Các biến chứng do tổn thương phổi lan tỏa
Bệnh phổi cấp tính (ALI) và hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) là các biến chứng nặng do tổn thương phổi lan toả, gây suy hô hấp nặng và có thể dẫn tới tử vong.
Bệnh phổi cấp tính (ALI) và hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) là các biến chứng nặng do tổn thương phổi lan toả, gây suy hô hấp nặng và có thể dẫn tới tử vong.
Nguy cơ dẫn đến suy hô hấp cấp tính là gì ?
Suy hô hấp cấp tiến triển rất nhanh, tổn thương thâm nhiễm cả hai bên phổi, trong đó bệnh phổi cấp tính có thể tiến triển thành suy hô hấp cấp tiến triển hoặc không, khi đó tình trạng tổn thương phổi nhẹ hơn hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Có nhiều nguy cơ dẫn đến suy hô hấp cấp tính như: viêm phổi do vi khuẩn hoặc virut, tổn thương phổi do hít khói hay khí độc; đụng dập phổi; tắc mạch phổi (do mỡ, khí, nước ối); ngộ độc thuốc như heroin, methadon, barbiturates, salicylat…; nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là nhiễm khuẩn gram âm; sốc, nhất là sốc nhiễm khuẩn và sốc chấn thương; viêm tuỵ cấp; đa chấn thương; bỏng rộng; truyền máu số lượng lớn…
Phát hiện suy hô hấp cấp tính có khó không?
Một người bị suy hô hấp cấp tính thường có các biểu hiện sau: có yếu tố nguy cơ nói trên. Có khó thở tăng dần, tím môi và đầu ngón tay chân. Nếu được cho thở oxy thì đáp ứng kém với liệu pháp này. Chụp phim Xquang thấy tổn thương phế nang lan toả hai bên phổi, tiến triển nặng dần.
Khi chuyển sang hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển có các dấu hiệu: bệnh nhân thấy khó thở tăng dần, nhịp tim nhanh, thở nhanh, có yếu tố nguy cơ; suy hô hấp cấp tính; chụp Xquang thấy tổn thương phổi lan toả hai bên; áp lực mao mạch phổi bít dưới 18mmHg; phổi tổn thương không đồng nhất; tăng áp động mạch phổi; tăng shunt phải-trái…
Bệnh cần phân biệt với các bệnh: phù phổi do tim; viêm phổi lan toả hai bên; viêm phổi tăng bạch cầu ái toan; ho ra máu nặng.
Biến chứng của bệnh?
Bệnh thường có các biến chứng hay gặp là: suy đa phủ tạng; biến chứng do thở máy như: nhiễm khuẩn bệnh viện, chấn thương áp lực gây ra tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tổn thương phổi do dùng nồng độ oxy cao, kéo dài; biến chứng muộn là xơ phổi.
Chữa trị và phòng bệnh như thế nào?
Bệnh nhân nhất thiết phải nhập viện để điều trị. Trong biện pháp điều trị nội khoa cần chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng đường tiêu hoá cho bệnh nhân đầy đủ dinh dưỡng. Điều chỉnh dịch: bệnh nhân cần được hướng dẫn hạn chế uống nước hay ăn thức ăn lỏng nhiều nước để giảm dịch vào cơ thể tránh nguy cơ phù phổi. Đối với bệnh nhân có tăng thể tích tuần hoàn thì phải hạn chế dịch kết hợp cho thuốc lợi tiểu. Trường hợp bệnh nhân có huyết động không ổn định, khi đó có thể truyền dịch, nhưng phải thận trọng, cần theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm kết hợp với thuốc vận mạch. Các thuốc có thể dùng là: corticosteroid nhưng không có chỉ định dùng liều cao trong giai đoạn đầu, thuốc có thể có hiệu quả trong giai đoạn sau nếu không có nhiễm khuẩn, liều được khuyên dùng là: methylprednisolon 2 mg/ngày x 14 ngày, sau đó giảm dần liều. Thuốc kháng sinh cần phải sử dụng sớm khi nguyên nhân gây hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển là nhiễm khuẩn hoặc trong điều trị nhiễm khuẩn do thở máy. Lưu ý là bệnh nhân cần nằm ở tư thế đầu cao.
Thông khí là biện pháp điều trị cơ bản của hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển với yêu cầu là bảo đảm nồng độ oxy máu động mạch thoả đáng và nguy cơ biến chứng do thở máy tối thiểu. Có thể bắt đầu bằng thông khí không xâm nhập với bệnh nhân bệnh phổi cấp hay hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhưng chưa bị thiếu oxy quá nặng. Cần thiết phải đặt nội khí quản khi thông khí không xâm nhập không có hiệu quả hoặc tình trạng bệnh nhân nặng không cho phép thông khí không xâm nhập.
Phòng bệnh: cách tốt nhất là phát hiện và điều trị tích cực các bệnh là yếu tố nguy cơ dẫn đến suy hô hấp cấp tiến triển như: viêm phổi do nhiễm khuẩn, phòng tránh tai nạn hít phải khói hay khí độc như không đốt bếp than ở phòng kín, không nổ máy xe ở gara đóng kín hay trong phòng ở; tránh té ngã hay tai nạn giao thông gây đụng dập phổi; tránh ngộ độc thuốc như heroin, methadon, barbiturates, salicylat…
Theo SKDS