12 điều chưa biết về tinh trùng
Trong tương lai, tinh nguyên bào gốc có thể được lấy từ bệnh nhân tại mọi độ tuổi, trữ đông sau đó cấy trở lại vào tinh hoàn để sinh tinh, tạo tinh trùng...
Trong tương lai, tinh nguyên bào gốc có thể được lấy từ bệnh nhân tại mọi độ tuổi, trữ đông sau đó cấy trở lại vào tinh hoàn để sinh tinh, tạo tinh trùng...
Chính nhờ những phát hiện độc đáo về tinh trùng và các yếu tố ảnh hưởng tới chúng, các nhà khoa học mang đến cho cộng đồng những thông tin thiết thực trong việc bảo vệ khả năng sinh sản của nam giới, và giải đáp nhiều thắc mắc vốn vẫn còn là mơ hồ với nhiều người.
1. Sự tạo tinh trùng chỉ xảy ra ở tinh hoàn, do các tế bào gốc đảm nhiệm
Đây chính là điều giúp hệ sinh dục nam có tính năng sản xuất “bao nhiêu năm cũng chạy tốt” và gần như kéo dài trong suốt cả cuộc đời của nam giới. Tế bào gốc sinh tinh được gọi là tinh nguyên bào gốc. Một tế bào gốc tự “photocopy” để thành một tế bào gốc khác (chuyển vào kho lưu trữ nên nguồn tế bào gốc không bao giờ cạn), và một tế bào mầm. Tế bào mầm tinh sẽ tự biệt hóa qua nhiều bước để cuối cùng thành tinh trùng.
2. Các tinh nguyên bào gốc được mong đợi sẽ là niềm hy vọng để khôi phục khả năng sinh sản của nam giới trong tương lai
Ví dụ, điều trị ung thư bằng thuốc gây độc các tế bào mầm và cả tinh nguyên bào gốc. Vì vậy, khi ung thư được chữa khỏi, người bệnh cũng hết khả năng sinh sản. Biến chứng này đặc biệt quan trọng ở các bé trai trước tuổi dậy thì, vì sự sinh tinh chưa bắt đầu nên chẳng có con tinh trùng nào để có thể nghĩ đến việc lưu trữ trong ngân hàng tinh trùng. Nhưng, do các tinh nguyên bào gốc tồn tại từ khi sinh, các tế bào gốc có thể được lấy từ tinh hoàn của bệnh nhân ở bất kỳ độ tuổi nào để được lưu trữ trước khi hóa trị bằng cách đông lạnh chúng. Khi bệnh nhân đã sẵn sàng có con, các tinh nguyên bào gốc này sẽ được rã đông và cấy trở lại tinh hoàn. Các tinh nguyên bào gốc được cấy này sẽ sinh tinh trở lại và tạo thành tinh trùng.
Cấy tế bào gốc từ một người đã có con bình thường vào tinh hoàn người khác (bị vô sinh vì tinh hoàn không tạo tinh trùng) cũng là một hướng chữa vô sinh trong tương lai. Hiện tại, cấy tế bào gốc chữa vô sinh chỉ mới được thực hiện trên chuột mà thôi. Bao nhiêu năm nữa sẽ tới người? Chắc ít ra cũng 20-30 năm nữa.
Tinh trùng vẫn còn nhiều điều mà các đấng mày râu vẫn chưa biết
3. Tinh dịch cũng chỉ là một chất dịch trong cơ thể mà thôi
Tinh dịch gồm bốn thành phần, lần lượt phóng ra khi xuất tinh. Đầu tiên, khi có kích thích tình dục vừa đủ, một lượng nhỏ dịch từ tuyến hành niệu đạo được tiết ra trước khi xuất tinh để bôi trơn niệu đạo, những người bị di tinh là do dịch của tuyến này tiết ra quá dồn dào. Khi sự phóng tinh bắt đầu, một phần dịch giàu tinh trùng được phóng ra, chứa tinh trùng từ ống dẫn tinh và dịch tuyến tiền liệt. Thành phần thứ ba, cũng là thành phần chiếm tỉ lệ nhiều nhất là dịch từ túi tinh, khoảng 1,0-2,5ml, chiếm 75% lượng dịch lúc phóng tinh. Tinh trùng và dịch mào tinh, chỉ chiếm dưới 10% lượng tinh dịch, được phóng xuất sau chót.
