Chóng mặt và phương pháp điều trị
Chóng mặt là một cảm giác sai sự di chuyển của cơ thể so với không gian hoặc của không gian so với cơ thể (cảm giác đồ vật quay chao đảo quanh mình hoặc mình quay quanh đồ vật)
Chóng mặt là một cảm giác sai sự di chuyển của cơ thể so với không gian hoặc của không gian so với cơ thể (cảm giác đồ vật quay chao đảo quanh mình hoặc mình quay quanh đồ vật).
->> Chóng mặt bỗng dưng muốn té, bệnh gì?
Người bị chứng chóng mặt thường mất thăng bằng, đi loạng choạng không vững, cảm giác bồng bềnh như đang ngồi trên thuyền, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn, ù tai, giảm thính lực, chóng mặt tăng khi thay đổi tư thế hoặc khi quay đầu, do đó bệnh nhân thường nằm im một tư thế, mắt nhắm nghiền. Để giữ được thăng bằng cho cơ thể, phải có sự tham gia của hệ thống giác quan (hệ tiền đình, cảm giác sâu và thị giác) đồng thời của hệ thống thần kinh trung ương, các cơ vùng cổ, thân, chi. Nếu các cơ quan này bị tổn thương sẽ gây nên chóng mặt và mất thăng bằng.
Phân loại bệnh
Chóng mặt có rất nhiều nguyên nhân, được chia làm hai loại:
Chóng mặt có nguồn gốc ngoại biên:
- Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: Chóng mặt xuất hiện đột ngột, khi thay đổi tư thế, không có dấu hiệu báo trước, chóng mặt kéo dài vài giây, xuất hiện sau khi cử động đầu. Chóng mặt xuất hiện do sự di chuyển những tinh thể nhỏ “sỏi tai”. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chiếm khoảng 30% các trường hợp chóng mặt.
- Bệnh Meniere (bệnh ứ nước nội dịch vô căn): Bệnh được đặc trưng bởi cơn chóng mặt kéo dài khoảng 5 phút đến 5 giờ. Trước khi chóng mặt, người bệnh có cảm giác giảm thính lực và ù tai. Chóng mặt xuất hiện đột ngột kèm theo buồn nôn và nôn, cơn có thể tái phát dẫn đến mất dần thính lực. Bệnh hay gặp ở người căng thẳng tâm lý và lo lắng. Nguyên nhân là do mất thăng bằng của áp lực dịch chứa trong tai trong. Mục tiêu của điều trị bệnh là giảm áp lực dịch, gồm thuốc lợi tiểu, giảm ăn muối, kiêng những thức ăn có chứa cafein (cà phê, trà, sôcola, sôđa) phối hợp với những thuốc chữa chóng mặt và liệu pháp thư giãn, trường hợp đặc biệt có thể phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh tiền đình.
- Viêm dây thần kinh tiền đình: Viêm dây thần kinh do virut Zona, thủy đậu, quai bị (chiếm khoảng 5% các trường hợp), gây liệt dây thần kinh tiền đình dẫn đến chóng mặt xuất hiện đột ngột, kéo dài nhiều giờ đến vài tháng nhưng không rối loạn thính lực (khác với hội chứng Meniere). Dấu hiệu Nystagmus (rung giật nhãn cầu) đánh ngang về bên lành. Bệnh có thể tự khỏi không cần điều trị, dần dần hệ thống thần kinh trung ương sẽ bù lại sự thiếu sót này và hình thành tình trạng điều hòa mới. Điều trị các thuốc “kích thích não bộ” và tập phục hồi chức năng sớm dẫn đến hồi phục tốt hơn.
Một số bệnh cũng gây chóng mặt: viêm tai giữa cấp và mạn, dị dạng tai trong; chấn thương hoặc tiền sử phẫu thuật; u dây thần kinh tiền đình - ốc tai; rối loạn thị giác: loạn thị, cận thị, viễn thị...; tác dụng không mong muốn của thuốc (streptomycin, gentamycin...); rượu, ma túy; say tàu xe; hiếm gặp hơn: tổn thương dây thần kinh vùng cổ (tổn thương cột sống cổ 2, cổ 3).
Chóng mặt có nguồn gốc trung ương: thiểu năng tuần hoàn não, hạ huyết áp tư thế, hội chứng Wallenberg, nhồi máu tiểu não, xơ cứng rải rác, u tiểu não...
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây chóng mặt: nhức đầu Migraine, bệnh Parkinson, giang mai thần kinh...
Phương pháp điều trị như thế nào?
Các hoạt chất điều trị triệu chứng chóng mặt hay được sử dụng:
Tùy từng trường hợp cụ thể, tùy từng nguyên nhân gây chóng mặt mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Cần đến khám bác sĩ, trừ trường hợp chóng mặt do say tàu xe. Các thuốc chống chóng mặt chỉ có tác dụng giảm triệu chứng, bên cạnh đó cần phải tìm nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân.
- Acetyl - DL - leucine: 500mg (ống tiêm, viên nén). Thuốc có tác dụng tốt đối với tất cả các trường hợp chóng mặt do bất kỳ nguyên nhân nào. Tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể dùng thuốc tiêm hoặc uống, thời gian điều trị tùy theo diễn biến lâm sàng. Chống chỉ định trong trường hợp quá mẫn với các thành phần của thuốc và trong trường hợp có thai.
- Metoclopramide HCL: 10mg (ống tiêm, viên nén). Thuốc được chỉ định khi bệnh nhân chóng mặt có kèm theo buồn nôn và nôn.
- Meclozine: viên nén 25mg, thuốc có tác dụng giảm triệu chứng chóng mặt và phòng say tàu xe.
- Bétahistine dichlorhydrate viên nén 8mg, 16mg. Thuốc có thể dùng kéo dài từ 2 – 3 tháng, tùy từng trường hợp. Chống chỉ định trong trường hợp quá mẫn với thành phần của thuốc, u tủy thượng thận, loét dạ dày – tá tràng tiến triển, phụ nữ có thai.
- Trimetazidine chlorhydrate viên nén 35mg. Tuy nhiên cần lưu ý, không nên dùng thuốc trong thời gian có thai và cho con bú.
- Flunarizine: Thuốc được chỉ định trong điều trị nhức đầu Migraine và điều trị triệu chứng chóng mặt do các nguyên nhân khác. Chống chỉ định trong trường hợp bệnh nhân trầm cảm hoặc bệnh Parkinson. Không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
Các thuốc có tác dụng giãn mạch: ginkgo biloba viên nén 40mg; piracetam ống tiêm 3g hoặc viên nén 800mg.
Dẫn chất dihydroergotamin: được chỉ định trong trường hợp chóng mặt do hạ huyết áp tư thế hoặc nhức đầu Migraine. Chống chỉ định khi quá mẫn với thành phần của thuốc. Không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
Thuốc an thần kinh được sử dụng phối hợp trong vài ngày đầu để giảm triệu chứng lo lắng của bệnh nhân.
Tìm nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân:
- Bỏ rượu, ma túy;
- Điều trị kháng sinh nếu do viêm tai giữa;
- Điều trị kháng sinh kháng virut nếu do Zona;
- Điều trị ngoại khoa cắt bỏ khối u...
Điều trị phục hồi chức năng phối hợp: Trong trường hợp chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình hoặc chóng mặt tư thế lành tính kịch phát ngoài điều trị bằng thuốc nên điều trị phục hồi chức năng để giảm nhanh hơn triệu chứng chóng mặt.
(Theo suckhoedoisong)