Chấn thương sọ não ở trẻ em
Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, vừa qua đã cấp cứu kịp thời cho 2 trường hợp trẻ bị chấn thương sọ não (CTSS) do tai nạn sinh hoạt. CTSN ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy cơ xảy ra chấn thuwong luôn có ở khắp nơi…
Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, vừa qua đã cấp cứu kịp thời cho 2 trường hợp trẻ bị chấn thương sọ não (CTSS) do tai nạn sinh hoạt. CTSN ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy cơ xảy ra chấn thuwong luôn có ở khắp nơi…
->> Những di chứng đáng sợ của chấn thương sọ não
Trường hợp đầu tiên là bé Đ.L.N.G, 11 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng ngủ gà. Người nhà cho biết trong lúc bé đang ở trong xe tập đi, vấp phải thềm nhà té đập đầu xuống nền gạch. Sau té, bé ói nhiều lần, bỏ bú, bỏ chơi, lừ đừ. Người nhà đưa bé đến khám tại bệnh viện và được bác sĩ cho chụp CT-Scan sọ não khẩn. Kết quả là bé bị máu tụ ngoài cứng đỉnh phải lượng nhiều gây lệch đường giữa. Bé được mổ khẩn ngay sau đó, các bác sĩ đã lấy ra được khoảng 30g máu tụ, kịp thời cứu tính mạng của bé. Hiện bé đã qua cơn nguy hiểm, tỉnh táo, bú tốt và không còn nôn ói.
Trường hợp thứ hai là bé L.C.T, 3 tuổi, nhà ở Đồng Tháp. Khi bé đi ra đường chẳng may bị trái dừa của cây dừa mọc sát lộ rơi trúng. Bé cũng được cấp cứu và chụp CT-Scan sọ não và cũng có máu tụ nhưng là máu tụ dưới màng cứng lượng ít nên được điều trị bảo tồn, theo dõi tại phòng cấp cứu. Hiện bé đã ổn định nhưng vẫn còn đừ và không nói được. Khả năng là lực rơi của trái dừa đã làm chấn động đến vùng ngôn ngữ nói của bé khiến bé không nói được.
Các bậc phụ huynh cần trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò. |
Qua 2 trường hợp này cho thấy chấn thương sọ não ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy cơ xảy ra chấn thương luôn có ở khắp nơi nếu không cẩn thận và tác nhân gây chấn thương đôi khi tưởng chừng như khó có thể xảy ra nhưng vẫn xảy ra.
CTSN ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 60% trường hợp), thường gặp nhất là té cầu thang, té giường, té võng hay do người lớn bồng ẵm tuột tay. Các lý do tiếp theo là té xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu. CTSN thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái do hiếu động hơn, đa số ở lứa tuổi 1 - 6. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị CTSN do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã.
CTSN nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ mềm dưới da đầu. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não.
Nếu chấn thương nhẹ, bé hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu gì lạ thì cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, nhưng cần theo dõi chặt chẽ mỗi hai giờ một lần trong suốt 24 giờ đầu tiên. Những dấu hiệu cần phải theo dõi:
- Tình trạng lúc tỉnh lúc mê.
- Ngủ mê kêu không thức dậy.
- Nhức đầu dữ dội.
- Lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong.
- Ói mửa nhiều lần.
- Co giật tay chân.
- Sưng lớn nơi da đầu.
Nếu bé có những dấu hiệu trên hoặc sau té mà bé bất tỉnh ngay thì cần đưa nhanh tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, nếu cần có thể phải nhập viện theo dõi. CT-Scan sọ là phương pháp tối ưu để phát hiện CTSN. Tuy nhiên việc chụp CT-Scan chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ vì tia X dù cường độ nhỏ cũng nên tránh cho trẻ nhỏ. Tránh tâm lý yêu cầu bác sĩ phải chụp phim X-quang hay CT-Scan bằng mọi giá để yên tâm.
Chẩn đoán và theo dõi một trường hợp CTSN còn bao gồm nhiều yếu tố quan trọng khác như theo dõi sự thay đổi tri giác, thăm khám trẻ nhiều lần để tìm các dấu hiệu thần kinh, chứ không đơn thuần là chụp một phim X- quang hay CT-Scan. Để tránh những hậu quả nghiêm trọng do CTSN gây ra, các bậc phụ huynh có con nhỏ chú ý những lời khuyên sau đây: trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò, biết đi; giường nằm của trẻ cần có tấm chắn, dưới chân giường trải nệm để nếu ngã trẻ đỡ bị chấn động; không để trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở hoặc lần bước xuống thang gác; khi chở các trẻ lớn đi xe hai bánh nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ; khi xảy ra chấn thương ở đầu cần cho trẻ đi khám ngay. Nếu bác sĩ cho về nhà, trẻ vẫn phải được theo dõi sát theo hướng dẫn trong vòng một tuần. Hiện nay, tại TP.HCM có hai bệnh viện có chuyên khoa ngoại thần kinh nhi để điều trị CTSN ở trẻ em là BV. Nhi Đồng 2 và BV. Chợ Rẫy.
Tư vấn chuyên môn BS. TRƯƠNG ANH MẬUKhoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 2
(Theo Suckhoe & Doi song)