Nhân bản thành công phôi người từ da người
Hôm qua 15-5, các chuyên gia Mỹ đã công bố một đột phá mới chưa từng có trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc. Đó là việc họ có thể chế tạo tế bào gốc phôi thai từ tế bào da người.
Sơ đồ nhân bản phôi từ da người - Nguồn: do giáo sư Mitalipov cung cấp
Theo AFP, các nhà khoa học thuộc ĐH Oregon State đã công bố thành tựu này trên tạp chí khoa học Cell. Lần đầu tiên trên thế giới các chuyên gia có thể tạo ra tế bào gốc có khả năng biến đổi thành bất kỳ loại tế bào nào khác trong cơ thể mà không cần đến việc sử dụng phôi thai.
Chuyên gia Shoukhrat Mitalipov thuộc Trung tâm Nghiên cứu sinh trưởng quốc gia Oregon cho biết kỹ thuật này bao gồm việc cấy ADN một cá nhân vào một tế bào trứng đã bị lột bỏ vật liệu gen. “Kiểm tra cho thấy tế bào gốc chiết suất từ kỹ thuật này có thể biến đổi giống như tế bào gốc phôi thai, trở thành nhiều loại tế bào như tế bào thần kinh, gan, tim...” - chuyên gia Mitalipov cho biết.
Ông khẳng định việc chế tạo tế bào gốc từ chính gen của bệnh nhân sẽ loại trừ nguy cơ cơ thể bệnh nhân thải bộ phận cấy ghép. “Tất nhiên còn rất nhiều việc phải làm để phát triển các liệu pháp trị bệnh bằng tế bào gốc trở nên an toàn và hiệu quả, nhưng chúng tôi tin rằng đây là bước tiến lớn tới việc phát triển tế bào gốc phục vụ cấy ghép trị bệnh” - ông Mitalipov nhấn mạnh.
Tuy nhiên, mục đích của nghiên cứu không phải là tạo ra những con người nhân bản vô tính, mà chỉ là tạo ra các tế bào gốc có thể phát triển thành cơ bắp, thần kinh, hay các tế bào khác tạo nên những mô cơ thể. Quá trình này, theo giáo sư Mitalipov, chỉ mất vài tháng, một khoảng thời gian ngắn đáng ngạc nhiên với một cột mốc quan trọng như thế.
“Đột phá này dẫn tới nghi vấn rằng có thể nhân bản vô tính con người. Tuy nhiên đó không phải là vấn đề chúng tôi quan tâm và chúng tôi tin rằng khám phá này sẽ không thể giúp hiện thực hóa khả năng nhân bản vô tính người” - nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Các nhà khoa học hi vọng liệu pháp tế bào gốc sẽ giúp y học phát triển các phương pháp chữa bệnh Parkinson, xơ cứng động mạnh, tổn thương cột sống, mù...
Trong trường hợp của cừu Dolly 17 năm trước, những tế bào này được phép phát triển tiếp thành một phôi, sau đó phôi này được cấy vào một con cừu cái để sinh ra con cừu nhân bản vô tính. Nhưng Mitalipov nói ông không có ý định tạo ra một con người nhân bản vô tính, mà chỉ tạo ra các tế bào gốc, những tế bào này sau đó sẽ được xử lý để tạo thành những quả tim, dây thần kinh hay các tế bào khác giúp chữa bệnh.
“Tôi cho rằng đó là một tiến bộ vượt bậc”, Dieter Egli, thuộc Quỹ nghiên cứu tế bào gốc New York, Đại học Columbia, nói. “Tôi rất tự tin rằng kỹ thuật này sẽ hoạt động hiệu quả”. Egli là một trong chỉ vài nhà khoa học đang làm việc để hoàn thiện các kỹ thuật tạo ra tế bào gốc nhân bản ở người.
Năm 2004, Woo Suk Hwang, một nhà khoa học Hàn Quốc của Đại học quốc gia Seoul, từng tuyên bố nhân bản thành công tế bào gốc người, nhưng sau đó ông thừa nhận mình làm giả nghiên cứu và dữ liệu. Vụ bê bối, cùng những quan ngại về đạo đức do lo sợ sẽ tạo ra con người nhân bản vô tính, đã khiến các nghiên cứu chậm lại nhiều trong mười năm qua.
“Mặc dù chúng tôi không làm gì hoàn toàn mới, sự kết hợp đúng đắn, thời điểm đúng đắn và sự tập trung đúng đắn đã tạo ra sự khác biệt”, Mitalipov nói. Ông ước tính 50% của việc tạo ra tế bào gốc thành công phụ thuộc vào chất lượng trứng và 50% còn lại liên quan tới quá trình do con người thực hiện.