Chẩn đoán u tủy.
U tủy đã được biết đến từ rất lâu nhưng để chẩn đoán được bệnh khi người bệnh còn sống thì mới chỉ khoảng hơn một trăm năm nay. Trước đây các chẩn đoán thường chỉ dựa vào các triệu chứng và nhận xét chủ quan của các thầy thuốc.
U tủy đã được biết đến từ rất lâu nhưng để chẩn đoán được bệnh khi người bệnh còn sống thì mới chỉ khoảng hơn một trăm năm nay. Trước đây các chẩn đoán thường chỉ dựa vào các triệu chứng và nhận xét chủ quan của các thầy thuốc.
Nhưng từ khi y học chứng cứ ra đời và phát triển, công tác chẩn đoán bệnh đã được hỗ trợ bởi các chẩn đoán bằng hình ảnh và các dữ liệu khách quan khác.
Cuối thế kỉ 19, Xquang ra đời đã làm thay đổi hẳn công tác chẩn đoán bệnh của nhiều loại bệnh, trong đó có u tủy. Dựa trên những hình ảnh khuyết xương bất thường mà người ta có thể nghĩ đến một khối u tủy sống ăn mòn xương. Tuy nhiên, không phải u nào cũng ăn mòn xương và không phải xương nào bị mất cũng do u tủy.
Năm 1919, cùng với sự phát triển của Xquang, Dandy đã phát minh ra một loại hình ảnh để chẩn đoán u tủy là khí tủy đồ. Người ta bơm không khí vào trong các khoang giữa màng nhện và màng nuôi của tủy sống rồi chụp Xquang. Những chỗ nào có không khí sẽ có hình ảnh khác với những chỗ có khối u làm cho không khí không tồn đọng. Sau đó vài năm người ta lại phát minh ra thuốc cản quang dạng lỏng và người ta bơm chúng vào khoang giữa màng nhện và màng nuôi, sử dụng Xquang để xác định chúng. Ban đầu thì chỉ có các thuốc cản quang tan trong dầu, chúng không thể hấp thu được trong cơ thể và sự tồn lưu của chúng ở trong cơ thể gây ra hàng loạt các vấn đề. Vì vậy người ta chỉ đưa vào vài giọt và mang soi trên màn hình Xquang, khi dốc hoặc nghiêng người bệnh, những giọt thuốc sẽ di chuyển, đường đi của những giọt thuốc cho thấy có một chỗ nào đó không thể xâm nhập được, đó có thể là thành của khối u. Sau này người ta nghiên cứu ra các loại thuốc cản quang tan trong nước, chúng có thể được cơ thể hấp thu nên người ta có thể bơm nhiều vào cơ thể và chụp được những tấm hình có hình ảnh ranh giới của khối u rõ ràng gọi là tủy đồ. Ban đầu các loại thuốc cản quang tan trong nước gây giựt cơ rất dữ dội, có những bệnh nhân đã chết do giựt bởi thuốc bơm vào khoang giữa màng nhện và màng nuôi của tủy sống. Về sau này người ta phát minh ra các loại thuốc không gây giựt nhưng rất may cho người bệnh và hơi buồn cho các nhà sản xuất thuốc vì thời gian thịnh của các loại thuốc đó vô cùng ngắn, gần như chỉ thoáng qua vì người ta đã phát minh ra một phương tiện chẩn đoán u tủy cực kì chính xác, chi tiết, an toàn, đó là cộng hưởng từ. Cho đến tận những năm 90 của thế kỉ 20, ở nước ta vẫn còn áp dụng các phương pháp chẩn đoán bằng bơm khí hoặc thuốc cản quang tan trong dầu hoặc tan trong nước để chẩn đoán u tủy. Hiện nay, ở một vài nơi người ta vẫn dùng tủy đồ để chẩn đoán u tủy, có một số nơi chụp CTScan sau khi bơm thuốc cản quang tan trong nước vào khoang giữa màng nhện và màng nuôi của tủy sống.
