Những bài thuốc, món ăn phòng và điều trị cúm
Những ngày này, bệnh cúm đang là vấn đề gây chú ý và lo lắng cho nhiều người dân. Đông y có các bài thuốc, món ăn dùng điều trị và phòng ngừa cúm.
Bệnh cúm cũng là cảm mạo nhưng bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao, nhức đầu như búa bổ, đau nhức toàn thân (nhức khớp, đau cơ), cổ họng khô rát. Bệnh cúm lây nhiễm rất nhanh, tạo thành dịch bệnh nguy hiểm.
Một số bài thuốc Nam chữa bệnh cúm
- Lá húng chanh 10g, bạc hà 8g, kinh giới 10g, cối xay 12g, bạch chỉ 6g, kim ngân hoa 12g, cam thảo đất 12g.
Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
- Rau má 12g, hương nhu 10g, đậu ván (sao) 12g, bồ công anh 12g, kim ngân hoa 12g, kinh giới 10g, bạc hà 8g, lá dâu tằm 8g, cam thảo đất 10g, lức dây (cúc tần) 10g.
Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
- Hoàng kỳ 16 - 30g, cam thảo bắc 4 - 6g. Đây đều là các thuốc có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.
Dùng hai vị này sắc cho bệnh nhân uống, kết hợp với uống Tamiflu theo phác đồ của Bộ Y tế.
Khảo sát gần 100 trường hợp đều thấy bệnh nhân nâng cao được thể trạng, sức đề kháng tăng, hạ sốt nhanh, số ngày điều trị giảm, có chuyển biến sức khỏe tốt, không có trường hợp bệnh chuyển sang chiều hướng nặng (theo Cục Quân y, Bộ Quốc phòng ).
Một số món ăn nên dùng khi có dịch cúm hoặc khi bị cúm
Các món ăn này đều có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nước tỏi - nghệ:
Nguyên liệu: củ tỏi 30 - 50g, củ nghệ 10 - 20g, đường vừa đủ.
Cách làm: tỏi bóc vỏ, củ nghệ gọt vỏ, rửa sạch. Hai thứ giã nhỏ, hòa với ít nước sôi, lọc lấy 50 - 100ml nước, thêm ít đường vào quậy đều, chia 2 - 3 lần cho uống vào lúc không no, không đói quá.
Có thể nấu gạo tẻ 50 - 100g thành cháo nhừ, cho nước tỏi - nghệ vào nấu sôi lại là được. Chia 2 - 3 lần cho ăn vào lúc đói bụng.
Canh cải soong - thịt heo:
Nguyên liệu: cải soong 100 - 150g, kinh giới 20 - 30g, gừng tươi 3 lát mỏng, thịt heo nạc 50 - 100g. Gia vị: nước mắm, muối, bột nêm.
Cách làm: rau cải soong nhặt kỹ rửa sạch, cắt ngắn. Rau kinh giới rửa sạch, cắt nhỏ. Gừng rửa sạch, giã nát. Thịt heo nạc rửa sạch, xắt miếng mỏng, cho vào nước lạnh đun sôi, hớt bỏ bọt, nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho rau vào đun sôi lại, bắc ra ngay. Múc ra bát, ăn nóng trong bữa cơm hoặc ăn không vào lúc đói bụng.
Canh đậu hũ chua cay:
Nguyên liệu: đậu hũ 150g, mộc nhĩ 10g, củ cải 50g, cà rốt 50g, giấm 20ml, muối, bột ngọt, hành, tiêu, dầu mè.
Đậu hũ cắt sợi vừa, dùng nước sôi luộc sơ, vớt ra; mộc nhĩ ngâm nở, củ cải, cà rốt, tất cả gọt vỏ, rửa sạch, đều cắt sợi.
Cách làm: đun sôi 150ml nước, cho mộc nhĩ, củ cải, cà rốt vào trước, đun tiếp, thêm muối, bột ngọt và giấm vào, sốt cho sền sệt mới cho đậu hũ vào, nấu chín, thêm hành, tiêu, dầu mè vào. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.
Cháo vịt:
Nguyên liệu: thịt vịt 150g, 100g gạo nếp, một ít rượu trắng, muối.
Cách làm: cắt thịt vịt ra thành hột lựu, gạo nếp cho nước vào nấu cháo, sau đó cho thịt vịt, một ít rượu, muối vào nấu chín.
Cháo ý dĩ (bo bo), bông atisô, đậu xanh:
Nguyên liệu: ý dĩ 100g, đậu xanh 50g, bông atisô 150g, đường cát trắng.
Cách làm: rửa sạch bo bo và đậu xanh, tách bông atisô thành từng cánh, lột bỏ lớp màng bên trong, rửa sạch. Cho một lượng nước vừa phải vào nồi, cho đậu xanh vào trước, nấu chín, tiếp đó cho thêm bo bo vào nấu gần chín thì cho thêm bông atisô vào, dùng lửa nhỏ nấu thành cháo, cho thêm ít đường là ăn được.
Súp ngân nhĩ:
Nguyên liệu: ngân nhĩ (nấm tuyết) 5g, đường phèn 50g.
Cách làm: ngâm ngân nhĩ trong nước ấm 30 phút, đợi khi nở đều, cắt bỏ phần cuống, loại bỏ tạp chất, đem xé thành từng miếng nhỏ, cho vào nồi sạch, thêm lượng nước vừa phải, dùng lửa to đun sôi, hầm với lửa nhỏ 2 - 3 tiếng, cho đường phèn vào hầm đến khi ngân nhĩ nát ra mới thôi.
Nấm hương (nấm đông cô) ninh xà lách:
Nguyên liệu: nấm hương 10g, xà lách (hoặc xà lách soong) 100g, hành thơm 1 cọng, gừng 20g, dầu hào 2 thìa, muối, đường, bột năng.
Cách làm: nấm hương cắt bỏ cuống, rửa sạch, dùng dầu phi thơm hành, gừng rồi vớt ra, dùng dầu còn lại xào nấm tươi, rồi cho dầu hào, đường, muối vào đun sôi, sau đó dùng lửa nhỏ nấu cho thấm gia vị.
Dùng bột làm sệt nước chấm, xà lách cắt miếng to, rửa sạch rồi dùng dầu xào chín, cho gia vị vào, xào xong ráo nước xếp vào mâm rồi cho nấm tươi xào lên trên
Những ngày có lưu hành các dịch cúm nguy hiểm như H5N1, chúng ta cần: làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; chú ý ăn các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng như: tỏi, hành tím, đinh hương, nghệ, gừng, mật ong cùng các loại trái cây giàu khoáng chất vitamin. Cũng cần dùng các loại thực phẩm giàu protein gồm: thịt heo, thịt bò, thịt gà…
Theo Suckheodoisong