Cách nhận biết và phòng tránh ung thư miệng
Việc quan trọng đầu tiên để giảm thiểu mối nguy hiểm của bệnh ung thư miệng là cần nhận biết sớm các triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.
Việc quan trọng đầu tiên để giảm thiểu mối nguy hiểm của bệnh ung thư miệng là cần nhận biết sớm các triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.
Ung thư miệng có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong miệng như môi, lưỡi, má trong, sàn miệng, vòm miệng, các xoang miệng và họng. Ung thư miệng có thể chữa trị dứt hoàn toàn nếu được phát hiện trong giai đoạn đầu. Nếu phát hiện trễ, khi tình trạng ung thư đã vào giai đoạn hai, bệnh nhân chỉ có thể kéo dài cuộc sống trong vòng 5 năm.
Các dấu hiệu và triệu chứng:
Tổn thương da hoặc xuất hiện khối u, vết loét trên môi, nướu răng và các khu vực khác trong miệng; có cảm giác khó nuốt, nhai và nói; lở loét miệng kéo dài; đau miệng, đau lưỡi hoặc bị chảy máu miệng mà không rõ nguyên nhân.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư miệng:
Hút thuốc lá, uống rượu quá độ. Bên cạnh đó, giới khoa học cho biết, nguy cơ ung thư miệng thường gia tăng cùng tuổi tác.
Ngoài ra, một yếu tố nguy cơ khác là do nhiễm virus u nhú ở người (HPV) - một loại virus lây truyền qua đường tình dục. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, HPV có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng thông qua hình thức quan hệ tình dục bằng miệng.
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, ngoài việc hỗ trợ y tế, bạn cũng có thể thực hiện các phương pháp dưới đây:
- Nói không với thuốc lá: Nếu bạn là người nghiện hút thuốc lá, hãy từ bỏ. Nghiên cứu cho thấy, việc hút thuốc lá không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe của bạn mà còn là tác nhân gây hầu hết các trường hợp ung thư miệng.
- Uống rượu ở mức độ vừa phải: Theo các chuyên gia, nguy cơ ung thư miệng tăng gấp sáu lần ở những người nghiện rượu so với những người không uống rượu. Vì vậy, bạn không nên uống rượu hoặc chỉ uống khoảng một ly/ngày.
- Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời: Việc tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư môi. Do đó, bạn hãy luôn đeo khẩu trang hoặc thoa kem dưỡng môi chống nắng để bảo vệ đôi môi bất cứ khi nào phải ra ngoài vào lúc trời nắng gắt.
- Chăm sóc và giữ gìn vệ sinh răng miệng: Hãy bảo đảm rằng bạn luôn đánh răng và dùng chỉ nha khoa để xỉa răng thường xuyên sau mỗi bữa ăn. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trong việc chống lại các tế bào ung thư.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng: Bạn cần thực hiện kiểm tra sức khỏe răng miệng ít nhất hai lần mỗi năm.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn khỏe mạnh, mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại các thể ung thư.
- Ăn trái cây và rau quả: Để tăng cường sức khỏe và ngừa nguy cơ ung thư, bạn cần nhiều loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn hàng ngày. Các vitamin và chất chống oxy hóa chứa trong các loại thực phẩm này được chứng minh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư miệng.
Theo SKDS