Ðau loạn dưỡng do thần kinh giao cảm
Hội chứng đau loạn dưỡng Sudeck là tình trạng bệnh lý đau và loạn dưỡng do rối loạn chức năng hệ thần kinh giao cảm dẫn đến mất canxi nặng của xương làm giảm khả năng vận động.
Hội chứng đau loạn dưỡng Sudeck là tình trạng bệnh lý đau và loạn dưỡng do rối loạn chức năng hệ thần kinh giao cảm dẫn đến mất canxi nặng của xương làm giảm khả năng vận động.
Chấn thương và bệnh lý gây đau loạn dưỡng Sudeck
Hội chứng đau loạn dưỡng Sudeck thường gặp ở những người đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gút. Có khoảng 75% số bệnh nhân tìm thấy nguyên nhân phát bệnh gồm: chấn thương nặng như gãy xương, tụ máu, trật khớp, bong gân… hoặc chấn thương quá nhẹ mà bệnh nhân không nhớ tới; Sau một số phẫu thuật, nhất là những phẫu thuật sọ não, lồng ngực, chậu hông; Do bất động quá lâu trong các trường hợp bó bột, nằm lâu; Do một số bệnh lý như nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, viêm màng ngoài tim, lao phổi, ung thư phế quản, cường tuyến giáp, đái tháo đường, liệt nửa người, ép tủy, bệnh Parkinson, u não…; Do dùng một số thuốc kéo dài như Phenobarbital, Rimifon, i-ốt phóng xạ I-131…
Hội chứng đau loạn dưỡng do rối loạn thần kinh giao cảm dẫn đến mất canxi.
Biểu hiện của bệnh
Hội chứng đau loạn dưỡng Sudeck thường diễn biến qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn đau và sưng tấy xảy ra sau một nguyên nhân tác động, chi bị bệnh đau, mức độ đau nhiều, đau liên tục, đau tăng về đêm và khi vận động, giảm đau khi nghỉ ngơi. Lúc đầu không thấy có gì đặc biệt ở bên chi đau, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ở chi bị bệnh xuất hiện dấu hiệu sưng tấy phù căng, đỏ và nóng, da bóng nhẵn, hơi ướt, cảm giác mạch đập mạnh.
Giai đoạn rối loạn dinh dưỡng: xuất hiện sau 1-2 tuần kể từ lúc khởi bệnh, đau vẫn tiếp tục lúc tăng lúc giảm, phù giảm dần, da trở nên dày, tím, dính, các gân co kéo, bao khớp co kéo làm cho các khớp ở chi bệnh hạn chế vận động nhiều, lâu dần, các cơ của chi cũng teo dần, cuối cùng dẫn tới teo cơ và giảm vận động cả chi bệnh so với bên lành.
Chụp phim Xquang thấy xương mất canxi xuất hiện sớm và nặng dần, có hình ảnh mất canxi từng vùng, từng ổ, chỗ đậm chỗ nhạt tạo nên hình xương lốm đốm lan rộng hoặc hình ảnh mất canxi đồng đều, loãng xương, thưa xương, xương thấu quang. Siêu âm Doppler thấy tăng tốc độ tuần hoàn tại chỗ.
Hội chứng đau loạn dưỡng chi trên
Còn gọi là hội chứng vai - tay. Bệnh thường bắt đầu từ từ, tăng dần nhưng cũng có thể khởi phát đột ngột nhanh chóng, trải qua hai giai đoạn: giai đoạn sưng tấy kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Bàn tay và một phần cẳng tay có các triệu chứng: đau nhiều và bại không vận động được. Phù lan tỏa cả bàn tay và một phần cẳng tay. Da căng bóng có màu đỏ hồng rồi chuyển sang đỏ tía, hơi ướt, sờ vào thấy nóng, có cảm giác mạch đập. Khớp và cơ như cứng lại, khó vận động. Vai bị đau và hạn chế vận động từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng, vai trở nên bất động hoàn toàn gọi là vai đông cứng. Chụp Xquang xuất hiện muộn, sau 3 tuần thấy hình ảnh mất canxi không đều, hình xương lốm đốm, hình nhiều hốc nhỏ hoặc hình thưa xương lan tỏa.
Ở giai đoạn teo: đau giảm dần, phù bớt nhưng teo dần. Bàn tay bị teo, da mỏng và nhẵn, hơi tím, lông rụng, bàn tay kiểu vuốt, ngón tay quắp vào khó duỗi ra, cổ tay gập, bàn tay cứng như gỗ. Vai gần như bất động, gần như đông cứng nhưng không đau. Tổn thương trên có thể kéo dài vĩnh viễn không hồi phục.
Hội chứng đau loạn dưỡng chi dưới
Sau một nguyên nhân phát động, bệnh nhân thấy đau bại chân, đau tăng dần khiến phải chống gậy mới đi được. Bàn chân có thể đau đơn thuần, đau bại cả bàn chân không đi được; chụp Xquang có hình ảnh loãng xương rải rác. Hoặc thể đau và phù: đau bại chân không đi được, phù to, đỏ nóng cả bàn chân giống như viêm, vận động thụ động khó vì đau và phù, chụp Xquang thấy loãng xương toàn bộ. Ở khớp gối, tổn thương có nhiều thể: sưng tấy nhiều dễ nhầm với viêm khớp gối; tràn dịch khớp gối và teo cơ cẳng chân; cứng khớp gối, teo cơ đùi và cẳng chân; thể đau ít. Khớp háng: đau và hạn chế vận động khớp háng, teo các cơ ở đùi, chụp Xquang thấy thưa xương, loãng xương tăng dần ở vùng khớp háng. Đau loạn dưỡng ở chân thường khỏi khi điều trị đúng, ít khi để lại di chứng. Thời gian trung bình từ khi phát bệnh đến khi khỏi với hai bàn chân là 12 tháng, với khớp gối là 7 tháng, khớp háng là 5 tháng.
Phương pháp điều trị
Việc điều trị hội chứng đau loạn dưỡng cần phối hợp giữa vận động và dùng thuốc. Bệnh nhân cần tăng cường vận động chủ động và thụ động để tránh teo cơ, loãng xương. Các loại thuốc có thể dùng là: thuốc có tác dụng để hạn chế tình trạng mất canxi ở xương; thuốc chống hiện tượng rối loạn mao mạch; thuốc giãn mạch: hydergin. Phong bế novocain vào hạch giao cảm gốc chi, tiêm hydrocortisol vào khớp. Dùng các thuốc giảm đau chống viêm. Sử dụng các phương pháp vật lý như điện dẫn thuốc, sóng ngắn.
Lời khuyên của bác sĩ
Để phòng tránh hội chứng đau loạn dưỡng, cần khám phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh đái tháo đường, bệnh gút, nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, viêm màng ngoài tim, lao phổi, ung thư phế quản, cường tuyến giáp, ép tủy, Parkinson, u não…
Theo SKDS