Chặn đứng rối loạn mỡ máu, cách gì?
Theo thống kê của Viện Tim mạch, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh tim mạch ở nước ta ngày càng tăng, trong đó một nguyên nhân quan trọng của bệnh lý tim mạch là rối loạn chuyển hóa lipid máu (chúng ta hay gọi là rối loạn mỡ máu).
Theo thống kê của Viện Tim mạch, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh tim mạch ở nước ta ngày càng tăng, trong đó một nguyên nhân quan trọng của bệnh lý tim mạch là rối loạn chuyển hóa lipid máu (chúng ta hay gọi là rối loạn mỡ máu).
Ngày nay tại nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế, chế độ dinh dưỡng đã cải thiện đáng kể, tuy nhiên chế độ ăn hợp lý vẫn còn nhiều người dân chưa quan tâm đúng mức, nhất là trong những dịp lễ tết. Thói quen ăn nhiều thịt mỡ, ăn nhiều đồ ngọt vẫn còn trong đa số chúng ta.
Thành phần chất béo trong máu gồm hai thành phần cholesterol và triglycerid, cả hai thành phần này có nguồn gốc từ thức ăn và được hấp thu từ ruột. Khi ăn quá nhiều chất béo sẽ dẫn đến tăng mỡ máu. Các chất béo có trong thịt mỡ, sữa, các sản phẩm từ sữa, bơ, các loại thức ăn rán, các loại bánh như bích qui, ga tô... chứa nhiều cholesterol sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu cũng như tăng triglycerid.
Rối loạn mỡ máu tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
Làm thế nào để phát hiện rối loạn mỡ máu?
Hầu hết người có mỡ máu cao đều cảm thấy khỏe mạnh, thường không có dấu hiệu gì báo trước và cách duy nhất để phát hiện bệnh là xét nghiệm máu, thường phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm máu. Nên làm xét nghiệm định kỳ cho những người trên 45 tuổi, tuy nhiên có thể kiểm tra sớm hơn cho những người có tiền sử bệnh mạch vành, tăng huyết áp hay hút thuốc lá.
Tại sao phải điều trị rối loạn mỡ máu?
Lượng mỡ trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình vữa xơ mạch máu và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi tim gây ra đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim có thể gây đột tử. Nguy cơ bệnh mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác càng tăng hơn khi có các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì hay thói quen ít vận động.
Như vậy, điều trị rối loạn mỡ máu sẽ tránh được các biến chứng tim mạch nguy hiểm như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim... Tránh được các biến chứng khác do bệnh vữa xơ động mạch gây ra như tai biến mạch máu não, hẹp động mạch ngoại vi. Ngoài ra còn giúp tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm chi phí điều trị vì chi phí cho các tai biến mạch máu não rất tốn kém.
Cần thay đổi lối sống
Tất cả các bệnh nhân rối loạn mỡ máu đều cần thay đổi lối sống (chế độ ăn, thói quen sinh hoạt và tập luyện). Đây là biện pháp cơ bản trong điều trị rối loạn mỡ máu. Thay đổi lối sống tích cực giúp phòng ngừa sự tiến triển của các bệnh do rối loạn mỡ máu gây ra như vữa xơ mạch máu, bệnh động mạch vành.
Bỏ hút thuốc lá: Bỏ hút thuốc lá là biện pháp phòng các bệnh lý tim mạch và ngoài tim mạch, bởi hút thuốc lá là tác nhân quan trọng trong quá trình gây vữa xơ động mạch và các bệnh lý mạch máu khác.
Giảm cân giúp giảm được sự rối loạn mỡ máu.
Hạn chế tối đa rượu bia: Uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, đột quỵ do làm tăng lượng triglyceride trong máu và làm tăng huyết áp. Không nên uống quá 20 - 30g ethanol/ngày đối với nam giới và 10 - 20g ethanol/ngày với nữ giới.
Thay đổi chế độ ăn là một bước có tính chất quyết định trong điều trị rối loạn mỡ máu. Mục tiêu chung là ăn giảm chất béo chủ yếu nguồn gốc động vật, ăn nhiều chất béo có nguồn gốc thực vật. Nên ăn nhiều chất xơ, rau tươi, nhiều cá, ít thịt và muối, hạn chế ăn bơ hay dầu ôliu. Dầu cá có chứa axít béo omega 3 làm giảm tỷ lệ bị đột tử, làm tăng tuổi thọ và có tác dụng bảo vệ đặc biệt giai đoạn sau nhồi máu cơ tim. Với bệnh nhân chỉ tăng cholesterol nên kiêng ăn mỡ lợn, mỡ gà, da gà, dầu dừa, các loại phủ tạng động vật như gan, lòng, óc, bầu dục... Hạn chế ăn trứng gà, vịt. Bệnh nhân có tăng cả triglycerid kèm theo thì kiêng thêm đường, mứt, mật, bánh kẹo, rượu và các đồ uống có cồn. Hạn chế các chất bột như mì, cơm gạo... Các thức ăn nên dùng là dầu đậu nành, các loại rau quả tươi, cá, thịt nạc.Bệnh nhân có tăng huyết áp kèm theo nhất là người lớn tuổi, cần chế độ ăn giảm muối.
Giảm cân và tập thể dục: Giảm cân sẽ làm giảm được sự rối loạn mỡ máu trên bệnh nhân thừa cân và có lợi đối với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp... Giảm cân bằng cách ăn kiêng, tăng cường tập thể dục, giảm lượng rượu hàng ngày ở những người có thói quen uống rượu và cần ăn giảm muối. Nên thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội trong 30 - 45 phút. Mức độ luyện tập phải tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi bệnh nhân.
(BV Trung ương Quân đội 108)
Người cao tuổi có nhiều nguy cơ các bệnh kèm theo khác, đặc biệt nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ, vì thế hạ mỡ máu có thể giúp làm giảm các nguy cơ này. Tuy nhiên khi điều trị các thuốc làm giảm mỡ máu ở người cao tuổi, cần thận trọng hơn so với bệnh nhân còn trẻ; rối loạn mỡ máu rất thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi người bệnh có đồng thời cả bệnh đái tháo đường và rối loạn mỡ máu làm tăng nguy cơ bị các bệnh mạch máu lớn, bao gồm đột quỵ, bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu ngoại vi và làm tăng tỷ lệ tử vong. Với bệnh nhân có kèm theo đái tháo đường, cần kiểm soát tốt đường máu, giảm cân, tập thể dục đều đặn, bỏ hút thuốc lá, kiểm soát tốt huyết áp và điều trị rối loạn mỡ máu; không nên dùng các thuốc hạ mỡ máu trong thời kỳ có thai vì cholesterol rất cần thiết để phát triển thai nhi, hơn nữa các thuốc điều trị rối loạn lipid máu có thể gây quái thai. Ðối với phụ nữ muốn có thai, cần phải ngừng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu (nhóm statin) trước 6 tháng.
Theo SKDS