Bắt cha mẹ ký cam kết trước khi tiêm chủng là sai
Bệnh viện, sơ sở y tế bắt cha mẹ phải ký cam kết chịu trách nhiệm về những tai biến sau tiêm trước khi tiêm chủng cho trẻ là hoàn toàn sai.
Bệnh viện, sơ sở y tế bắt cha mẹ phải ký cam kết chịu trách nhiệm về những tai biến sau tiêm trước khi tiêm chủng cho trẻ là hoàn toàn sai.
TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Tiêm chủng mở rộng: Những vấn đề cần giải đáp”, do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng ngày 2/8.
Theo ông Huấn, hoàn toàn chưa có một quy định nào như trên. Chỉ có việc phải thực hiện ký cam kết tổ chức đúng quy trình tiêm chủng đối với các cơ sở tiêm chủng. Và chỉ có đề nghị các bậc phụ huynh hợp tác với cơ quan y tế theo dõi trẻ sau tiêm. Các bà mẹ cũng hoàn toàn có quyền hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin mà con mình được tiêm và có quyền đề nghị lưu lại vỏ thuốc đã sử dụng.
Cũng theo TS. Huấn, để kiểm soát tốt và nâng cao chất lượng tiêm chủng cần làm rõ hơn điều 30 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, cụ thể là làm rõ hơn trách nhiệm của chủ tịch UBND các tỉnh, cán bộ tiêm chủng, cơ quan cung cấp và quản lý vắc xin… Và một điều nữa là cần bắt buộc phải khám sàng lọc trước tiêm để tránh những tai biến xấu xảy ra và an toàn hơn cho trẻ, tuy nhiên theo ông hầu như hiện nay chúng ta chưa làm tốt được công tác này.
Điều tra về 3 trẻ tử vong sau tiêm: Tại sao chuyển sang Bộ Công an?
Liên quan đến 3 ca trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hoá, Quảng trị vừa qua, TS. Huấn cho biết hiện Bộ Y tế đã đề nghị cơ quan Công An vào cuộc. Lý giải cho việc này, ông Huấn cho rằng vì hiện Bộ Y tế vừa là cơ quan sản xuất vắc xin, vừa là cơ quan đứng ra bảo quản vắc xin, tổ chức tiêm chủng mở rộng, vừa theo dõi và kết luận về hiệu quả tiêm chủng, như vậy dễ bị coi là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chính vì thế, để minh bạch hơn trong việc điều tra và kết luận về nguyên nhân tử vong của các trường hợp trên nên Bộ Y tế đề nghị chuyển sang Bộ Công an. Rõ ràng về nghiệp vụ điều tra Bộ Công an sẽ làm tốt hơn.
Theo TS. Huấn, có thể xem xét 3 nguyên nhân chính dẫn đến trẻ từ vong sau tiêm vắc xin. Một là do tại vắc xin, hai là do sai sót trong quá trình tiêm chủng, ba là tỷ lệ chết sinh (hội chứng đột tử). Nhưng ở 3 trường hợp trẻ tử vong trên loại trừ hội chứng đột tử, vậy còn lại có thể do vắc xin hoặc quy trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, trong trường hợp điều tra rõ nguyên nhân những cái chết trên, bên nào có liên quan, có sai sót thì phải chịu trách nhiệm. Nếu do nhà sản xuất vắc xin thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, nếu do người tiêm thì người tiêm phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhận. Nếu có chứng từ, giấy tờ chứng minh những bên liên đới đã làm sai thì cũng phải xử lý theo đúng luật.
Muốn bảo vệ giống nòi cần tiêm phòng
Cũng tại buổi trao đổi trên, PGS.TS. Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn sức khỏe cộng đồng, nguyên Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia vẫn nhấn mạnh và khuyến cáo các bà mẹ cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ. Tiêm phòng là góp phần bảo vệ giống nòi khoẻ mạnh.
Thực tế và kinh nghiệm của Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong hơn 25 năm qua và ở các nước trên thế giới cho thấy rất rõ, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Bằng tiêm chủng vắc xin, tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Sỹ Hiển chẳng có thuốc nào, sinh phẩm nào, vắc xin nào lại bảo đảm tuyệt đối an toàn. Vắc xin cũng như các thuốc dùng trong điều trị, đều có thể gây ra những phản ứng không mong muốn khi sử dụng, đấy là điều không tránh khỏi, nhưng đó là những tín hiệu để chúng ta cân nhắc thận trọng hơn về an toàn tiêm chủng.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các bậc phụ không nên hoang mang, lo lắng và nên tiếp tục cho con em mình đi tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin.
Những qui định hiện hành của Bộ Y tế về an toàn tiêm chủng khá chặt chẽ, đầy đủ. Việc giảm thiểu nguy cơ tai biến sau tiêm chủng, chúng ta có thể làm được. Để giảm thiểu nguy cơ gặp tai biến sau tiêm chủng, cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm trong thực hành an toàn về tiêm chủng như: cung cấp thông tin chính xác về vắc xin cần tiêm cho bố mẹ của trẻ; bảo quản vắc xin theo đúng qui trình; thực hiện đúng kỹ thuật tiêm chủng để đạt hiệu quả cao nhất. Tiến hành khám sàng lọc đầy đủ cho trẻ trước khi tiêm, thực hiện tốt việc tư vấn cho gia đình và theo dõi trẻ chặt chẽ sau tiêm chủng.
TS. Nguyễn Trần Hiển cho biết, công tác thanh kiểm tra là công tác thường xuyên, tuy nhiên sau khi có một số ca tai biến và tử vong gần đây, tới đây sẽ tổ chức thanh kiểm tra toàn diện (từ nhân sự, trang thiết bị, sổ sách, công tác vận chuyển, cấp phép vắc xin đến quá trình tiêm chủng). Chúng ta cũng sẽ huy động toàn bộ lực lượng tham gia thanh kiểm tra.
Theo VNmedia