Xử trí những tai nạn dễ gặp ở trẻ
Nghỉ hè là thời gian rảnh rỗi, trẻ được vui chơi thoải mái nhưng là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ. Hầu hết trẻ thường tự ở nhà chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc bản thân.
Nghỉ hè là thời gian rảnh rỗi, trẻ được vui chơi thoải mái nhưng là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ. Hầu hết trẻ thường tự ở nhà chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc bản thân. Với bản tính hiếu động, trẻ thường rất nghịch ngợm và không tránh khỏi những tai nạn do chính trẻ gây ra. Lúc này, các bậc cha mẹ hãy bình tĩnh xử lý...
Ngã
Nếu trẻ ngã rồi bất tỉnh, nôn ói, có máu chảy ra ở miệng hoặc ở mũi, ở tai, tay chân co giật..., phải lập tức đưa trẻ tới phòng cấp cứu. Trong khi di chuyển hoặc chờ đợi bác sĩ tới, tránh không di động trẻ. Đặt trẻ nằm thẳng người, đầu hơi thấp hơn chân, nghiêng mặt về một bên để nếu trẻ nôn, ói hay bị chảy máu mũi, miệng, chất lỏng không vào được trong họng để xuống phổi. Không được cho trẻ uống hay ăn bất cứ thứ gì.
Trẻ bị ngã đập đầu xuống đất, nếu trẻ bị ngất, dù trong thời gian ngắn cũng phải đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay vì dù nhìn bên ngoài, chỗ va chạm không có dấu hiệu gì là vết thương nặng nhưng rất có thể trẻ đã bị chấn thương sọ não. Trong thời gian tiếp theo, cần phải chú ý theo dõi xem trẻ có các hiện tượng như: nôn ói, sốt, co giật, sắc mặt tái dần, giấc ngủ không yên hoặc ngủ mê mệt không? Trong 24 giờ của ngày đầu, cần phải theo dõi liên tục, thỉnh thoảng lại gọi xem cháu có tỉnh lại không vì nếu có hiện tượng chảy máu trong não, cháu có thể ngủ thiếp đi rồi chuyển qua trạng thái hôn mê. Nếu thấy trẻ có sự thay đổi thái độ đột ngột: Tự nhiên tỏ ra bàng quan với tất cả chung quanh hoặc tự nhiên vật vã, kích động, mắt nhìn bỗng bị rối loạn, có khi nhìn như người lác mắt..., phải gọi bác sĩ ngay.
Cảm nóng, cảm nắng
Trẻ em rất nhạy cảm với nhiệt. Trong môi trường quá nóng, cơ thể trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách toát mồ hôi để chống lại cái nóng. Khi đó, trẻ sẽ có biểu hiện toát nhiều mồ hôi, vật vã, đòi uống vì khát. Nếu sau đó trẻ không được uống nước để bù đắp lại lượng nước đã mất, cơ thể không toát mồ hôi nữa và thân nhiệt bắt đầu tăng lên, có thể lên trên 40oC. Khi đó, hãy nhanh làm cho bé mát bằng cách tắm nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt của bé từ 2 - 3oC, chườm lạnh hoặc quấn tã tẩm nước mát. Cho uống thuốc hạ sốt nếu sốt cao như aspirin, acetamol với nhiều nước mát. Nếu thân nhiệt trẻ vẫn không giảm, cần đưa đi cấp cứu ngay. Để phòng cảm nóng, cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, không cho các cháu mặc nhiều quần áo quá, không cho trẻ ở quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
Bỏng
Khi trẻ bị bỏng, hãy nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng, rửa sạch vết thương bằng nước sạch. Với những vết bỏng nhẹ (diện tích nhỏ, nông), trước hết, bạn cần làm mát vết bỏng bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng cho đến khi bé đã bớt đau. Nếu ở vết bỏng nổi lên một bọng nước, hãy đắp lên đó một miếng vải sạch, không bị xổ lông và giữ chắc bằng băng dính nhưng tránh không làm vỡ bọng nước. Không nên thoa bất cứ thứ gì lên vết bỏng.
Khi trẻ bị bỏng nặng, điều đầu tiên cần làm là cởi bỏ quần áo của trẻ, để lộ vùng bị bỏng. Những chỗ quần áo khô hoặc đã bị dính chặt vào vết bỏng thì tuyệt đối không được lấy ra. Làm mát vết bỏng cho trẻ bằng cách ngâm trẻ vào nước hoặc đắp khăn lạnh lên vết thương, tránh làm vỡ những nốt bỏng nước (nếu có). Sau khi đã sơ cứu thì chuyển ngay trẻ đi bệnh viện
Ngộ độc
Đây là một trong những trường hợp cấp cứu thường gặp nhất ở trẻ nhỏ vì trẻ rất dễ uống phải thuốc, hóa chất hay bất cứ chất độc nào trẻ lấy được. Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng như nôn, đau bụng, co giật, bất tỉnh hay lơ mơ, có vết phỏng quanh miệng... thì cần nghĩ ngay trẻ đã bị ngộ độc và tìm cách sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện. Đầu tiên, cần cho bé nôn ra được chất độc càng nhiều càng tốt bằng cách kích thích vùng nôn ói ở yết hầu. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, người nhà nên đem theo vỏ chai thuốc hoặc những chất gây độc để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, nếu uống nhầm loại chất gây ăn mòn như acid thì không nên gây nôn vì như vậy dễ làm chảy máu. Tốt nhất là cho uống nước than hoạt tính pha theo tỷ lệ 4/1: 4 nước, 1 than; liều lượng: 10g than hoạt tính cho 1kg cân nặng cơ thể.
Nếu trẻ còn tỉnh, hãy cho trẻ uống một cốc sữa hoặc nước, không cho uống nước muối hay chanh, giấm. Nếu trẻ đã bất tỉnh, bạn cần kiểm tra xem trẻ còn thở không. Nếu trẻ ngừng thở, cần làm hô hấp nhân tạo nhưng nên đặt một miếng vải mỏng lên trên miệng bé và hà hơi qua tấm vải để tránh cho bản thân không bị nhiễm chất độc từ miệng bé. Nếu trẻ bị chất độc ngấm vào mắt, có thể dùng một bình nước để cao 10cm dội từ từ lên mắt liên tục trong 15 phút. Nếu trẻ bị phỏng quanh miệng do uống phải hóa chất, cần lấy nước sạch rửa da và môi cho bé. Sau khi sơ cứu, cần chuyển ngay trẻ tới bệnh viện.
Theo SKDS