4. Tinh trùng được tinh dịch vận chuyển, cung cấp dinh dưỡng và che chở
Tinh trùng được tạo ra từ tinh hoàn, trưởng thành trong mào tinh kết hợp với tinh dịch được tiết ra từ các tuyến sinh dục phụ. Các tuyến sinh dục phụ gồm có tuyến tiền liệt, hai túi tinh và tuyến hành niệu đạo nối trực tiếp với niệu đạo.
Tinh dịch còn giúp tinh trùng tồn tại một thời gian tối ưu trong âm đạo cho phép kích hoạt khả năng thụ tinh và di chuyển vào tử cung, vòi trứng của nữ, pH hơi kiềm (7,2-7,8) của tinh dịch giúp trung hòa môi trường a –xít của âm đạo.
5. Ngừa thai bằng giao hợp gián đoạn thường thất bại dù đã “rút” sớm
Lý do là lượng dịch được phóng ra khi sự phóng tinh bắt đầu là lượng dịch giàu tinh trùng. Mặc dù chỉ chiếm chừng 0,5ml nhưng chỉ chút xíu dịch này thôi là đã đủ làm tăng nhân khẩu rồi.
6. Ngay sau khi xuất tinh, tinh dịch đông lại, vón cục, sền sện để hạn chế sự di chuyển tự do của tinh trùng
Sự đông xảy ra bằng các yếu tố làm đông và các enzyme riêng được sản xuất bởi các túi tinh. Bởi thế tinh dịch ngay sau xuất ra mà không đông, không vón cục, lỏng là có bệnh: bệnh ở túi tinh. Do không được trú ẩn trong những cục đông nên tinh trùng dễ bị tiêu diệt trong môi trường “lạ” của âm đạo. Sau 15-30 phút, tinh dịch đông bắt đầu hóa lỏng dưới tác động của enzyme phân giải protein do tuyến tiền liệt tiết ra. Quá trình hóa lỏng cho phép phóng thích dần dần tinh trùng từ tinh dịch. Tinh trùng di chuyển tới cổ tử cung và bơi ngược lên buồng tử cung, đi tới vòi trứng để thụ tinh trứng.
7. Tinh dịch có nhiều đường fructose, loại đường của trái cây
Tuy vậy, ăn nhiều trái cây chẳng giúp bổ tinh dịch vì fructose không thể “chạy” thẳng từ bao tử đến tinh dịch, mà fructose ăn vào sẽ bị các enzyme “bẻ gãy” thành chất glycoraldehyde, rồi chất này biến thành mỡ và đường glucose. Còn fructose trong tinh dịch được tạo thành từ đường glucose, do các tế bào trong túi tinh “tóm” lấy glucose trong máu, biến thành sorbitol, rồi thành fructose.
8. Không có chuyện tinh trùng yếu do thiếu kẽm
Kẽm có nhiều trong tinh dịch nên nhiều người muốn “khỏe” về sinh lý và tinh trùng, thích mua mấy viên kẽm về uống. Khỏe đâu không thấy mà coi chừng có ngày bị ngộc độc kẽm.
Ngộ độc kẽm cấp tính sẽ gây đau thắt bao tử, ói mửa. Ngộ độc kẽm mãn tính do tiếp xúc lâu ngày hay do uống viên kẽm nhiều tháng sẽ gây thiếu máu, hư tuyến tụy, hư mỡ tốt HDL. Vì vậy chẳng cần lo tinh dịch thiếu kẽm. Trên thực tế không có bệnh tinh trùng yếu do thiếu kẽm.
Những yếu tố gì có thể tác động tới tinh trùng và khả năng sinh sản của nam giới?
9. Yếu tố mùa có ảnh hưởng đến sinh sản
Sinh sản cần nhiều năng lượng. Động vật giống đực cần rất nhiều năng lượng để truyền giống và chiến đấu chống lại những con đực khác, không cho chúng giao cấu với những con cái thuộc tầm kiểm soát của nó. Động vật giống cái cũng cần nhiều năng lượng vào giai đoạn cuối thai kỳ và thời gian cho con bú. Do vậy, ở động vật hoang dã, truyền thống chỉ xảy ra theo mùa, lúc thức ăn dư thừa.
