Chuyện thần thoại của y học Việt Nam
Bạn mong muốn điều gì khi chẳng may bị mất đi một bộ phận nào đó của cơ thể? Hẳn là bạn rất mong được sống trong thế giới cổ tích, với sự biến hóa có thể giúp bạn lành lặn trở lại. Với các công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính đột phá khoa học của PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình - giấc mơ đó giờ đây không chỉ có trong thế giới thần tiên, mà nó đang dần trở thành hiện thực qua việc ứng dụng thành công những kết quả nghiên cứu trong điều trị lâm sàng tại Bệnh viện TWQĐ 108.
Bạn mong muốn điều gì khi chẳng may bị mất đi một bộ phận nào đó của cơ thể? Hẳn là bạn rất mong được sống trong thế giới cổ tích, với sự biến hóa có thể giúp bạn lành lặn trở lại. Với các công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính đột phá khoa học của PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình - giấc mơ đó giờ đây không chỉ có trong thế giới thần tiên, mà nó đang dần trở thành hiện thực qua việc ứng dụng thành công những kết quả nghiên cứu trong điều trị lâm sàng tại Bệnh viện TWQĐ 108.
Hành trình giành lại đôi chân
Bệnh nhân (BN) Trần Đức L. (ở Hải Phòng) chẳng may bị tai nạn xe hơi năm 8 tuổi. Tai nạn kinh hoàng đã làm cho hầu như toàn bộ phần mềm ở cẳng chân và khớp cổ chân trái của BN bị giập nát. Các bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Tiệp đã sơ cứu thành công bước đầu để giúp cho L. giữ lại được phần chi thể của mình cho dù nó không còn lành lặn nữa. L. cứ lớn dần lên với cẳng chân trái teo nhỏ và không còn có thể phát triển giống như chân lành. Đoạn xương và cơ ở chân trái bị mất quá lớn kèm theo các vết sẹo co kéo đã làm cho chi dưới của L. bị méo mó, biến dạng hoàn toàn. Do không thể sử dụng được cẳng chân, khớp cổ chân và bàn chân trái nên cuộc sống của L. gắn liền với đôi nạng ngay từ sau tai nạn. Suốt 12 năm sau đó, mặc dù đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bổ sung nhiều lần tại các bệnh viện lớn trong cả nước, nhưng đôi chân của chàng trai chất phác vẫn không thể lành. Do tổn thương quá phức tạp và nặng nề nên việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn tốn kém, mất rất nhiều thời gian, tiền bạc nhưng cơ hội thành công lại hầu như không có, do vậy các bác sĩ đều tư vấn cho L. nên cắt cụt đùi và lắp chân giả để hy vọng tránh được biến dạng khớp háng sau này. Mang sự tuyệt vọng tới Bệnh viện TƯQĐ 108, L. coi đây là lần khám bệnh cuối cùng trước khi phải chấp nhận quyết định hết sức khó khăn nói trên.
Tại Viện Chấn thương Chỉnh hình (CT-CH) thuộc BVTƯQĐ 108, L. đã được gặp các giáo sư bác sĩ đầu ngành về CT-CH trong quân đội. Sau khi cân nhắc và hội chẩn kỹ càng với các đồng nghiệp trong Viện, được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của GS.TSHK Nguyễn Văn Nhân, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình, PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng nhận thấy có thể ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học mới được thực hiện thành công của ông về tân tạo tuần hoàn (TTTH) - đề tài nghiên cứu đã được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận - để chữa trị cho trường hợp khó khăn này. Sau khi L. được tư vấn kỹ về những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật và điều trị, L. đã đồng ý trở thành người đầu tiên trên thế giới được áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới nhất trong phẫu thuật tạo hình để điều trị tổn thương phức tạp này. Và thế là hành trình gian nan của L. để giành lại đôi chân lành lặn được bắt đầu...
