủ vàng rất hôi. Khám thấy niêm mạc mũi teo đét, hốc mũi rộng nhưng rất nhiều vẩy, dễ bóc, có mùi thối.
Chẩn đoán viêm mũi không khó chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng như ngạt tắc mũi, chảy mũi, hắt hơi, mất ngửi và khi thăm khám có những biến đổi của niêm mạc cũng như các cấu trúc nằm trong hốc mũi.
Điều trị
Viêm mũi nên điều trị sớm vì nếu điều trị không đúng phương pháp và không kịp thời viêm mũi rất dễ chuyển thành viêm xoang.
Với viêm mũi cấp tính
Điều trị toàn thân: sử dụng kháng sinh khi chẩn đoán viêm mũi cấp do vi khuẩn; dùng thuốc chống viêm, hạ sốt, giảm đau; thuốc chống phù nề.
Điều trị tại chỗ: sử dụng các thuốc chống xung huyết, co mạch; thuốc kháng sinh; thuốc làm săn khô niêm mạc mũi.
Với viêm mũi mạn tính
Điều trị nội khoa: là biện pháp chính. Dùng các thuốc chống viêm steroid dạng xịt; Sử dụng các thuốc co mạch hợp lý, tốt nhất là phải có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng nhằm tránh viêm mũi do thuốc (tức là sử dụng các thuốc tại chỗ điều trị mũi không đúng, nhất là các thuốc co mạch). Trường hợp trĩ mũi, người thầy thuốc sử dụng vitamine D kéo dài 3 – 4 tuần, một số thuốc mỡ chống viêm cho niêm mạc mũi.
Điều trị ngoại khoa thực hiện hỗ trợ trong một vài trường hợp như chỉnh hình cuốn dưới nếu viêm mũi quá phát cuốn, chỉnh hình vách ngăn nếu có dị hình vách ngăn.
Theo SKDS