Bệnh giòn xương, dễ gẫy
Bệnh giòn xương, dễ gãy, còn gọi là bệnh xương thủy tinh, là bệnh hiếm gặp nhưng diễn biến phức tạp, khó điều trị, dễ tái phát.
Bệnh giòn xương, dễ gãy, còn gọi là bệnh xương thủy tinh, là bệnh hiếm gặp nhưng diễn biến phức tạp, khó điều trị, dễ tái phát.
Xương là một mô liên kết đặc biệt bao gồm các tế bào và chất khuôn xương, trong đó chất khuôn xương bao gồm các sợi collagen và các mô liên kết khác giàu chất glucoaminoglycin. Mô xương có xương đặc (vỏ xương), xương xốp và tủy xương. Xương đặc có chức năng là khung bảo vệ cơ thể, còn xương xốp có chức năng chuyển hóa, cân bằng nội môi.
Nguyên nhân của bệnh
Trong cơ thể, quá trình tạo xương và hủy xương diễn ra liên tục theo cơ chế thay xương cũ bằng xương mới. Trong bệnh giòn xương, dễ gãy (xương bất toàn), do tổn thương các gen chỉ huy sản xuất collagen nên số lượng hoặc chất lượng của các sợi collagen bị giảm sút làm cho xương giảm khả năng chịu lực, bị biến dạng và dễ gãy. Nguyên nhân của bệnh là do tổn thương các sợi collagen của xương làm cho xương rất giòn, dễ gãy do một động tác rất nhẹ (ho, hắt hơi), hoặc một sang chấn nhẹ (vấp, ngã) hoặc gãy xương một cách tự nhiên không do một sang chấn nào. Bệnh giòn xương rất dễ tái phát. Đặc trưng của bệnh là sự tổn thương thành phần (đặc biệt là týp I) của mô liên kết gây ảnh hưởng không những ở xương mà còn ở da, dây chằng, củng mạc mắt và răng (gãy xương tự phát, biến dạng xương, lùn, bất thường của răng), giảm thính lực. Căn bệnh này chủ yếu là do di truyền bởi gen trội hoặc lặn từ phía bố hoặc mẹ.
Bệnh xương thủy tinh, tỉ lệ mắc phải khoảng 1/20.000 (Hoa Kỳ), tuổi thọ ngắn, tỉ lệ tử vong sau sinh cao và có tính chất di truyền.
Siêu âm thai có thể phát hiện các bất thường về chiều dài chi của thai nhi và các xương gãy.
Biểu hiện của bệnh giòn xương
Bệnh được chia làm 4 týp với các mức độ khác nhau. Loại týp 1, nhẹ và hay gặp nhất, người bệnh biểu hiện yếu cơ, cột sống có thể bị cong. Củng mạc mắt có thể có màu xanh hay màu tím. Gãy xương thường xảy ra trước tuổi dậy thì. Loại týp 2 là thể bệnh nặng nhất và có tỉ lệ tử vong cao, người bệnh có vóc dáng nhỏ, thường bị gãy nhiều xương, có thể chết ngay sau khi sinh hoặc chỉ sống được một thời gian ngắn do rối loạn chức năng hô hấp (thiểu sản phổi, gãy xương sườn). Týp 3, loại này tương đối nặng, trẻ thường sinh ra đã có xương bị gãy, củng mạc mắt quá trắng hoặc có màu xám, màu xanh, chức năng hô hấp suy giảm, giảm thính lực và bất thường về răng. Týp 4 là loại trung gian giữa cá týp 1 và 3, do vậy, các biến dạng xương ở mức nhẹ đến trung bình, xét nghiệm mật độ xương thường thấp hơn bình thường. Siêu âm thai có thể phát hiện các bất thường về chiều dài chi của thai nhi (tuần thứ 15) và các xương gãy. Tuy nhiên, đối với những thể nhẹ thì rất khó phát hiện.
Việc chẩn đoán xác định bệnh giòn xương, dễ gãy (xương thủy tinh) có thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng, X-quang và tỉ trọng xương.
Nguyên tắc điều trị
Ngày nay, với tiến bộ của các kỹ thuật siêu âm chẩn đoán trước sinh cho phép phát hiện sớm bệnh ngay trong thời kỳ bào thai, nhất là những thể nặng có gãy xương nhiều và sớm. Vì vậy, với những trường hợp người bố, người mẹ mắc bệnh xương thủy tinh, người mẹ khi mang thai cần tới bệnh viện để theo dõi tình trạng thai.
Hiện nay chưa có hướng điều trị đặc hiệu. Vì vậy, các biện pháp điều trị nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh (hạn chế tối đa gãy xương, biến chứng, giúp người bệnh tự lập trong sinh hoạt và cuộc sống). Do đó, các ông bố, bà mẹ khi có con mắc bệnh xương thủy tinh cần được bác sĩ hướng dẫn các biện pháp chăm sóc con thích hợp.
Việc điều trị, phần lớn các gãy xương trong bệnh xương thủy tinh thường được điều trị bằng phương pháp chỉnh hình như: bất động, nẹp bột, bó bột. Điều trị phẫu thuật, ít được áp dụng, chỉ thực hiện khi nào xương bị gãy, biến dạng nặng.
Có thể dùng thuốc để điều trị nhằm giảm đau, tăng mật độ xương và hạn chế gãy xương. Tuy nhiên, hiện nay giá thuốc còn quá cao đối với thu nhập của nhiều gia đình người bệnh, nên gặp không ít khó khăn trong việc điều trị. Trong tương lai, liệu pháp gen, ghép tủy xương là hướng điều trị sẽ mang lại niềm vui và cuộc sống mới cho bệnh nhân xương thủy tinh.
Theo SKDS