Mùa lạnh phòng viêm họng mạn tính tái phát
Viêm họng mạn tính là viêm niêm mạc họng. Người bệnh thường cảm thấy khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng nhất là khi ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng mùa đông khí hậu lạnh khiến tỷ lệ mắc bệnh gia tăng và tái phát.
Viêm họng mạn tính là viêm niêm mạc họng. Người bệnh thường cảm thấy khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng nhất là khi ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng mùa đông khí hậu lạnh khiến tỷ lệ mắc bệnh gia tăng và tái phát.
Nhiều nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm họng mạn tính trong đó nguyên nhân hay gặp là do người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn tái phát của vùng mũi họng: như viêm mũi mạn tính, viêm xoang… khi đó dịch nhầy xuất tiết luôn chảy xuống họng gây nhiễm khuẩn họng. Ngoài ra, những bệnh lý như: Viêm amidan mạn tính và nhiễm trùng răng lợi cũng là nguyên nhân gây viêm họng mạn tính và gây nên thường xuyên đau họng. Một số người do mắc bệnh như: Tắc mũi do polyp mũi, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, quá phát cuốn mũi, vẹo vách ngăn mũi hoặc u vùng mũi; tắc ở vùng vòm họng do u vòm hoặc VA quá phát; do vẩu răng, làm môi khép không kín khiến cho không khí thở trực tiếp vào miệng không qua mũi sẽ không được lọc sạch bụi bẩn, đồng thời không được làm ấm, làm ẩm nên rất dễ làm nhiễm khuẩn họng.
Khi bị viêm họng cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.
Ngoài ra, bệnh thường do một số người hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thức ăn cay nóng nhiều hoặc tiếp xúc với môi trường bẩn hoặc các chất kích thích của khói công nghiệp cũng gây viêm họng mạn tính.
Tiến triển và biến chứng
Khác với các bệnh viêm họng thông thường, bệnh viêm họng mạn tính thường không có triệu chứng điển hình rõ ràng để nhận biết mà chỉ là những biểu hiện chung chung như cảm giác ngứa tại cổ họng, hay là cảm giác vướng trong họng khi nuốt hay họng bị khô rát, khó chịu lâu ngày.Viêm họng mạn tính tiến triển theo 4 giai đoạn. Giai đoạn sung huyết đơn thuần khi đó niêm mạc họng đỏ, nổi nhiều tia mao mạch máu; giai đoạn xuất tiết: Thành sau họng có tăng xuất tiết nhầy, trong, hơi dính vào niêm mạc, chảy từ vòm xuống hạ họng, tạm thời mất đi khi bệnh nhân nuốt. Niêm mạc họng cũng đỏ và nổi nhiều tia mao mạch máu; Giai đoạn quá phát: Nếu không được điều trị thì niêm mạc họng đỏ và dày lên. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng phát triển mạnh, quá phát thành từng đám to nhỏ không đều, màu hồng hoặc đỏ. Có khi tập trung thành một dải gồ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau của amidan trông như một trụ sau thứ hai gọi là “trụ giả”. Thể này gọi là viêm họng hạt. Ở giai đoạn sau, niêm mạc họng teo dần, khiến niêm mạc họng từ đỏ thẫm biến thành màu hồng rồi nhợt nhạt, khô và đọng những vảy mỏng, vàng, khô bám vào từng chỗ. Viêm họng teo thường là viêm họng do nghề nghiệp hoặc ở người cao tuổi hoặc ở những người trĩ mũi.
Bên cạnh đó, viêm họng mạn tính cũng thường đưa đến viêm thanh quản mạn tính, viêm thanh-khí phế quản mạn tính... hoặc các đợt viêm cấp như viêm amiđan cấp tính, áp xe amiđan... gây nên suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do phải luôn khạc nhổ, nhất là ban đêm.
Cần tuân thủ nguyên tắc điều trị
Để bệnh diễn tiến tốt hơn, bệnh nhân viêm họng mạn tính cần điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây viêm họng như viêm mũi, viêm xoang, viêm A, viêm VA nếu có.
Viêm họng mạn tính nếu không điều trị tích cực và kiên trì sẽ rất khó khỏi. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự động mua thuốc để chữa bệnh cho mình và người nhà.
Ngoài ra bệnh nhân cần ăn loại thức ăn nên dùng loại mềm, nhuyễn, dễ nuốt. Cần ăn thêm rau, trái cây. Cần phải nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Cần vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối nhạt hằng ngày, có thể ngậm chanh với muối; gừng với muối; quất với đường phèn hoặc mật ong…
Đối với người bệnh hay tái phát cần tránh dùng các kích thích như hút thuốc lá, uống rượu, đồ ăn cay. Nên đeo khẩu trang bảo hộ khi tiếp xúc với bụi và hóa chất. Tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng. Bệnh nhân cần có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nên uống nước ấm, bổ sung thêm vitamin C, A, D.
Theo SKDS