Viêm họng cấp ở trẻ có nguy hiểm?
Thời tiết chuyển mùa là dịp cho các bệnh viêm đường hô hấp gia tăng đặc biệt là đối với trẻ em. Một trong những bệnh hay gặp là viêm họng cấp ở trẻ nhỏ. Viêm họng cấp được định nghĩa là viêm niêm mạc họng trong thời gian dưới 4 tuần.
Thời tiết chuyển mùa là dịp cho các bệnh viêm đường hô hấp gia tăng đặc biệt là đối với trẻ em. Một trong những bệnh hay gặp là viêm họng cấp ở trẻ nhỏ. Viêm họng cấp được định nghĩa là viêm niêm mạc họng trong thời gian dưới 4 tuần.
Viêm họng cấp do virus
Có đến 70 – 80% viêm họng ở trẻ em là do virus. Các virus gây viêm họng chủ yếu là influenza virus, rhino virus và adeno virus. Đặc điểm của viêm họng virus là sốt, đau họng, chảy mũi, ho nhẹ. Với các biểu hiện này thì các bà mẹ không thể phân biệt được là viêm họng virus hay vi khuẩn. Thăm khám có thể giúp bác sĩ phân biệt được một phần: viêm họng virus họng thường đỏ, hoặc niêm mạc hồng, lưỡi vẫn hồng và ướt, miệng không hôi, amidan và thành họng không có mủ, mũi dịch trong, trẻ có thể có ho nhẹ nhưng phổi nghe êm, tiếng thở bình thường. Kỹ càng hơn nữa làm xét nghiệm máu sẽ không thấy hiện tượng tăng bạch cầu, và phản ứng viêm CRP không tăng. Xét nghiệm máu có thể thấy phản ứng dương tính với các virus cúm...
Khám họng cho bệnh nhi
Thông thường thì không cần dùng kháng sinh trong điều trị viêm họng do virus vì kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Các thuốc kháng virus là không thực sự cần thiết, trừ một vài đợt dịch virus cúm nguy hiểm tỉ lệ biến chứng cao. Viêm họng virus thông thường chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng: hạ sốt, bù nước và điện giải do sốt cao mất nước, giảm ho, dinh dưỡng tốt, trẻ cần được nghỉ ngơi, cách ly. Thông thường bệnh sẽ ổn định sau 5-7 ngày. Tuy nhiên không vì thế mà cho rằng viêm họng cấp virus là không nguy hiểm như viêm họng vi khuẩn, mà chúng ta phải luôn đề phòng các biến chứng của viêm họng do virus như viêm phổi do virus, viêm não màng não, hoặc bội nhiễm dẫn đến viêm mũi họng do vi khuẩn sau đợt viêm do virus, từ đó có thể dẫn đến bội nhiễm viêm phổi, viêm phế quản. Vì vậy nguyên tắc chung điều trị viêm họng do virus là điều trị triệu chứng và theo dõi sát đề phòng các biến chứng.
Viêm họng cấp do vi khuẩn
Chiếm khoảng 20-25% các viêm họng trẻ em. Biểu hiện chung vẫn là đau họng, sốt và có thể có ho nhẹ. Tuy nhiên khi thăm khám các bác sĩ sẽ thấy bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn rõ rệt như môi khô, lưỡi bẩn, miệng thường hôi, thành họng và amidan ngoài sưng nề đỏ sẽ có các nốt chấm mủ trắng bẩn, đặc biệt là ở amidan. Các nốt mủ trắng này là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt viêm họng vi khuẩn và virus trên lâm sàng. Ngoài ra, các xét nghiệm sẽ có thể giúp ta phân biệt như bạch cầu trong máu tăng, CRP tăng rõ rệt. Đặc hiệu nhất là quệt họng tìm vi khuẩn là giá trị vàng và giúp cho cả việc điều trị bằng kháng sinh đồ. Tuy nhiên trong thực tế lâm sàng điều trị thì thường chỉ cần dựa vào thăm khám và xét nghiệm máu là đủ.
Khi đã xác định viêm họng vi khuẩn cần dùng kháng sinh ít nhất là 7 ngày. Ngoài ra, cần phối hợp với điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng, chú ý bù nước và điện giải khi có sốt cao kéo dài. Các biến chứng cần đề phòng là áp xe amidan, áp xe thành sau họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản phổi.
Một số lưu ý
Trong các vi khuẩn gây viêm họng cấp ở trẻ em cần lưu ý viêm họng cấp do liên cầu. Bệnh do liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A gây ra. Đây là một viêm họng nguy hiểm vì có biến chứng sang viêm khớp cấp, viêm màng trong tim cấp hoặc mạn tính gây hẹp hở van tim, viêm cầu thận cấp... Do cấu tạo vỏ của vi khuẩn gần giống cấu tạo của tổ chức liên kết (bao khớp, màng tim, màng thận...) khi bị nhiễm liên cầu khuẩn, cơ thể phản ứng sinh ra kháng thể chống vi khuẩn đồng thời kháng thể này cũng dung giải luôn chính tổ chức của mình gây nên bệnh thấp khớp cấp, viêm cầu thận, viêm màng tim (thấp tim)... Triệu chứng lâm sàng thường không có khác biệt nhiều với các viêm họng cấp khác. Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm nuôi cấy hoặc soi tươi dịch họng thấy có liên cầu khuẩn.
Như vậy phần lớn các viêm họng cấp ở trẻ em là do virus gây ra. Thăm khám lâm sàng và xét nghiệm máu có thể giúp chúng ta phân biệt được viêm họng virus và vi khuẩn. Tránh lạm dụng kháng sinh trong viêm họng không chỉ giúp trẻ khoẻ mạnh, nhanh khỏi bệnh mà còn làm giảm nguy cơ kháng kháng sinh cho bản thân trẻ và cộng đồng. Hết sức lưu ý viêm họng ở các trẻ sơ sinh, đẻ non, suy dinh dưỡng và mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì đây là đối tượng sức đề kháng yếu, dễ xảy ra các biến chứng do viêm họng gây ra như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm não, màng não, nhiễm trùng máu. Dinh dưỡng tốt cho trẻ, tránh lạnh, khói bụi, tiêm chủng đầy đủ là cách phòng ngừa hiệu quả viêm họng, đặc biệt là trong dịp thời tiết chuyển mùa.
Theo SKDS