Nhiều bệnh viện ngừng tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ
3 bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bưu điện, 198 tại Hà Nội hôm nay đều đã tạm dừng tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ mới sinh, sau khi có 4 ca tử vong liên tiếp liên quan đến văcxin này trong vài ngày qua.
3 bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bưu điện, 198 tại Hà Nội hôm nay đều đã tạm dừng tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ mới sinh, sau khi có 4 ca tử vong liên tiếp liên quan đến văcxin này trong vài ngày qua.
Mặc dù Bộ Y tế mới chỉ khuyến cáo ngừng tiêm trên toàn quốc đối với 2 lô văcxin chích cho 3 em bé gặp tai biến sau tiêm ở Quảng Trị, song tại Hà Nội, một số bệnh viện đã "đón đầu" bằng cách tạm dừng hoàn toàn đối với văcxin viêm gan B.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã yêu cầu nhân viên tiêm chủng tại đây ngừng tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. "Trước tình trạng nước sôi lửa bỏng hiện nay, việc đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ được đặt lên hàng đầu nên chúng tôi quyết định tạm ngưng. Với những trẻ có nguy cơ mắc bệnh do mẹ bị viêm gan B vẫn được sử dụng kháng thể phòng bệnh", một lãnh đạo bệnh viện này cho biết.
Một bác sĩ khoa sản Bệnh viện Bưu Điện cho hay đơn vị này cũng đã tạm ngừng chích ngừa viêm gan B cho trẻ mới sinh, cho đến khi có thông tin chính xác về vụ việc 3 trẻ tử vong sau tiêm văcxin này ở Quảng Trị.
Tại Bệnh viện 198 (thuộc Bộ Công an), tất cả các sản phụ đều cho biết ngay khi có thông tin có tai biến sau tiêm, các bác sĩ đã dừng tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ. Chị Ninh (32 tuổi, Đại Mỗ, Từ Liêm), vừa sinh con được 3 ngày. Chị cho biết từ lúc mang thai đã tìm hiểu và biết văcxin viêm gan B nên tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh để đạt hiệu quả phòng ngừa tốt nhất. Tuy nhiên, thông tin trẻ bị chết sau tiêm khiến chị dè chừng hơn. May thay, bệnh viện đã cho dừng tiêm văcxin này. Dù vậy, việc dừng tiêm cũng khiến chị lo lắng do sợ con lây virus bệnh.
"Bác sĩ tư vấn đợi qua đợt này rồi đưa con đến Trung tâm y tế dự phòng hay về xã để tiêm. Giờ tôi cũng không biết phải tiêm cho bé ở đâu, như thế nào", chị Ninh cho biết.
Anh Nguyễn Đạt Thông (30 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) - có con trai vừa chào đời đêm 22/7 tại Bệnh viện 198 - thở phào vì biết bệnh viện đã cho dừng tiêm văcxin viêm gan B. Anh nói: "Tuy là việc tiêm phòng quan trọng nhưng trong lúc rối ren này ngừng tiêm vẫn đỡ lo hơn. Trước đó, vợ chồng tôi cũng chủ trương không tiêm cho con sau sinh. Đợi cháu cứng cáp hơn tiêm cho an toàn".
Một nhân viên Khoa sản Bệnh viện 198 xác nhận đã ngừng tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ vài ngày qua.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã ngưng tiêm phòng văcxin viêm gan B ngay sau khi có thông tin từ Quảng Trị. Tuy nhiên sau 1 ngày cơ sở này đã tiêm trở lại bình thường, đồng thời loại trừ 2 lô văcxin như khuyến cáo của Bộ Y tế, giám đốc bệnh viện cho biết.
Một lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, chỉ yêu cầu các cơ sở dừng tiêm số văcxin viêm gan B đã được cấp phát cùng lô sản phẩm liên quan đến vụ 3 em bé ở Quảng Trị, còn các lô khác chích bình thường. Ông cho biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh viện Trung ương, bệnh viện của bộ ngành và các đơn vị này thực hiện việc tiếp tục tiêm hay ngừng theo chỉ đạo từ Bộ Y tế hoặc bộ, ngành đó.
Vị này cũng cho rằng, các bà mẹ cũng như bác sĩ cần hết sức bình tĩnh, không nên quá hoang mang dừng tiêm hoàn toàn văcxin viêm gan B cho trẻ, vì có thể ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh sau này của các em. Theo ông, tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh nằm trong chiến lược khống chế và tiến tới loại trừ bệnh viêm gan B - viêm gan virus rất nguy hiểm.
Gánh nặng bệnh tật do viêm gan B ở Việt Nam rất nặng nề. Tỷ lệ người mang virus viêm gan B ở nước ta nhiều. Kể cả người mẹ không mắc viêm gan nhưng trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.
"Trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mãn tính. 80% trường hợp ung thư gan và xơ gan là liên quan đến viêm gan B mãn tính. Vì thế, để phòng viêm gan B thì cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 3 mũi văcxin cho trẻ, trong đó mũi đầu tiên phải tiêm sớm trong vòng 24 giờ đầu", ông nói.
Ngày 20/7, ba em bé sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, cùng được chích ngừa văcxin viêm gan siêu vi B. Khoảng 10 phút sau, các bé tím tái người, lịm dần rồi qua đời. Một ngày sau, một em bé sơ sinh ở Bình Thuận cũng tử vong sau tiêm văcxin này. Nguyên nhân các bé gặp nạn đang được cơ quan chức năng điều tra. Nhiều phụ huynh hoang mang không dám đưa con đi tiêm chủng.
Theo Vnexpress.net