Trong suốt quá trình điều trị kéo dài gần 3 năm, PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng cùng các đồng nghiệp trong Viện CT-CH đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhất trên thế giới, dựa theo những kết quả thu được từ đề tài nghiên cứu. Bằng phương pháp tạo vạt vi phẫu chủ động với kích thước rất lớn dựa trên nguyên lý về TTTH, toàn bộ phần mềm xơ sẹo và không có chức năng ở mặt sau của cẳng chân đã được thay thế hoàn hảo bởi một vạt tổ chức nhân tạo tự thân phức hợp được tưới máu tốt. Tiếp đó, các bác sĩ trong Viện CT-CH đã tiến hành kéo dài xương rồi chỉnh lại khớp cổ chân, chỉnh lại trục của chi dưới, kết hợp đồng thời với việc cân bằng lại lực co kéo của các gân và cơ ở vùng cổ chân và bàn chân. Vượt qua thách thức phẫu thuật, nay L. đã hoàn toàn mãn nguyện với đôi chân mới được phục hồi của mình.
Một đề tài nghiên cứu mang tính đột phá trong y học thế giới
Vậy tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào (NCTB) là gì mà chúng lại có thể làm nên những điều kỳ diệu đến như vậy?
Trở về Việt Nam sau khi nhận Giải thưởng khoa học Friedrich Wilhelm Bessel-Forschungspreis do quỹ học bổng Alexander von Humboldt (CHLB Đức) trao tặng cho đề tài nghiên cứu khoa học “Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo các tổ chức sống mới tự thân có cấu trúc không gian ba chiều”, PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng trở thành người Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ tư được nhận được giải thưởng nghiên cứu khoa học cao quý này (trước đó là 3 nhà khoa học của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc). Khi trao đổi với PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng về đề tài nghiên cứu khoa học nói trên, ông vui vẻ cho biết: Trần Đức L. chính là BN đầu tiên trên thế giới được điều trị thành công theo phương pháp sử dụng vạt vi phẫu chủ động với cuống tĩnh mạch đơn độc được động mạch hóa.
Về ý nghĩa và giá trị của đề tài nghiên cứu khoa học nói trên, trong một hội nghị quốc tế lớn ở Berlin, GS.TSKH E. Biemer - nguyên Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật và phẫu thuật tạo hình của Đức, cho rằng: “Vi tuần hoàn và nuôi cấy tế bào chính là tương lai của y học hiện đại”.
Kết hợp tân tạo tuần hoàn với nuôi cấy tế bào trên khuôn vật liệu sinh học, phương pháp đề xuất của PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng cho phép tạo ra được các cơ quan hoặc tổ chức sống mới nhân tạo tự thân có cấu trúc không gian ba chiều được nuôi dưỡng dạng trục mạch dùng để thay thế các cơ quan bị khuyết tật hoặc bị hư hỏng trên cơ thể. Những ý tưởng nghiên cứu mang tính đột phá trong lĩnh vực y học này của ông đã được cộng đồng khoa học trên thế giới công nhận và đề cử cho những giải thưởng khoa học lớn trên thế giới.
Theo PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng, có thể hiểu một cách nôm na về toàn bộ ý tưởng và giá trị của công trình khoa học này như sau: khi sử dụng nguyên lý của phương pháp này, người ta có thể chủ động tạo ra được các cơ quan mới từ chính các tế bào lành lặn trên cơ thể của mình qua việc lấy ra những tế bào khỏe mạnh, nhân giống chúng để tạo ra các cơ quan tương ứng, rồi dùng chính những cơ quan mới được chủ động tạo ra này để cấy ghép nhằm thay thế cho các cơ quan, các tổ chức trong cơ thể đã bị bệnh tật hoặc đã bị hư hỏng từ trước đó. Nguyên lý của phương pháp chính vì thế cho phép tối ưu hóa kết quả điều trị cả về mặt chức năng, thẩm mỹ cũng như hình thể giải phẫu.
Phương pháp TTTH và nuôi cấy tế bào là một kỹ thuật hết sức phức tạp và cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều chuyên ngành khác nhau. Mặc dù hiện tại còn có những thách thức về mặt công nghệ, tuy nhiên, theo PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng, người ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, giấc mơ của thầy thuốc và của bệnh nhân trong việc tạo ra các bộ phận thay thế trên cơ thể con người bằng chính tổ chức tự thân như: tạo ra tai, mũi, một đoạn xương, đoạn khớp hay thậm chí là cả 1 quả tim, quả thận, một đoạn ruột, một cánh tay, hay một bàn tay, bàn chân... sẽ có thể trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.
Hy vọng rằng, với công trình nghiên cứu độc đáo này của PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng, một trang sử mới cho y học nước nhà sẽ được mở ra và Việt Nam có thể được đánh dấu bởi một mốc son trong bản đồ y học thế giới.
Theo SKDS