Thực phẩm phòng bệnh cúm
Làm thế nào để nâng cao khả năng miễn dịch và phòng bệnh cúm thông qua ăn uống? Dưới đây là những loại thực phẩm hữu dụng cho thực đơn hàng ngày của bạn để phòng tránh bệnh cúm.
Làm thế nào để nâng cao khả năng miễn dịch và phòng bệnh cúm thông qua ăn uống? Dưới đây là những loại thực phẩm hữu dụng cho thực đơn hàng ngày của bạn để phòng tránh bệnh cúm.
Sữa chua
Do phải trải qua quá trình lên men, nên trong sữa chua có chứa nhiều vi khuẩn có lợi, có tác dụng bảo vệ đường ruột, ngăn ngừa sản sinh ra các loại nấm mốc có hại cho cơ thể.
Ngoài ra, trong một số loại sữa chua còn chứa khuẩn sữa (vi khuẩn sinh acid lactid) có tác dụng hữu hiệu trong quá trình tạo bạch cầu trong máu.
Khoai lang
Tăng cường sức đề kháng cho da. Da là một thành viên trong “đội quân” bảo vệ cơ thể chống lại những tác hại cơ học và sinh học. Đồng thời da cũng là “bức rèm” ngăn ngừa và chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, siêu vi khuẩn, mầm bệnh vào cơ thể. Vitamin A có tác dụng quan trọng trong quá trình hình thành các mô liên kết ở da, giúp da khỏe mạnh, săn chắc, nâng cao khả năng miễn dịch cho toàn cơ thể. Cách tốt nhất để có nguồn vitamin A là tận dụng những thực phẩm sẵn có trong tự nhiên chứà -caroten (tiền vitamin A), mà khoai lang là thực phẩm rất giàu -caroten.
Trà
Phòng chống vi khuẩn gây cúm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Khoa miễn dịch Trường Đại học Havard, những người uống 5 tách hồng trà hàng ngày và liên tục trong 2 tuần, cơ thể sản sinh ra nhiều chất interferon kháng độc tố nhiều hơn gấp 10 lần những người không uống trà. Loại protid có tác dụng phòng chống các bệnh truyền nhiễm này cũng có tác dụng hữu hiệu trong phòng chống cảm cúm. Đồng thời, trà cũng giúp giảm ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng vết thương, tê phù chân, lao phổi, sốt rét… Và tất nhiên trà xanh cũng có tác dụng tương tự.
Canh gà
Thuốc “mỹ vị” trị cảm cúm. Trong quá trình xào nấu, thịt gà giải phóng cysteine là chất tương tự loại thuốc acetylcysteine trong điều trị bệnh viêm phế quản. Ngoài ra, độ mặn của canh gà cũng có tác dụng làm giảm, tiêu đờm do trong nó chứa chất tương tự thành phần thuốc trị ho. Hiệu quả hơn khi nấu canh gà cho thêm hành tây hoặc tỏi.
Thịt bò
Bổ sung kẽm và tăng cường miễn dịch. Kẽm có trong thực phẩm vô cùng quan trọng, có thể thúc đẩy quá trình sản sinh bạch cầu trong máu, đồng thời giúp kháng độc tố, vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể. Nếu cơ thể thiếu kẽm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cảm cúm. Nên ăn nhiều thịt bò, vừa giữ ấm cho cơ thể vừa phòng ngừa cảm cúm.
Nấm
“Trợ thủ” đắc lực cho bạch cầu chống cảm cúm. Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân tại sao nấm trong quan niệm của cha ông ta ngày trước là loại thực phẩm miễn dịch hiệu quả? Đó là, ăn nấm giúp đẩy nhanh quá trình sinh sản và hoạt động của bạch cầu, làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Cá và các loại sò
Bổ sung selenium (Se) và phòng chống độc tố. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Anh, bổ sung đầy đủ selenium sẽ giúp cơ thể sản sinh ra nhiều protein có tác dụng tăng cường miễn dịch, giúp thanh lọc các vi khuẩn gây bệnh cúm. Selenium chủ yếu có trong: con hàu, tôm cua, ngao sò, cá… Trong cá hồi có chứa nhiều omega-3 giúp máu sản sinh ra các tế bào chống cảm cúm, nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Tỏi
Garlicin trong tỏi giúp chống các bệnh truyền nhiễm và vi khuẩn. Theo kết quả thực nghiệm của các chuyên gia Anh, trong khi nấu ăn cho thêm tỏi sẽ giảm 2/3 khả năng mắc cảm cúm. Những người mắc bệnh kết tràng hay viêm ruột thường xuyên ăn tỏi sống, bệnh sẽ có khả năng thuyên giảm.
Yến mạch và lúa mạch
Antioxidant trong yến mạch và lúa mạch có tác dụng chống oxy hóa. Trong 2 loại thực phẩm này có chứa nhiều chất xơ, đặc biệt là -glucan, có tác dụng chống lại vi khuẩn và chống oxy hóa tốt, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và giúp nhanh lành vết thương. Ngoài ra, còn giúp thuốc kháng sinh phát huy tác dụng nhanh chóng và hiệu quả.
(Theo BS. Thanh Hà // Báo Sức khỏe và Đời sống)