Công hưởng từ ra đời là một cuộc cách mạng trong chẩn đoán các bệnh lí về cột sống, tủy sống, não và khớp. Các chữ viết tắt của cộng hưởng từ trong tiếng Anh là MRI, và người ta vẫn thường đọc là em-mờ-rai (giống như xi-ti cho chữ CT hay ti-vi cho chữ TV). MRI là một phương pháp chụp ảnh cơ thể dựa trên nguyên lí của sự cộng hưởng giữa sóng radio và từ trường. Người bệnh được đặt trong một từ trường, các véc tơ từ của nguyên tử hydro (có trong nước ở các bộ phận của cơ thể) sẽ xoay theo hướng của từ trường. Khi phát một xung radio ngang qua từ trường, các véc tơ từ của các nguyên tử hydro sẽ bị dao động và phát ra một năng lượng của sự cộng hưởng giữa xung radio và từ trường. Máy sẽ ghi nhận lại năng lượng cộng hưởng đó và tính toán cho ra một hình ảnh về cơ thể của khu vực được chụp. Như vậy hình ảnh MRI có được dựa trên mật độ nước trong các bộ phận được chụp. Đối với các bộ phận có ít nước như xương hoặc các thương tổn hóa vôi, hình ảnh MRI thường ít có giá trị trong khi đối với tủy sống, não, các dây chằng, cơ, dây thần kinh… hình ảnh MRI thường rất rõ ràng và có giá trị chẩn đoán cao.
Trong các trường hợp u tủy, khi chụp MRI người ta thường phải bơm một loại thuốc làm thay đổi khả năng cộng hưởng vào trong máu, thuốc sẽ theo máu đến khối u, và tùy theo lượng máu đến nhiều hay ít (ghi nhận được bởi hình ảnh cho thấy có nhiều chất thuốc đó hay không) mà người ta suy ra bản chất của các khối u, loại u gì, lành hay ác.
Hình ảnh MRI không chỉ giúp cho chẩn đoán mà còn giúp cho cả quá trình điều trị. Chúng giúp xác định sự liên quan giữa khối u và các bộ phận xung quanh để khi mổ bóc tác khối u dễ dàng hơn.
Ngoài chẩn đoán xác định có hay không có khối u, người ta còn có những chẩn đoán hình ảnh khác như chụp mạch máu tủy, đo điện cơ hoặc cả siêu âm.
Chụp mạch máu tủy thường để phân biệt với các bệnh lí thuộc về mạch máu tủy nhưng mục đích thường được các bác sĩ chọn lựa khi chỉ định chụp mạch máu tủy cho các trường hợp u tủy là tìm ra nguồn của mạch máu nuôi khối u đối với những khối u có quá nhiều máu đến nuôi để có thể dễ dàng cô lập nguồn nuôi khi mổ, tránh gây mất máu cũng như lúng túng gây ra những biến chứng không đáng có.
Đo điện cơ thường để xác định chức năng của các vùng của tủy sống hoặc dây thần kinh, thường dùng để xác định mức độ thương tổn hoặc tiên lượng sau này.
Siêu âm trong chẩn đoán u tủy đôi khi cũng được thực hiện ở những người bệnh mà vị trí của khối u nằm ở chỗ không có xương bao bọc, hoặc là ở những vùng đã được cắt xương khi mổ trước đây nay tái phát u hoặc là đối với những phần lan ra ngoài ống sống của u hình quả tạ đôi (dumbbell).
CTScan cũng được dùng trong chẩn đoán u tủy, đặc biệt là đối với các trường hợp u có hủy xương hoặc bào mòn xương, u hình quả tạ đôi. Ở những trường hợp này, CTScan giúp xác định tình trạng của xương để có những quyết định chính xác về phương pháp điều trị. Trong một số trường hợp người bệnh không thể chụp được MRI, có thể do có dị vật kim loại trong cơ thể, đặt máy tạo nhịp tim hoặc sợ không gian kín… người ta có thể dùng hình ảnh CTScan chụp sau khi bơm thuốc cản quang tan trong nước vào khoang giữa màng nhện và màng nuôi rồi tái tạo lại để thay thế cho hình ảnh MRI, tuy nhiên nó chỉ có giá trị khi không có hình ảnh MRI chứ không thay thế hoàn toàn được.
Sau khoảng 10 năm xuất hiện máy chụp cộng hưởng từ đầu tiên ở nước ta, hiện nay, việc chẩn đoán u tủy bằng MRI là một việc bình thường đến mức mà ngay cả một số bác sĩ cũng còn không biết đến các phương pháp chẩn đoán khác vì trong nhiều trường hợp, chỉ hình ảnh MRI cũng đủ để chẩn đoán u tủy.
(Nguồn: Yhoctuxa)