Loài người hiện đại ít lệ thuộc thiên nhiên nên không có hiện tượng truyền giống theo mùa, nhưng dường như bản năng vẫn chưa mất hẳn nên số ca sinh nở đạt cao nhất cũng có thể thay đổi theo mùa. Số ca sinh nở đạt cao nhất trong những tháng thức ăn tự nhiên dồi dào. Ví dụ ở những xứ lạnh như Phần Lan, Đan Mạch, Anh, nhiều trẻ sinh ra vào tháng 1 đến tháng 4 nhất. Ở Mỹ, các tiểu bang miền Nam ấm áp hơn thì từ tháng 3 đến tháng 5 có ít trẻ được sinh ra nhất, còn từ tháng 7 đến tháng 9 thì có nhiều trẻ được ra đời nhất. Tình hình ở Việt Nam chắc cũng giống như ở miền Nam nước Mỹ, số ca sinh nở đạt đỉnh cao trong các tháng Hè. Dù vậy, chẳng có bác sĩ nào khuyên các cặp vợ chồng chậm con nên tà tà, dồn sức quan hệ kiếm con vào mùa Thu hay đầu Đông để các bé kịp ra đời vào dịp Hè.
10. Sức nóng ức chế sự sản xuất tinh trùng
Nghiên cứu cho thấy “hâm” nóng bìu 43 độ C trong 30 phút sẽ làm tăng số tế bào mầm bị chết và làm giảm tới 80% số lượng tinh trùng trong tinh dịch. Ngược lại, nếu để bìu “mát” liên tục 12 tuần, số lượng tinh trùng xuất ra sẽ tăng hơn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy những người thợ làm bánh, thợ hàn cũng có số lượng tinh trùng xuất ra thấp hơn người khác, chứng tỏ nghề nghiệp có ảnh hưởng tới chuyện hiếm muộn. Mặc quần chật, đi xe đạp nhiều giờ, để máy tính xách tay liên tuc trên đùi …có thể làm hai tinh hoàn bị “hâm” tới “hâm” lui, gây tinh trùng yếu.
11. Chất ô-xy hóa làm giảm chất lượng, hư hại ADN của tinh trùng
Tinh trùng cần các gốc tự do để giúp chúng thụ tinh trứng, nhưng nhiều các gốc tự do quá đưa tới bể màng tinh trùng, hư hại ADN với hậu quả là vô sinh. Một thứ thường gặp mỗi ngày có nhiều chất ô-xy hóa là khói thuốc lá. Thuốc lá không chỉ có hại cho phổi, tim mạch mà còn có hại cho tinh trùng. Khói thuốc lá cũng như không khí ô nhiễm có thể chứa những chất ô-xy hóa gây giảm chất lượng tinh trùng và làm ADN bị hư hại.
Để tinh trùng khỏe, cần tránh xa các chất ô-xy hóa. Bỏ hút thuốc, tránh xa môi trường ô nhiễm là những việc cần thiết. Nếu không thể loại bỏ hẳn nguồn chất ô-xy hóa, dùng các thực phẩm chức năng như vitamin E có thể có lợi, vừa có ý nghĩa dự phòng vừa có ý nghĩa điều trị chứng tinh trùng yếu.
12.Tinh trùng yếu vì sóng điện thoại, sóng radio, sóng rada, wifi…?
Sóng radio (bao gồm cả sóng rada, wifi…) được nghiên cứu bởi các nhà khoa học Hàn Quốc xem có tác động tới sự sinh tinh của tinh hoàn chuột hay không, và kết luận là chẳng có tác động gì tới tinh hoàn và sự sinh tinh. Nghiên cứu bên Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy điện thoại di động chẳng có tác động gì đến tinh hoàn chuột. Và còn nhiều nghiên cứu tương tự nữa. Vì vậy, chúng ta cứ an tâm dùng điện thoại di động, sử dụng radio, tivi, sử dụng wifi, lò vi ba…mà không lo sóng làm tinh trùng cụt đuôi, dị dạng.
Tinh trùng được sinh ra từ một nguồn tế bào gốc không bao giờ cạn, “ghét” nóng, “sợ” thuốc lá, hóa trị, xạ trị ung thư gần tinh hoàn.
Khác với tế bào não và nhiều tế bào khác trong cơ thể dùng đường glucose, tinh trùng “kén ăn” chỉ thích đường fructose nên tinh dịch mới giàu đường fructose.
Yếu tố gây tinh trùng yếu mà nhiều người đã biết như thuốc hóa trị ung thư, xạ trị các ung thư gần tinh hoàn và các bệnh viêm tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh, tinh hoàn ẩn, thoát bị bẹn.
Công nhân nhà máy luyện gang thép, thợ các tiệm giặt ủi, người nấu bếp…cần chú ý chuyện tăng nhiệt độ ở bìu để tránh tình trạng tế bào mầm và tinh trùng chết do nghiệt độ cao.
Theo SKDS