Bệnh sởi
Hỏi: Bệnh sởi trước đây nghe nói chỉ trẻ nhỏ mắc, nhưng hiện giờ có dịch sởi ở người lớn tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Như vậy người lớn có cần tiêm phòng sởi?
Hỏi:Bệnh sởi trước đây nghe nói chỉ trẻ nhỏ mắc, nhưng hiện giờ có dịch sởi ở người lớn tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Như vậy người lớn có cần tiêm phòng sởi?
Nguyễn Đức Tân (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) Trả lời: Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan rất mạnh, do vi-rút sởi gây nên, lây truyền qua đường hô hấp (do hít phải vi-rút trong không khí, bắn ra từ người bệnh khi ho, hắt hơi). Thời gian ủ bệnh từ 4-12 ngày với các biểu hiện như: sốt cao, có thể kéo dài từ 3-4 ngày, ho, sổ mũi, viêm kết mạc (mắt đỏ, chảy nước mắt) và đặc biệt là phát ban toàn thân dạng sởi. Ban sởi thường mọc bắt đầu sau tai, cổ, xuống ngực, lưng, bụng và tứ chi; khi ban lặn sẽ để lại những vết thâm và da bong tróc nhẹ tạo thành những vết hằn như da hổ. Đây là một đặc điểm quan trọng giúp phân biệt ban sởi với các loại sốt phát ban khác. Bệnh thường tự khỏi trừ trường hợp bị biến chứng. Các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, suy dinh dưỡng, viêm não màng não, dễ tử vong. Lịch tiêm phòng sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng được chỉ định cho trẻ từ 9-11 tháng tuổi và chỉ tiêm một lần. Trong năm 2002, 2003 có chiến dịch tiêm nhắc lại mũi sởi thứ hai cho tất cả trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi trong toàn quốc. Ngoài ra, việc tiêm phòng sởi nhắc lại cho trẻ cũng được chỉ định ở những nơi nguy cơ có dịch. Không có loại vắc-xin nào có thể tạo được đáp ứng miễn dịch (tức tạo khả năng bảo vệ cơ thể) 100%. Vắc-xin sởi cũng vậy, hiệu lực theo lý thuyết khoảng 95%, tức cứ 100 trẻ được tiêm phòng sẽ có khoảng 5 trẻ không có tác dụng, chủ yếu là do đặc điểm miễn dịch của từng cá thể, không phải do chất lượng vắc xin. Việc tiêm phòng rộng rãi cho tất cả trẻ em từ nhiều năm nay đã làm giảm tỉ lệ mắc cũng như tỉ lệ tử vong do sởi ở trẻ em xuống rất nhiều. Dịch sởi hiện nay ở các tỉnh phía Bắc chủ yếu xảy ra ở độ tuổi thanh, thiếu niên (15-25 tuổi). Các trường hợp này có thể trước đây chưa được tiêm phòng sởi. Mặc dù chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai hơn 20 năm nay, nhưng ở giai đoạn đầu, tỉ lệ tiêm phòng có thể chưa cao. Hiện nay vắc xin phòng sởi chỉ có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Không có loại vắc xin đơn giá (phòng một bệnh) phòng sởi cho người lớn. Tại các Trung tâm Y tế dự phòng hiện có loại vắc xin đa giá, tiêm một mũi phòng ba bệnh: sởi, quai bị, rubella, thường được tiêm cho trẻ 12-15 tháng tuổi; liều thứ hai được tiêm khi trẻ lên 4-6 tuổi, nhưng không nên quá 11-12 tuổi, có khuyến cáo có thể dùng cho người lớn. Lưu ý: Nếu bạn đang sống, sinh hoạt trong nhà hoặc trong tập thể có người đang bị bệnh sởi, việc tiêm phòng lúc này sẽ không hiệu quả vì có thể bạn đã bị nhiễm vi rút sởi nhưng không bệnh hoặc đang trong giai đoạn ủ bệnh. Tiêm vắc xin phòng bệnh chỉ phát huy tác dụng phòng bệnh sớm nhất 2 tuần sau khi tiêm. Nếu biết chắc từ nhỏ đã được tiêm phòng đủ hoặc đã từng mắc bệnh sởi thì cũng không phải lo bị mắc bệnh lại.
BS ĐOÀN VĂN HẢI
(TheoPhú Yên Online)