Sự nguy hiểm của bệnh sán lá gan
Sán lá gan có 2 loại: lớn và nhỏ. Trong bài này xin được giới thiệu về sán lá gan lớn (Fasciola hepatica). Bởi vì, bệnh này gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí dễ chẩn đoán nhầm với ung thư gan.
Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở động vật ăn cỏ như: trâu, bò, cừu cà cả chó, mèo và ốc là vật chủ ký sinh của ấu trùng sán lá gan lớn. Bệnh sán lá gan lớn không lây truyền trực tiếp giữa người bệnh sang người lành.
Sán lá gan vào gan bằng cách nào?
Đường lây là trứng sán lá gan lớn từ phân người bệnh ra môi trường ngoài, xuống nước, qua ốc phát triển thành ấu trùng đuôi. Vì vậy, người chỉ là vật chủ ký sinh tình cờ do khi ăn thực vật sống dưới nước như: rau ngổ, rau rút hoặc cần hoặc ốc khi đun nấu ấu trùng sán lá gan chưa bị tiêu diệt hoặc ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi mà trong nước có ấu trùng sán lá gan.
Trong môi trường tự nhiên, trứng sán nở thành ấu trùng lông ký sinh trong ốc rồi phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, vào nước và bám vào các loại thực vật sống trong nước để trở thành các nang trùng. Khi người ăn, uống phải các nang trùng này sẽ bị bệnh.
Ăn gỏi dễ dẫn tới sán lá gan
Sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng bị phá hủy và giải phóng ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan, ấu trùng đục thủng bao gan chui vào nhu mô gan để sinh trưởng và phát triển ở đấy chúng tiết ra các các chất độc phá hủy nhu mô gan gây áp-xe gan.
Sau một thời gian từ 2 - 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán trưởng thành có thể chui vào đường mật tiếp tục phát triển và đẻ trứng ở đấy và suốt trong thời gian dài (khoảng 10 năm) nếu không được điều trị sẽ dẫn đến ung thư đường mật.
Ngoài ra có một số rất ít trường hợp ấu trùng di chuyển lạc chỗ, chúng không đến gan mà đến một số cơ quan khác (da, cơ, vào khớp, vào vú, thành dạ dày, đại tràng…) và gây bệnh ở đó. Vì vậy, một số nhà chuyên môn đã gặp những trường hợp u đại tràng chẩn đoán nhầm là ung thư đại tràng.
Triệu chứng của bệnh
Bệnh sán lá gan lớn gặp ở mọi lứa tuổi, tuổi mắc nhiều nhất là 30 - 40 tuổi, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam (từ 2 - 2,5 lần). Hầu hết triệu chứng lâm sàng của áp-xe gan do sán lá gan lớn gây ra không có gì đặc biệt, tương tự như áp-xe gan với các nguyên nhân khác (do ký sinh trùng, vi khuẩn), thường mệt mỏi, có sốt (có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ, chiếm tỉ lệ khoảng 70%)), đau nhẹ ở hạ sườn phải (tỉ lệ chiếm 70 - 80%), đôi khi đau bụng âm ỉ không rõ vị trí, gan sưng to và đau. Một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa (chán ăn, phân không thành khuôn, tiêu chảy). Một số trường hợp có dị ứng da (20 - 30%), biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, khó chịu. Một số người bệnh có ho kéo dài, đau tức ngực. Các trường hợp vàng da có thể do sán di chuyển vào đường mật và phát triển ở đấy gây viêm đường mật.
Bệnh sán lá gan lớn gây áp-xe gan rất dễ chẩn đoán nhầm với ung thư gan, áp-xe gan do amíp hoặc áp-xe gan do vi khuẩn hoặc có thể do sỏi đường mật gây nên.
Để chẩn đoán, nên lưu ý hỏi tiền sử có ăn một số rau chưa nấu chín (rau cần, rau ngổ, rau rút…) hoặc ăn ốc chưa nấu kỹ, ăn rau sống hay không? Và có sống ở địa phương có nhiều người bị sán lá gan hay không?
Xét nghiệm bằng phản ứng ELISA cho kết quả chính xác nhất (dương tính khi hiệu giá trên 1/3200). Phản ứng miễn dịch ELISA là một phương pháp tuy đơn giản, nhưng đáng tin cậy nhất. Bởi vì, khi sán xâm nhập nhu mô gan chúng tiết ra nhiều kháng nguyên nhất, 2 tuần sau bắt đầu xuất hiện kháng thể (IgG và IgE), nếu thực hiên phản ứng ELISA sẽ dương tính. Cần lưu ý là 6 tháng sau khi khỏi bệnh, ELISA vẫn còn dương tính và 12 tháng sau mới hết hẳn.
Sán lá gan lớn
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Khi xác định là bệnh do sán lá gan lớn cần điều trị càng sớm càng tốt tránh để xẫy ra các biến chứng nguy hiểm. Khi áp-xe gan không điều trị kịp thời có thể áp-xe bị vỡ vào màng phổi, vỡ vào màng bụng, thành bụng gây viêm phúc mạc, nhiễm độc rất nguy hiểm cho tính mạng.
Hiện nay đã thuốc điều trị đặc hiệu với loại bệnh này, tuy vậy, cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không tự mua thuốc để điều trị. Trong trường hợp điều trị nội khoa tiến triển chậm có thể kết hợp điều trị ngoại khoa (chọc hút dịch, mủ áp-xe).
Để tránh mắc bệnh, không ăn rau, canh, ốc nấu chưa chín. Không uống nước chưa đun sôi. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn.
Xét nghiệm bằng phản ứng ELISA cho kết quả chính xác nhất.
Theo SKĐS