Sữa mẹ và cách cho con bú
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ đã được các nhà khoa học cũng như cộng đồng người dân khẳng định. Tuy vậy, cách cho con bú sữa mẹ đúng phương pháp là vấn đề không kém phần quan trọng.
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ đã được các nhà khoa học cũng như cộng đồng người dân khẳng định. Tuy vậy, cách cho con bú sữa mẹ đúng phương pháp là vấn đề không kém phần quan trọng.
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ
Sữa mẹ rất thích hợp với trẻ sơ sinh vì chúng có đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin, muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển cơ thể của trẻ một cách hợp lý, tránh sự tăng cân quá mức. Nếu trẻ được bú mẹ, trẻ sẽ được lớn nhanh, phòng được tình trạng suy dinh dưỡng, giúp trẻ thông minh, không bị thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt; không bị thiếu chất canxi, phospho...
Cho trẻ bú sữa mẹ đúng phương pháp là một yêu cầu cần thiết
Đồng thời, sữa mẹ cũng là chất dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường chất đề kháng cho trẻ, tăng cường thị lực cho mắt của trẻ. Trong sữa mẹ còn có những yếu tố bảo vệ cơ thể cho trẻ mà không thể có loại thức ăn nào có thể thay thế được, đó là các globulin miễn dịch chủ yếu là IgA (immunoglobulin A) có tác dụng bảo vệ cơ thể của trẻ chống lại các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn; vì vậy trẻ bú được sữa mẹ thường ít khi bị mắc bệnh. Sữa mẹ cũng có tác dụng chống dị ứng vì trên thực tế ghi nhận trẻ bú sữa mẹ ít bị dị ứng và eczema hơn là bú sữa bò.
Ngoài ra, việc cho trẻ bú sữa mẹ rất thuận lợi cho sinh hoạt của người mẹ và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Trẻ bú sữa mẹ thuận lợi cho sinh hoạt của người mẹ vì thực tế không cần dụng cụ, không cần đun nấu và pha chế, không mất thời gian chuẩn bị, không phụ thuộc vào giờ giấc và bất kỳ lúc nào cũng có thể cho trẻ ăn bú được ngay. Trẻ bú sữa mẹ cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình vì không cần phải mua sữa, không cần dụng cụ pha chế sữa để sử dụng như dùng loại sữa bò. Một vấn đề cần được quan tâm là khi người mẹ có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tinh thần thoải mái thì sẽ có đầy đủ sữa cần thiết cho con bú. Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng là cơ hội, điều kiện để gắn bó tình cảm của mẹ con, người mẹ và con trẻ được gần gũi nhau hơn; đây là yếu tố tâm lý quan trọng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần của trẻ. Người mẹ nuôi con bằng sữa của chính mình sẽ góp phần ngăn ngừa sự mang thai, hạn chế sinh đẻ trong thời gian nuôi con còn nhỏ do khi cho trẻ bú sữa, tuyến yên sẽ tiết ra chất prolactin có tác dụng ức chế sự rụng trứng, giảm khả năng sinh đẻ, đồng thời giảm được tỉ lệ ung mắc thư vú.
Cách cho con bú sữa mẹ
Bú sữa mẹ là một hoạt động phản xạ tự nhiên của trẻ khi mới chào đời. Tuy nhiên, người mẹ cần phải có kiến thức và hiểu biết cần thiết để cho trẻ bú đúng phương pháp nhằm bảo đảm nguồn sữa mẹ đến được với trẻ một cách đầy đủ và hợp lý.
Sau khi trẻ được sinh ra trong vòng nửa giờ, tốt nhất là người mẹ nên cho trẻ bú sữa ngay; không chờ cho có hiện tượng căng sữa hay xuống sữa mới cho trẻ bú vì việc chờ đợi như vậy sẽ làm cho sữa càng tiết xuống chậm hơn và càng dễ bị mất sữa. Lưu ý cho trẻ bú càng sớm càng tốt vì sữa mẹ được tiết theo cơ chế phản xạ, nếu trẻ càng bú sớm thì càng có tác dụng kích thích tiết sữa sớm; việc trẻ được bú sữa non sẽ có khả năng được bảo vệ tốt và ngăn ngừa sự nhiễm bệnh. Động tác bú sữa của trẻ còn giúp cho người mẹ sớm co hồi tử cung, có tác dụng cầm máu sau khi sinh. Cần cho trẻ nằm gần người mẹ để tạo điều kiện thuận tiện đối với việc cho con bú. Số lần cho trẻ bú sữa mẹ không nên hạn chế, không theo quy định giờ giấc mà nên theo yêu cầu của trẻ kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Người mẹ càng ít sữa càng cần cho trẻ bú nhiều để kích thích sự bài tiết sữa của vú.
Khi cho trẻ bú sữa, người mẹ phải ở tư thế nằm hoặc ngồi một cách thoải mái, cho trẻ áp sát vào mẹ, đầu và thân trẻ nằm thẳng, đỡ phần mông nếu trẻ nhỏ. Mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú, người mẹ có thể dùng tay nâng vú cho trẻ dễ bú. Cằm trẻ phải tỳ vào vú mẹ, miệng mở rộng, môi dưới hướng ra ngoài quầng vú, phía trên miệng nhiều hơn ở phía dưới. Để miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để trẻ mút dễ hơn. Sau khi trẻ ngậm bắt vú tốt, trẻ sẽ mút chậm và mút sâu. Thời gian bú sữa tùy theo từng đứa trẻ nhưng phải bảo đảm cho đến khi trẻ tự rời vú mẹ. Nếu trẻ bú chưa đủ lượng sữa cần thiết thì chuyển sang vú phía bên kia. Lưu ý nên cho trẻ bú kiệt sữa một bên vú rồi mới chuyển sang vú còn lại để trẻ có thể mút được nguồn sữa cuối của một bữa bú vì nguồn sữa này rất giàu chất béo. Trẻ bú được xem là có hiệu quả nếu thấy vú mẹ căng lên trước khi bú và trở nên mềm ra sau mỗi bữa bú, người mẹ cảm thấy thoải mái và dễ chịu trong khi cho con bú sữa.
Cần nhớ rằng khi trẻ lớn lên từ 4 - 6 tháng tuổi vẫn tiếp tục cho trẻ bú hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ kể cả khi trẻ bị bệnh hoặc bị tiêu chảy. Nếu trẻ bị sinh non, yếu không bú được hoặc mẹ bị ốm nặng hay mắc một số bệnh không thể cho trẻ bú được thì vắt sữa cho trẻ uống bằng thìa. Các nhà khoa học khuyến cáo nên cho trẻ bú kéo dài trong khoảng thời gian từ 18 - 24 tháng hoặc lâu hơn, không nên cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.
Khi cai sữa cho trẻ cần chú ý:
Không nên cai sữa cho trẻ quá sớm khi chưa có đầy đủ thức ăn thay thế hoàn toàn các bữa bú sữa mẹ. Không nên cai sữa cho trẻ vào mùa hè nóng nực, trẻ kém ăn. Không nên cai sữa cho trẻ đột ngột vì dễ gây sang chấn tinh thần, làm trẻ quấy khóc, biếng ăn. Không nên cai sữa cho trẻ khi trẻ bị ốm hoặc bị tiêu chảy vì thức ăn thay thế, trẻ chưa có thể thích nghi được sẽ làm tăng rối loạn tiêu hóa, dễ bị suy dinh dưỡng. Sau khi cai sữa, cần có các thức ăn thay thế để bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ nhất là chất đạm như thịt, cá, trứng, đậu, đỗ...; chất béo như dầu, mỡ và các loại rau quả...