Mắc bệnh động kinh có nên mang thai?
Nhiều phụ nữ khi mắc bệnh động kinh thường băn khoăn không biết có nên mang thai, mang thai có gây nguy hiểm gì và một số thuốc điều trị bệnh động kinh có làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh cho bé không?
Nhiều phụ nữ khi mắc bệnh động kinh thường băn khoăn không biết có nên mang thai, mang thai có gây nguy hiểm gì và một số thuốc điều trị bệnh động kinh có làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh cho bé không? Nếu phụ nữ mắc bệnh động kinh trước khi mang thai cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Hầu hết phụ nữ bị bệnh động kinh có thể có thai và có một em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thai nghén cần phải được theo dõi cẩn thận và dùng thuốc thích hợp, vì bệnh động kinh trong khi mang thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đối với mẹ, do mang thai nên quá trình dùng thuốc để điều trị bệnh cũng hạn chế và có tính lựa chọn nên kiểm soát bệnh tật không hiệu quả bằng người tuân thủ phác đồ uống thuốc kháng động kinh. Đối với con, do mẹ mắc bệnh động kinh nên nguy cơ bị sảy thai, đẻ non cao hơn do những chấn thương vùng bụng trong cơn động kinh và gia tăng tỷ lệ thai chết lưu. Mặt khác, nếu trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh động kinh có nguy cơ bị chậm phát triển trí tuệ và di truyền bệnh động kinh từ mẹ nên trẻ sẽ có các cơn co giật giống động kinh ở tỷ lệ cao gấp 2 lần. Vì vậy, với phụ nữa mắc bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp trước khi mang thai để giảm thiểu rủi ro.
Trước hết, cần điều trị bệnh động kinh trước hai năm bằng cách uống thuốc kháng động kinh được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Khi bệnh tình ổn định, thuốc uống mỗi ngày giảm dần rồi bỏ hẳn mới có kế hoạch thụ thai. Trong quá trình mang thai, ba tháng đầu tuyệt đối không uống bất kỳ thuốc gì để tránh ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Nếu cần thiết các bác sĩ sẽ thận trọng cân nhắc. Những tháng tiếp theo, nếu hiện tượng động kinh xuất hiện thì phải uống thuốc với liều thấp và không uống liên tục để tránh co giật, dẫn đến nguy cơ sinh non. Theo kinh nghiệm, trong quá trình phụ nữ mang thai, nhiều người bệnh động kinh ít tái phát bệnh.
Nếu mắc bệnh động kinh thì thai phụ cần chủ động đi khám ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh trước khi mang thai và khi đã có thai giúp kiểm soát lượng thuốc và loại thuốc cần thiết khi thai nhi phát triển.
Ngoài ra, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng tốt, tránh thuốc lá, rượu, cà phê, trà đặc và thuốc gây nghiện trong quá trình mang thai. Do thể trạng mắc bệnh sức khỏe không tốt nên người mẹ cần tránh tiếp xúc với các chất hóa học độc hại có trong môi trường như thuốc trừ sâu, sơn... Tất cả những chất độc hại này đều được xác nhận gây ra các vấn đề khi mang thai và ảnh hưởng xấu đến bào thai.
Trong khi đang mang thai, thai phụ cố gắng giảm căng thẳng (stress), tránh có những cảm xúc mạnh. Nghỉ ngơi và ngủ nhiều, đồng thời tham gia các bài tập thể dục như đi bộ mỗi ngày, làm việc nhẹ nhàng. Nếu căng thẳng quá mức cần đến cơ sở y tế để được tư vấn thêm về các kỹ thuật thư giãn.
Đối với người mắc bệnh động kinh nếu quyết định mang thai cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ dùng thuốc trong quá trình thai nghén và báo lại những cơn co giật cho bác sĩ để tiến hành các đo đạc giảm thiểu co giật. Không tự ý sử dụng thuốc kể cả thuốc đông y tránh tác dụng phụ của thuốc gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Trong khi mang thai, bệnh nhân cần đến khám thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp và kiểm tra định kỳ cho thai nhi.