10 cách phòng biến chứng đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính nặng, có rất nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Vì vậy, việc phòng ngừa sự xuất hiện và hạn chế tiến triển của các biến chứng này là cực kỳ quan trọng...
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính nặng, có rất nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Vì vậy, việc phòng ngừa sự xuất hiện và hạn chế tiến triển của các biến chứng này là cực kỳ quan trọng, trong đó bản thân người bệnh ĐTĐ có thể làm được rất nhiều việc. Sau đây là 10 biện pháp cơ bản để phòng ngừa các biến chứng của bệnh ĐTĐ.
1. Cam kết điều trị tốt bệnh ĐTĐ
Trong quá trình điều trị, người bệnh ĐTĐ sẽ thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của những nhân viên y tế có tham gia điều trị bệnh ĐTĐ cho họ như bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng... Tuy nhiên, bạn cần biết không ai ngoài bạn là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc bệnh của mình.
Vì vậy hãy cố gắng học hỏi tất cả những kiến thức về bệnh ĐTĐ để điều trị bệnh ĐTĐ tốt hơn như: thực hiện chế độ ăn lành mạnh và tích cực tập thể dục, theo dõi đường máu thường xuyên và tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc để kiểm soát được đường máu trong ngưỡng an toàn. Bạn cũng không nên quá lo lắng về bệnh ĐTĐ vì đã có nhiều nghiên cứu chứng minh kiểm soát tốt đường máu có thể làm giảm tới 1/3-1/2 các biến chứng ĐTĐ.
2. Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rất lớn gây các biến chứng tim mạch, mắt, thận và thần kinh... vì vậy bệnh nhân (BN) ĐTĐ hút thuốc lá cần bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Theo thống kê của Hội ĐTĐ Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở những BN hút thuốc lá cao gấp 3 lần các BN không hút thuốc lá. Hiện có một số loại thuốc giúp cai thuốc lá rất hiệu quả như champix...
3. Kiểm soát tốt huyết áp và mỡ máu
Khoảng 60 - 70% BN ĐTĐ có tăng huyết áp và gần 100% BN có rối loạn mỡ máu. Giống như đường máu cao, tăng huyết áp có thể gây tổn thương nghiêm trọng các mạch máu trong cơ thể, còn rối loạn mỡ máu là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch. Hậu quả là làm gia tăng các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ cũng như các biến chứng mắt, thận... ở BN ĐTĐ.
Để kiểm soát tốt huyết áp và mỡ máu cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục đều, nhưng ở đa số các BN đều cần dùng thuốc làm giảm huyết áp và mỡ máu.
4. Có kế hoạch đi khám bệnh và khám mắt định kỳ
Đo đường máu thường xuyên không có nghĩa là thay thế được cho khám sức khỏe định kỳ. Khi khám sức khỏe, thầy thuốc sẽ kiểm tra toàn bộ các biến chứng của ĐTĐ, bao gồm các dấu hiệu của tổn thương thận, thần kinh và bệnh tim mạch... Còn bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ kiểm tra để phát hiện các dấu hiệu của tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh và glaucoma.
5. Tiêm vắc-xin phòng bệnh
Đường máu cao sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch trong cơ thể, vì vậy nhiều BN ĐTĐ cần tiên vắc-xin để phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng như:
Vắc-xin cúm: tiêm vắc-xin cúm hàng năm có thể giúp tránh bị các loại cúm mùa, cũng như phòng ngừa các biến chứng nặng của cúm.
Vắc-xin viêm phổi: rất cần cho BN ĐTĐ có nhiều biến chứng hoặc BN trên 65 tuổi.
Các loại vắc-xin khác, trong đó rất cần tiêm vắc-xin phòng viêm gan B.
6. Chăm sóc răng miệng
BN ĐTĐ dễ bị viêm lợi nhiễm khuẩn, vì thế cần đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, làm sạch kẽ răng một lần mỗi ngày và có kế hoạch đi khám nha sĩ ít nhất 2 lần mỗi năm. Cần đi khám nha sĩ ngay nếu thấy bị chảy máu lợi hoặc sưng lợi.
7. Chăm sóc bàn chân
Đường máu cao có thể gây tổn thương các dây thần kinh ở chân và làm giảm dòng máu đến chân. Vì vậy nếu không được phát hiện sớm và điều trị tốt thì các vết loét, phồng rộp ở bàn chân sẽ dễ bị nhiễm trùng nặng và BN có thể bị cắt cụt chân. Để ngăn ngừa nguy cơ này cần: rửa chân hàng ngày bằng nước ấm; lau khô bàn chân nhẹ nhàng, đặc biệt là kẽ giữa các ngón; dưỡng ẩm các ngón chân và bàn chân bằng kem; hàng ngày phải kiểm tra bàn chân xem có bị loét, chảy máu, chai chân hay phồng rộp không. Nếu phát hiện có bất cứ tổn thương nào ở bàn chân thì phải đi khám ngay, không được tự điều trị.
8. Uống aspirin hàng ngày
Aspirin là thuốc làm giảm đông máu, ngăn ngừa tắc mạch nên có tác dụng làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tuy còn một số tranh cãi nhưng aspirin được khuyến cáo dùng hàng ngày cho hầu hết các BN ĐTĐ. Liều dùng aspirin sẽ do bác sĩ quyết định.
9. Uống rượu vừa phải
Uống rượu có thể làm giảm đường máu. Người bệnh ĐTĐ uống nhiều rượu thường hay quên uống thuốc ĐTĐ. Vì vậy, BN ĐTĐ chỉ nên uống rượu vừa phải và tốt nhất là phải ăn trước khi uống rượu.
10. Tránh stress
Nếu bạn bị stress, bạn sẽ rất hay quên thực hiện chế độ uống thuốc và điều trị bệnh ĐTĐ hàng ngày. Stress còn làm tăng tiết nhiều hormon trong cơ thể, nó làm giảm tác dụng của insulin, hậu quả là tăng đường máu. Vì vậy hãy học cách kiểm soát, giảm thiểu stress, lập kế hoạch làm việc, trong đó ưu tiên những việc quan trọng như điều trị bệnh ĐTĐ. Hãy thư giãn và ngủ nhiều hơn để chống lại stress.
Theo SKDS